Nếu hoàn tất nâng sở hữu, Sabeco sẽ nâng tổng số công ty con lên mức 25. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu bia Sài Gòn còn đầu tư vào nhiều công ty liên doanh, liên kết khác.
Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB) vừa thông qua Nghị quyết HĐQT về phương án nâng sở hữu tại hai công ty là CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco) và CTCP Tập đoàn Bao bì Sài Gòn.
Theo báo cáo tài chính quý 4/2022, Sabeco đang ghi nhận CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây là công ty liên kết với giá trị đầu tư 446 tỷ đồng, tương ứng lợi ích là 21,8%, quyền kiểm soát 22,18%. Sabibeco hoạt động từ năm 2005, tiền thân là CTCP Bia Sài Gòn Bình Tây, với dự án đầu tiên là Nhà máy Bia Sài Gòn - Bình Dương.
Hiện, Sabibeco có 6 nhà máy thành viên với tổng công suất sản xuất đạt 810 triệu lít bia/năm, gồm: Nhà máy Bia Sài Gòn - Hoàng Quỳnh (Quận Bình Tân, TP HCM), Nhà máy Bia Sài Gòn - Bình Dương (Thị xã Dĩ An, Bình Dương), Nhà máy Bia Sài Gòn - Đồng Tháp (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp), Nhà máy Bia Sài Gòn - Ninh Thuận (TP Phan Rang, Ninh Thuận), Nhà máy Bia Sài Gòn - Phủ Lý (Hà Nam), Nhà máy Bia Sài Gòn - Long Khánh (KCN Long Khánh, Đồng Nai).
CTCP Tập đoàn Bao bì Sài Gòn được ghi nhận trong báo cáo tài chính của Sabeco với khoản đầu tư 50 tỷ đồng. Đây là công ty chuyên sản xuất lon nhôm hai mảnh và các sản phẩm từ giấy và bìa, in bao bì, nhãn mác mang thương mại, có địa chỉ tại KCN Bắc Vinh, TP Vinh, Nghệ An.
Tháng 10/2018, công ty hoàn thành việc sáp nhập CTCP Bao bì Sabeco Đồng Tháp và CTCP In và Bao bì Minh Phúc, nâng vốn điều lệ tăng từ 300 tỷ đồng lên hơn 560 tỷ đồng; tổng tài sản và nguồn vốn tăng 219%.
Nếu hoàn tất nâng sở hữu 2 công ty trên, Sabeco sẽ nâng tổng số công ty con lên mức 25. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu bia Sài Gòn còn đầu tư vào nhiều công ty liên doanh, liên kết khác.
Trong quý IV/2022, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.029 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, giá vốn ghi nhận 7.216 tỷ đồng, chiếm 72% doanh thu thuần và tăng gần 11% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính đạt hơn 31 tỷ đồng, tăng 210% so với cùng kỳ. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gần 17% lên mức 200 tỷ đồng. Chi phí bán hàng của Sabeco tăng mạnh hơn 70% lên 1.612 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí quảng cáo tiếp thị khuyến mãi cho quý bán hàng trước Tết.
Lợi nhuận gộp đạt 2.813 tỷ. Biên lợi nhuận gộp đạt 28% quý này, tăng nhẹ so với mức 27,7% của quý IV/2021 nhưng là mức thấp nhất trong năm 2022.
Sau khi trừ mọi chi phí, Sabeco lãi sau thuế 1.076 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ và thấp nhất trong 5 quý trở lại đây. Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, dù doanh thu cao hơn nhưng do đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị, quảng cáo đã khiến lợi nhuận sau thuế sụt giảm so với cùng kỳ.
Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Sabeco đạt 34.979 tỷ, tăng 32,6% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận xấp xỉ 5.500 tỷ đồng, tăng gần 40%. Như vậy, Sabeco đã hoàn thành mục tiêu doanh thu và vượt 20% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của năm 2022.
Hà My
Theo Kinh tế & Đồ uống