"Ông lớn" ngành bia bứt phá nhờ thông tin thoái vốn, tuy nhiên sự thăng hoa cũng phần nào khiến bức tranh thị trường chung trở nên thiếu cân xứng.
Sabeco thăng hoa và sự 'méo mó' của VN-Index.
Trong gần 3 tháng, thị giá cổ phiếu SAB của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn đã tăng gần 50% lên mức đỉnh 285.000 đồng - mức giá cao nhất kể từ khi SAB được niêm yết. Sabeco theo đó cũng trở thành cổ phiếu có vốn hóa thứ 2 thị trường chỉ đứng sau Vinamilk nhưng vượt qua Vietcombank, Gas, Vingroup hay Petrolimex.
Với tỷ trọng tăng lên gần 8,2% trong rổ cổ phiếu tính toán, chỉ một thay đổi nhỏ so với giá tham chiếu trong phiên của cổ phiếu này cũng tạo ra tác động đáng kể lên VN-Index hay VN30. Tuy nhiên, với đặc thù về sở hữu và tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp, việc tạo ra biến động này là điều không khó.
SAB là một trong những tác nhân khiến thị trường chứng khoán chứng kiến nhiềuphiên giao dịch "xanh vỏ, đỏ lòng".
Giữa tháng 7, bộ đôi cổ phiếu ngành bia một lần nữa "nổi sóng" khi Bộ Công Thương yêu cầu 2 đơn vị này trình phương án thoái vốn Nhà nước ngay trong tháng và dự kiến sẽ được thực hiện trong năm nay.
Đến đầu tháng 9, báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, Thủ tướng đã phê duyệt phương án chuyển nhượng 53,59% vốn tại Sabeco, còn Habeco sẽ tập trung giải quyết vướng mắc với Carlsberg.
Đà tăng được củng cố nhờ kỳ vọng của nhà đầu tư vào việc các tập đoàn lớn nước ngoài sẽ không tiếc tiền để thâu tóm doanh nghiệp bia giữ thị phần lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, động thái mới của SAB không chỉ ảnh hưởng đến đơn lẻ cổ phiếu này mà còn gián tiếp tác động đến thị trường, khi Sabeco trở thành một doanh nghiệp có khả năng "chi phối" VN-Index.
Nói đến sự tác động này là bởi chỉ số VN-Index đại diện cho thị trường, nhưng được tính toán dựa trên biến động của từng cổ phiếu với tỷ trọng tương ứng trong tổng vốn hóa. Hay nói đơn giản, mỗi cổ phiếu sẽ không biến động quá biên độ thị trường, nhưng cổ phiếu vốn hóa càng lớn thì khả năng tác động lên index càng cao.
Vươn lên đứng top 2 thị trường, SAB lại có một đặc điểm mà ít cổ phiếu bluechip khác có được là khả năng đẩy giá hay dìm giá dễ dàng. Điều này là bởi thanh khoản của SAB thường ở mức rất thấp trong mỗi phiên giao dịch (chỉ ở mức vài nghìn, cho tới vài chục nghìn cổ phiếu mỗi phiên).
Phiên giao dịch 9/8 vốn hóa thị trường chứng khoán mất gần 2 tỷ USD do tin đồn về một lãnh đạo ngân hàng. Dù hầu hết cổ phiếu ngành này đều chìm trong sắc đỏ nhưng cổ phiếu tác động mạnh nhất đến thị trường lại là SAB - một đơn vị trong ngành bia, khi "đóng góp" 2,4 điểm trong mức giảm 18 điểm của VN-Index.
Thị trường cũng từng ghi nhận không ít phiên giao dịch với chỉ vài trăm cổ phiếu được bán ra nhưng Sabeco khiến VN-Index đảo chiều, hay vẫn được nhà đầu tư gọi với tên khác là trạng thái "xanh vỏ, đỏ lòng".
Trong phiên giao dịch ngày 28/6, cổ phiếu SAB có thời điểm giảm 6.200 đồng (gần 3%) với khối lượng khớp lệnh chỉ vỏn vẹn 350 cổ phiếu (khoảng 70 triệu đồng). Tuy nhiên tác động này khiến vốn hóa thị trường nói chung sụt gần 4.000 tỷ đồng.
Hay như sự kiện gần đây nhất của thị trường khi VN-Index đã lần đầu quay lại mốc 800 điểm sau gần 10 năm, tuy vậy phần lớn nhà đầu tư trên thị trường lại không mấy vui vẻ với điều này. Biểu hiện rõ ràng nhất là từ khi vượt mốc 800, thị trường giao dịch với nhịp độ không quá sôi động và giữ tâm lý dè chừng.
Không qua khó hiểu khi động lực tăng điểm trước đó đến từ những cổ phiếu như SAB, ROS hay các cổ phiếu bluechip khiến VN-Index không phản ánh đầy đủ bức tranh chung. Trong khi phần còn lại của thị trường - vốn được sự quan tâm của đa phần nhà đầu tư nhỏ lẻ, lại cho thấy xu hướng trái ngược.
Bản thân VN-Index dù chỉ đơn thuần phản ánh bức tranh chung mà không tạo ra giá trị cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cơ sở, nhưng khi phản ánh không chân thực, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường cũng phần nào bị ảnh hưởng.
Minh Sơn
Theo VnExpress