Sáng 25/2, các thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đều tăng điểm, theo sau mức tăng mạnh của chứng khoán Phố Wall đêm trước.
(Nguồn: Reuters)
Đầu phiên này, tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei-225 mở cửa tăng 164,83 điểm (1,11%) lên 15.002,51 điểm.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,03% lên 2.077,28 điểm, nhờ hoạt động mua vào sau đợt bán tháo trong phiên trước.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 109,86 điểm (0,49%) lên 22.498,42 điểm.
Hiện nay, các nhà đầu tư đang chờ đợi Mỹ công bố các số liệu kinh tế chủ chốt như thị trường nhà đất, lòng tin tiêu dùng, tăng trưởng GDP.
Đêm trước, tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 103,84 điểm (0,64%) lên 16.207,14 điểm; còn chỉ số S&P 500 tăng 11,36 điểm (0,62%) lên 1.847,61 điểm.
Trong tháng 2/2014, chỉ số Dow Jones đã tăng 3,2%, sau khi giảm 5,3% trong tháng 1/2014.
Dẫn đầu đà tăng trong phiên này là cổ phiếu của Netflix, Tesla Motors, Facebook, khi tăng lần lượt 3,4%, 3,8% và 3,2%.
Các số liệu kinh tế thấp hơn dự kiến gần đây của kinh tế Mỹ đào sâu những lo ngại về việc các chỉ số chứng khoán đã tăng quá mạnh. Tuy nhiên, các hoạt động mua bán, sáp nhập đã phần nào làm lắng dịu lo ngại này.
Tập đoàn sản xuất chip RF Micro Devices Inc đã đồng ý mua lại công ty TriQuint Semiconductor Inc với giá 1,6 tỷ USD; Men's Wearhouse Inc cũng đưa ra mức giá cao hơn 10% để "thâu tóm" Jos. A. Bank Clothiers Inc. Trong khi tỷ phú Carl Icahn đề nghị tách bộ phận đang tăng trưởng nhanh chóng PayPal khỏi eBay.
Rick Meckler, Chủ tịch LibertyView Capital Management LLC, tại New Jersey, cho rằng chứng khoán chưa thể tăng quá mạnh nếu các hoạt động mua bán, sáp nhập vẫn diễn ra sôi động.
Trong khi đó, chuyên gia Alan Skrainka, thuộc Cornerstone Wealth Management đánh giá các nhà đầu tư đang tin tưởng hơn vào đà phục hồi của kinh tế Mỹ trong năm nay và các doanh nghiệp sẽ làm ăn phát đạt hơn.
Trà My
theo TTXVN