Thị trường sách điện tử Việt Nam được nhận định là có tiềm năng rất lớn, đặc biệt là mảng sách giáo dục (e-learning) vốn có nhu cầu rất cao từ phía xã hội. Tuy nhiên, cần có nhiều nhân tố cùng lúc thúc đẩy để guồng quay có thể tăng tốc, các chuyên gia nhận định.
Thị trường sách điện tử Việt Nam được nhận định là có tiềm năng rất lớn, đặc biệt là mảng sách giáo dục (e-learning) vốn có nhu cầu rất cao từ phía xã hội. Tuy nhiên, cần có nhiều nhân tố cùng lúc thúc đẩy để guồng quay có thể tăng tốc, các chuyên gia nhận định.
Cùng với sự phổ biến của thiết bị di động, sách điện tử cũng ngày một quen thuộc hơn. Trên thế giới, rất nhiều hãng công nghệ đã kiếm được tiền tỷ từ sách điện tử, mà điển hình là Amazon.
Xu thế tất yếu
Thị trường sách điện tử Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng rất lớn. Ảnh: T.C
“Sách điện tử đang trở thành xu thế tất yếu của cuộc sống hiện đại bởi thời gian của người dùng ngày càng eo hẹp. Văn hóa đọc thụt lùi trong khi văn hóa nghe nhìn, game lên ngôi. Người dùng đòi hỏi những trải nghiệm mới, đơn giản nhưng hiệu quả hơn”, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử chia sẻ tại “Sự kiện đặc biệt Alezaa” sáng 22/2 tại Hà Nội.
Theo ông Linh thì ngay từ 2-3 thập niên trước, Nhật Bản đã xác định chiến lược rõ ràng để phát triển ngành công nghiệp nội dung và gần đây hơn là nội dung số. Một nước láng giềng châu Á khác là Hàn Quốc cũng đầu tư rất nhiều tiền của cho nội dung số, nhất là game online và e-learning.
Thị trường số hóa nội dung ở Việt Nam được đánh giá là còn rất mới, rất nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác một cách bài bản. Có hai vấn đề then chốt để thị trường này phát triển, theo ông Linh. Trước hết là vấn đề pháp luật, cụ thể hơn là bản quyền. Việc vi phạm bản quyền đang là một vấn nạn với sách giấy, và với nội dung số, việc sao chép còn dễ dàng hơn nhiều. Hiện tại, Cục TMĐT đang soạn thảo dự thảo văn bản Luật về bản quyền nội dung số để trình Thủ tướng phê duyệt. Mục tiêu cuối cùng là cố gắng tạo ra một môi trường thực sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp sách điện tử trong nước.
Đáng tiền!
Môi trường luật để bảo vệ tác quyền sách điện tử là một vấn đề then chốt để phát triển thị trường. Ảnh: T.C
Vấn đề thứ hai được vị chuyên gia này chỉ ra chính là giá thành. Hiện tại, sách điện tử có giá trung bình khoảng 99.000 đồng, theo ông Linh là chấp nhận được và rẻ hơn sách giấy. Tuy nhiên, thế hệ sách A2 với sự tích hợp đa dạng và mạnh hơn các công nghệ multimedia và tương tác sẽ có giá thành cao hơn, khoảng 100.000-200.000 đồng. Các chuyên gia cho rằng, “giá thành cần rẻ nữa để đủ sức thuyết phục độc giả thay đổi hành vi đọc sách của mình”, nhưng đồng thời thừa nhận, nếu “sách thực sự hay và bổ ích, đáng đồng tiền bát gạo thì sẽ là một câu chuyện khác”.
Đồng tình với ý kiến của ông Linh, song đại diện Alezaa cho rằng, nội dung và công nghệ cũng có vai trò rất quan trọng đối với việc sách điện tử có được người dùng chấp nhận hay không. Hiện tại, trên thị trường Việt, hầu hết các nhà sách và hãng phát hành lớn như Alpha Books, First News, Nhã Nam, Chi Books... đều đã hợp tác với các hãng sách điện tử để phát hành ấn bản. Theo ước tính của Alezaa, đã có gần 2000 cuốn sách được phát hành dưới dạng sách điện tử với số lượt tải khoảng 34.000. Ngoài ra, thế hệ sách mới được tích hợp nhiều phương tiện thể hiện như hình ảnh, audio, video, biểu đồ....sẽ giúp cho kiến thức và văn bản trở nên trực quan, dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Người đọc còn có thể chia sẻ nội dung sách cho bạn bè qua email và các mạng xã hội (facebook, Twitter). Những công nghệ này được nhận định là đặc biệt phù hợp cho sách giáo dục, một mảng sách mà xã hội đang có nhu cầu rất lớn.
Y Lam
Theo Vietnamnet