Sự kiện hot
10 năm trước

Sacombank sáp nhập với Southern Bank: Lợi thuộc về ai?

ĐS&TD- Làm tốn hao nhiều công sức cũng như giấy mực của báo giới, thế nhưng, việc Sacombank sáp nhập với Southern Bank dường như vẫn vấp phải sự phản đối gay gắt từ cổ đông của cả hai ngân hàng.

Cuộc “hôn nhân” không cân xứng

Từ nhiều năm trở lại đây, việc ngân hàng nhỏ sáp nhập vào ngân hàng lớn hơn là chuyện không phải hiếm thấy trong lịch sử ngành ngân hàng. Thế nhưng, từ câu chuyện Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) “kết hôn” với một ngân hàng được cho “ốm yếu” như Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) lại khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Southern Bank được giới tài chính biết đến là một ngân hàng “ốm yếu” và đang “thoi thóp” từng ngày, lợi nhuận kinh doanh liên tục giảm nhưng nợ xấu lại tăng một cách không thể kiểm soát được. Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2015 của Southern Bank vừa qua, Ban điều hành cũng như Hội đồng quản trị ngân hàng ngậm ngùi khi một lần nữa công bố kết quả kinh doanh khá “buồn”.

Theo đó, tính đến cuối năm 2014, nguồn vốn huy động của ngân hàng này chỉ tăng trưởng 5,7%, đạt hơn 76.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng gần như không tăng trưởng và chỉ hoàn thành chưa đầy 2% so với kế hoạch, đạt trên 43.000 tỷ đồng. Dù vậy, nợ xấu lại tăng trưởng một cách chóng mặt, tăng lên con số 5,89% tổng dư nợ; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 17 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2013.

Trái ngược với Southern Bank, Sacombank dường như rất có tên tuổi trên thị trường tài chính Việt Nam. Bằng chứng là nhiều năm liền ngân hàng này công bố lợi nhuận tăng cao, các hoạt động kinh doanh đều mang về kết quả khả quan. Ngay như Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 vừa qua, ban lãnh đạo ngân hàng cũng đã công bố những con số khá ấn tượng và “đẹp mắt” gửi đến quý cổ đông.

Theo tài liệu phát cho cổ đông mà Sacombank công bố, kết thúc năm 2014 ngân hàng đạt tổng tài sản lên đến 188.678 tỷ đồng, tăng 17,8% so với đầu năm; vốn huy động đạt 167.898 tỷ đồng, tăng 19,3% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đạt 130.511 tỷ đồng, tăng 18,3% so với đầu năm; lợi nhuận trước thuế cũng đạt 2.851 tỷ đồng, tăng 0,5% so với năm 2013.

Quyền lợi cổ đông có được đảm bảo?

Liên quan đến cổ đông, vấn đề được dư luận quan tâm nhiều nhất có lẽ là việc chi trả cổ tức cũng như giá cổ phiếu của Sacombank sẽ như thế nào sau khi sáp nhập vào Southern Bank.

Nếu như cổ đông Southern Bank bức xúc khi đại hội cổ đông vừa qua công bố thẳng thừng rằng, cổ tức sẽ không được trả do lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của ngân hàng còn lại quá ít (chỉ còn 1,2 tỷ đồng), số tiền trên sẽ… dùng để phát triển ngân hàng và không chia cổ tức thì cổ đông Sacombank lại có một mối quan tâm khác, việc Sacombak liên tục nhiều năm chi trả cổ tức bằng cổ phiếu nhưng lại chậm trễ quá lâu.

Nhiều cổ đông bức xúc cho rằng, Sacombank nên chú trọng đến cổ đông hơn, nếu năm nay trả cổ tức bằng cổ phiếu thì năm sau nên trả cổ tức bằng tiền mặt thay vì liên tục nhiều năm chỉ trả cổ phiếu. Còn nếu như quyết định chi trả bằng cổ phiếu thì nên trả sớm cho cổ đông chứ không nên trì hoãn kéo dài như hiện nay.

Riêng với việc sáp nhập vào Southern Bank, một cổ đông ý kiến: “Sothern Bank nhiều năm gần đây dường như không trả cổ tức cho cổ đông vì lợi nhuận thấp, sau khi sáp nhập vào Sacombank, ngân hàng phải trích tiền qua để giảm nợ xấu cho Southern Bank vậy thời gian sau khi hai ngân hàng sáp nhập với nhau thì cổ đông chúng tôi có còn được trả cổ tức nữa không? Nếu có thì cổ phiếu Sacombank cũng sẽ giảm và cổ tức cũng giảm, lúc này ai sẽ bảo vệ quyền lợi chúng tôi”.

Cũng ngay tại ĐHCĐ Sacombank, ông Trầm Bê - Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng này nhấn mạnh, việc gì cũng có cái được và cái mất, trước những vấn đề cổ đông lo ngại sau khi sáp nhập vào Southern Bank thì Sacombank cũng được lợi thế là “bỗng nhiên” sẽ có được hàng trăm chi nhánh, phòng giao dịch, hàng trăm nhân sự không cần phải tốn công đào tạo lại. Trong tương lai, ngân hàng sau sáp nhập sẽ rất phát triển và mang lại lợi ích cho cổ đông.

Mặc dù mọi khúc mắc trong lòng cổ đông của cả hai ngân hàng về việc sáp nhập đều được ban lãnh đạo cả hai giải thích cặn kẽ và đảm bảo quyền lợi cho đông .Thế nhưng, nhiều câu hỏi được dân trong ngành e ngại đặt ra, liệu rằng việc sáp nhập giữa Sacombank và Southern Bank có thực sự mang lại lợi ích cho cổ đông cả hai ngân hàng như lời Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank nói hay không? Hay đơn giảm, việc sáp nhập này chỉ khiến Sacombak có thêm “gánh nặng” khi phải “gồng mình” gánh thêm một ngân hàng kinh doanh bết bát như Southern Bank? Và liệu rằng lợi ích cổ đông sẽ đi về đâu nếu như ngân hàng mới sau khi sáp nhập kinh doanh không được thuận lợi như lời ban điều hành cả hai ngân hàng hứa hẹn?

Phương Anh

Từ khóa: