Sự kiện hot
7 năm trước

Sacombank và lộ trình trở lại thời hoàng kim?

Một trong những nguyên nhân đã được xác định, chỉ vì quen biết, ông Bê chỉ đạo ông Phan Huy Khang sẵn sàng giải quyết cho vay ngàn tỷ. “Chiêu” này đã được ông Bê dùng cả cho ngân hàng Phương Nam trước đó và người thực hiện không ai khác chính là ông Phan Huy Khang - người từng giữ vị trí tổng giám đốc từ Phương Nam đến Sacombank.

Sacombank và lộ trình trở lại thời hoàng kim? (Ảnh: Ông Trầm Bê.)

Có hành vi sai phạm nghiêm trọng trong việc cho vay

Trong nhóm ngân hàng liên quan đến “đại án” Phạm Công Danh có Sacombank dưới thời ông Trầm Bê. Vào tháng 4/2013, ông Trầm Bê (lúc đó là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng Tín dụng) do quen biết đã “chỉ đạo” ông Phan Huy Khang là Tổng Giám đốc Sacombank lúc đó cho ông Danh vay 1.800 tỷ đồng với tài sản bảo đảm tại VNCB.

Tài liệu điều tra cũng khẳng định, đối với các cá nhân liên quan đến Sacombank là ông Trầm Bê, ông Phan Huy Khang có hành vi sai phạm nghiêm trọng trong việc cho vay.

Tuy nhiên, theo kết luận giám định của NHNN thì hành vi này không gây thiệt hại cho Sacombank nên đề nghị không xử lý hình sự về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhờ vậy, hiện nay cả ông Bê và ông Khang đã may mắn rời khỏi Sacombank bình an, mặc cho những khó khăn, khoản nợ xấu khổng lồ để lại cho người kế nhiệm.

Chiêu thức cho vay và “thoát xác” này dường như được ông Bê và ông Khang trước đó đã sử dụng rất thành công ở Ngân hàng Phương Nam. Khi còn đương chức tại Phương Nam, hai nhân vật này cũng đã cho nhóm Phạm Công Danh vay với nhiều dấu hiệu sai phạm.

Cụ thể, vào năm 2010, Ngân hàng Phương Nam có cho cá nhân ông Danh vay (có liên quan đến Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, gồm có 6 công ty liên quan), dư nợ 1.366 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, dư nợ 130 tỷ đồng, nợ nhóm 5 (ngày 30/7/2012 tất toán nợ 80 tỷ đồng qua Công ty AMC- PNB (Phương Nam bank), ngày 6/8/2012 tất toán nợ 50 tỷ đồng.

Theo kết luận của thanh tra, Ngân hàng Phương Nam xét duyệt cho vay một số khách hàng nói trên chưa đủ điều kiện vay vốn, thiếu chứng từ chứng minh mục đích vay vốn, nhận tiền vay chuyển khoản vào tài khoản của khách hàng, sau đó rút bằng tiền mặt, thiếu chứng từ chứng minh mục đích, sử dụng vốn vay. Ngân hàng Phương Nam không thể kiểm soát được tiền vay sử dụng vào việc gì, không kiểm tra chặt chẽ quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay, trả nợ của khách hàng. Biên bản kiểm tra sử dụng vốn vay, kết luận khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích nêu tại hợp đồng tín dụng, nhưng thiếu tài liệu chứng minh sử dụng vốn vay, vốn góp…

Ông Phan Huy Khang.

Làm bê bết cả 2 ngân hàng, vẫn ung dung tự tại

Đến thời điểm này, nợ xấu vẫn đang là vấn đề nhức nhối của ngành ngân hàng, mặc dù có Nghị quyết xử lý nợ xấu, nhưng để xử lý được không phải là chuyện đơn giản. Đây cũng được xem là khó khăn lớn nhất của Sacombank thời điểm hiện tại.

Điểm lại cho thấy, trong năm 2014, Ngân hàng Phương Nam lãi vỏn vẹn 17 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng; nợ xấu chiếm gần 6% trong tổng số hơn 43.000 tỷ đồng dư nợ. Lợi nhuận thấp nên sau khi trích lập các quỹ còn lại 1,2 tỷ đồng nên Phương Nam không thể chia cổ tức. Nhiều năm liên tiếp kể từ ngày thành lập, cổ đông Ngân hàng Phương Nam không được chia cổ tức.

Đến khi tiếp quản Sacombank, ông Trầm Bê và Phan Huy Khang lại tiếp tục gây khó khăn ngân hàng này giống như đã làm với Phương Nam trước đó. Và sau khi rời khỏi Sacombank, ông Trầm Bê và Phan Huy Khang đã làm cho ngân hàng này có khoản nợ xấu lớn nhất hệ thống.

Tại thời điểm 31/12/2016, số dư nợ xấu báo cáo tại Sacombank là 13.745 tỷ đồng (chiếm 6,9% tổng dư nợ). Nếu cộng cả số dư nợ xấu đã bán cho VAMC và một số khoản phải thu xấu từ Ngân hàng Phương Nam (đang được ghi nhận là nợ tiêu chuẩn), ước tính tổng giá trị nợ xấu của Sacombank là 59.426 tỷ đồng (chiếm 29,9% tổng dư nợ).

Nhìn những con số trên, các cổ đông đã cảm thấy ngao ngán trước những cá nhân có nhiều sai phạm nhưng sau đó lại rời khỏi “vũng bùn” mà mình tạo ra một cách nhẹ nhàng.

Mai Trinh
Theo Người Tiêu dùng

Từ khóa: