Sự kiện hot
8 năm trước

Samsung 'hắt hơi', kinh tế Việt Nam 'sụt sùi'

Hội Doanh nghiệp Hàng VN chất lượng cao vừa phối hợp với Đại học Fulbright tổ chức tọa đàm 'Đánh giá kinh tế VN 4 tháng đầu năm - nhận định các chính sách nổi ...

Công nhân trong nhà máy sản xuất TV Samsung tại TP.HCM

Để chuẩn bị cho Hội nghị “diên hồng” lần 2, gặp gỡ giữa Thủ tướng và doanh nghiệp (DN) vào ngày 17.5, Hội DN Hàng VN chất lượng cao vừa phối hợp với Đại học Fulbright tổ chức tọa đàm “Đánh giá kinh tế VN 4 tháng đầu năm - nhận định các chính sách nổi bật của Chính phủ” tại TP.HCM.

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Đại học Fulbright tại VN, tăng trưởng GDP quý 1 năm nay chỉ ở mức 5,1%, thấp hơn mức 5,5% của cùng kỳ năm ngoái và rất xa mục tiêu 6,7% của cả năm, một trong những nguyên nhân là do ngành công nghiệp - xây dựng tụt giảm và thâm thụt thương mại (đạt 4,2% so cùng kỳ là 6,7%). Đặc biệt, riêng ngành điện thoại và linh kiện xuất khẩu giảm âm (-) 10,7%, thấp nhất trong vòng 6 năm qua, trong khi cùng kỳ tăng trưởng 14,2%.

Xuất khẩu điện thoại giảm thê thảm chỉ đến từ nguyên nhân duy nhất là Samsung (sự cố pin bị cháy nổ buộc phải thu hồi với sản phẩm Galaxy Note 7) và theo TS Vũ Thành Tự Anh, việc Samsung thu hồi sản phẩm, không chỉ ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của VN mà là khiến GDP giảm. Ông nói: “Điều này phơi bày một thực tế là nền kinh tế của chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào DN đầu tư nước ngoài (FDI), khối này đang đóng góp hơn 40% tổng GDP của cả nước. Nên khi Samsung hắt hơi, nền kinh tế VN đã cảm sụt sùi ngay”.

Ngoài ra, bàn đến việc để DN tư nhân lớn mạnh theo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân của Hội nghị Trung ương 5, TS Tự Anh cho rằng cần lưu ý 4 yếu tố.

Thứ nhất, cần xóa bỏ mọi phân tầng, phân biệt đối xử giữa các DN với nhau. Nếu tạo ra hệ sinh thái phân tầng có phân biệt đối xử thì doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt khu vực DN vừa và nhỏ sẽ không bao giờ phát triển được. Đi đôi với việc xóa bỏ này là tạo khả năng tiếp cận nguồn lực của kinh tế cho mọi thành phần. Trong đó bao gồm tiếp cận về đất đai, tiếp cận nguồn vốn, tài nguyên, tín dụng, tiếp cận các hợp đồng mua sắm Chính phủ… Đó là bình đẳng, từ đó sẽ tạo động lực cho DN có thể cạnh tranh tốt với nhau trong một sân chơi không có sự phân biệt.

Thứ 2, bản thân Chính phủ khi đưa một chính sách cần tạo kết nối giữa các khu vực khác nhau. Ví dụ chúng ta cấp phép đầu tư cho những Intel, Samsung, song song đó, phải có chính sách hay tạo điều kiện, khuyến khích DN trong nước trở thành những nhà cung ứng cho các DN ngoại này. Hay nói cách khác, chúng ta nương theo những DN lớn này để vươn ra biển lớn. DN tư nhân sẽ lớn mạnh từ những cơ hội này.

Thứ 3, làm thế nào để tạo bình đẳng ngay trong chính bản thân các DN tư nhân. Ngay trong các DN tư nhân hiện có sự phân biệt đối xử, cạnh tranh không lành mạnh. Và cuối cùng, tạo sự hỗ trợ về nhân sự, lực lượng lao động có kỹ năng, phẩm chức và trình độ.

Nguyên Nga
Theo Thanh niên

Từ khóa: