Sự kiện hot
6 năm trước

Sản phẩm chè Hà Tĩnh: Sản xuất an toàn và phát triển bền vững

Để giúp người dân nâng cao nhận thức trong sản xuất chè an toàn, tăng thu nhập, xây dựng nông thôn mới bền vững, Hiệp hội Chè Việt Nam đã phối hợp với Công ty Cổ phần Chè Hà Tĩnh, Xí nghiệp Chế biến chè Tây Sơn, xã Sơn Kim 2 triển khai dự án Xây dựng mô hình Sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tại thôn Làng Chè và thôn Thượng Kim, xã Sơn Kim 2, Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Hiện nay, ngành chè Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều bất cập về cả thể chế tổ chức quản lý sản xuất, giá trị sản phẩm, công nghệ, chất lượng và tổ chức thị trường. Cùng với đó là mục tiêu phát triển đến 2020 duy trì ổn định diện tích 140 ngàn ha, với mức tăng trưởng sản lượng 6%/năm, đưa kim ngạch xuất khẩu tăng ít nhất 1,3 lần so với hiện nay. Ngành chè cần tái cấu trúc phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm, có chứng nhận, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Hiệp hội Chè Việt Nam đã triển khai dự án Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tại 5 tỉnh có chè: Thái Nguyên, Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang và Hà Tĩnh.

Trong đó, Hà Tĩnh là một trong 28 tỉnh trồng chè công nghiệp trên cả nước, những năm qua chính quyền tỉnh rất quan tâm đến chính sách phát triển cây chè và xác định cây chè là cây thế mạnh của đồng bào các xã trung du miền núi thuộc các huyện Hương Khê, huyện Kỳ Anh, Hương Sơn. Còn xã Sơn Kim 2 là xã thuộc vùng biên giới Việt - Lào. Diện tích chè của toàn xã là 262 ha, chiếm 70% diện tích chè của huyện; chè là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa của địa phương; đã ngày càng xuất hiện nhiều hộ nông dân có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm từ cây chè.

Để giúp người dân nâng cao nhận thức trong sản xuất chè an toàn, tăng thu nhập, xây dựng nông thôn mới bền vững, Hiệp hội Chè Việt Nam đã phối hợp với Công ty Cổ phần Chè Hà Tĩnh, Xí nghiệp Chế biến chè Tây Sơn, xã Sơn Kim 2 triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tại thôn Làng Chè và thôn Thượng Kim, xã Sơn Kim 2, Hương Sơn, Hà Tĩnh với quy mô 30ha chè kinh doanh có năng suất từ 8 đến 12 tấn/ha.

Mục tiêu của Dự án là xây dựng được mô hình liên kết sản xuất, chế biến chè, tiêu thụ chè an toàn. Bên cạnh đó, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng, tăng thu nhập của người sản xuất chế biến tham gia dự án lên trên 20% so với ngoài mô hình.

Dự án đã thực hiện tại xã Sơn Kim 2 trong 3 năm với nhiều kết quả tích cực. Năm 2017, 148 hộ dân của thôn Làng Chè và Thượng Kim tham gia với diện tích 30ha. Dự án đã tổ chức 2 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ thực vật (BVTV), thu hái, bảo quản chè kinh doanh cho 148 người đại diện cho các hộ tham gia mô hình. Tổ chức các tổ đội BVTV tập trung cho các thôn. Cung cấp phân bón NPK và phân hữu cơ vi sinh, sinh học và thuốc BVTV theo định mức cho các hộ dân, sử dụng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Năm 2017, sån lượng chè búp tươi của các hộ tham gia mô hình đã tăng 12-15% so với năm 2016.

Năm 2018, dự án tiếp tục tổ chức 2 lớp tập huấn cho 80 các hộ nông dân trồng chè ngoài mô hình tại 2 huyện Hương Khê và Kỳ Anh. Tổ chức các cuộc họp các hộ dân trong nhóm sản xuất chè an toàn, ban hành quy chế hoạt động của tổ nhóm nông dân sở thích sản xuất chè an toàn, bền vững. Xây dựng và đi đến ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi của tổ nhóm sản xuất chè an toàn với Xí nghiệp chè Tây Sơn. Tổ chức cấp phát phân bón, thuốc BVTV cho 148 hộ dân, tổ đội BVTV theo đúng thời vụ, tổ chức bán đúng quy trình kỹ thuật và yêu cầu của Dự án. Bên cạnh đó, các hộ dân đã thực hiện đầy đủ phần đối ứng bằng phân chuồng, NPK Việt Nhật và thuốc BVTV theo đúng quy định. Nhờ thế, 100% sản lượng chè búp tươi của các hộ dân tham gia dự án đều bán cho XN chè Tây Sơn, chất lượng đạt tiêu chuẩn của xí nghiệp. Giá chè ổn định và đạt 6.900-7000đ/kg. Năm 2018, sản lượng ước tăng 15% so với 2017. Thu nhập các hộ dân tăng bình quân 20%/năm.

Năm 2019 là năm thứ 3 dự án được triển khai. Dự án đã tổ chức 03 lớp sản xuất chè an toàn cho 120 nông dân sản xuất chè tại Xí nghiệp chè 20/4, huyện Hương Khê, xí nghiệp 12/9 huyện Kỳ Anh và cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần chè Hà Tĩnh. Cung cấp phân bón NPK và phân hữu cơ vi sinh, sinh học và thuốc BVTV theo định mức cho các hộ dân, sử dụng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Năm 2019 sản lượng chè búp tươi của các hộ tham gia mô hình ước tăng 15% so với năm 2018.

Đặc biệt, sau 3 năm thực hiện Dự án, cây chè phát triển tốt, chất lượng nguyên liệu chè búp tươi tăng rõ rệt, tình hình sâu bệnh hại được hạn chế nhiều so với các năm trước đó. Năng suất ước tính tăng 50% so với năm 2016.

Điều này cho thấy khả năng thực thi Dự án sẽ rất hiệu quả, tạo ra được sản phẩm chè an toàn, phát triển bền vững. Về phía nhà máy luôn đảm bảo nguồn cung, hiệu suất cao, tác động xã hội tích cực, sản xuất an toàn và đáp ứng yêu cầu thị trường. Còn về phía nông hộ, năng suất được cải thiện, giúp cho bà con ổn định việc làm và tăng thu nhập từ sản xuất chè, cây chè phát triển bền vững, sử dụng hóa chất an toàn, tác động xã hội tích cực và ổn định đầu ra của sản phẩm.

Ngoài ra, để ngành chè vượt qua được những khó khăn thách thức hiện tại, tận dụng được tối đa các lợi thế thì sản phẩm chè phải đảm bảo an toàn, muốn vậy phải sản xuất theo chuỗi và theo chứng nhận. Mỗi tác nhân, tổ chức trong chuỗi phải có sự gắn kết theo cấu trúc quản lý thích hợp để kiểm soát được chất lượng, cùng tạo ra giá trị gia tăng và lợi nhuận. Thay đổi tỷ lệ phân bón theo hướng tăng phân bón hữu cơ, giảm phân bón vô cơ một cách hợp lý để cải tạo đất và tăng năng suất cây trồng một cách bền vững.

Bảo An
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: