Sự kiện hot
7 tháng trước

Sản xuất nông nghiệp Việt Nam: Tạo giá trị bền vững theo chuỗi cung ứng liên kết

Nông nghiệp là một trong những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 15% GDP và 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp nhằm tạo giá trị sản phẩm bền vững vẫn còn gặp phải nhiều thách thức.

Thực trạng sản xuất nông nghiệp Việt Nam

Nông sản Việt Nam đã có mặt trên thị trường của 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều loại nông sản đã khẳng định được vị thế trên thị trường khu vực và thế giới. Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Công nghệ sau thu hoạch, do trình độ phát triển và chi phí đầu tư cho công nghiệp chế biến còn thấp nên tỷ lệ sản phẩm nông sản chế biến đạt chất lượng quốc tế mới chỉ đạt khoảng trên dưới 10% và số doanh nghiệp chế biến nông sản đăng ký chất lượng sản phẩm hiện mới dừng ở tỷ lệ khoảng 15%.

Những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp

Việt Nam có lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, nguồn nhân lực dồi dào,… để phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ nông sản trên thế giới đang tăng cao, tạo ra cơ hội cho nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường quốc tế.

Song, sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn còn mang tính tự phát, manh mún, thiếu liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong chuỗi cung ứng. Điều này dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, giá thành cao, khó cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, nông nghiệp Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức như: biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường,…

Theo các chuyên gia, sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải một số khó khăn như:

- Đầu tư cho sản xuất nông sản chưa có nhiều và chưa dám đầu tư mạnh vì sản xuất nông sản khá bấp bênh.

-  Chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ cao vẫn còn hạn chế.

- Nông sản Việt cần phải có giá cả cạnh tranh, hiện nay mặt hàng nông sản đang cạnh tranh rất mạnh trên thị trường, đặc biệt là cạnh tranh với giá của nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan…

- Nông sản Việt Nam cần đẩy mạnh khả năng cung cấp số lượng lớn, khả năng cung cấp thường xuyên, đúng hạn.

- Có những chính sách chưa thực sự nhất quán, chẳng hạn như việc TP.HCM cấm giết mổ thủ công nhưng các tỉnh không cấm, các doanh nghiệp mang ra ngoài mổ rồi lại mang lại TP.HCM.

Giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi cung ứng liên kết

Để phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi cung ứng liên kết, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm: Nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp qua việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu lực hợp đồng và hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước tạo điều kiện cho liên kết phát triển. Doanh nghiệp Việt Nam phải tự vận động đi lên bằng cách đầu tư thích đáng cho công nghệ, liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, thị trường và người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng, cần có sự nhận diện về mục tiêu, nhu cầu của người tiêu dùng cũng là yếu tố rất quan trọng, phải xem xét lại thái độ, hướng tới những sản phẩm phù hợp. 

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi cung ứng liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho cả nông dân và doanh nghiệp. Để thực hiện thành công hướng đi này, cần có sự nỗ lực của các bên liên quan, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Bảo An 

Theo Kinh tế và đồ uống 

Từ khóa: