Chỉ số PMI tháng 7/2012 do ngân hàng HSBC công bố, cho thấy điều kiện kinh doanh tổng thể của ngành sản xuất tại Việt Nam vẫn đang xấu dần đều.
Chỉ số PMI tháng 7/2012 do ngân hàng HSBC công bố, cho thấy điều kiện kinh doanh tổng thể của ngành sản xuất tại Việt Nam vẫn đang xấu dần đều.
HSBC cho hay, chỉ số PMI (nhà quản trị mua hàng - Purchasing Managers Index) là chỉ số được thu thập từ cuộc khảo sát hàng tháng về các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất. Nếu PMI ở mức trên 50 điểm cho thấy các điều kiện kinh doanh đang được cải thiện so với tháng trước, ngược lại kết quả dưới 50 điểm cho thấy sự giảm sút.
Theo báo cáo này, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đã giảm từ mức 50 điểm vào tháng 3 xuống còn 49,5 điểm vào tháng 4; 48,3 điểm vào tháng 5; 46,6 điểm vào tháng 6 và tiếp tục xuống 43,6 điểm vào tháng 7/2012. Điều này cho thấy điều kiện kinh doanh tổng thể vẫn đang xấu đi chứ không hề khởi sắc lên.
Theo HSBC, kinh tế gặp khó khăn và khách hàng hạn chế chi tiêu đã tác động mạnh tới sản xuất thời gian qua. Các doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm nhân công trong khi đơn đặt hàng mua nguyên vật liệu đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn tiếp tục sụt giảm trong tháng 7.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, qua 7 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp mới tăng được 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số quá thấp, chỉ bằng hơn một nửa so với tốc độ tăng cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 chỉ tăng 0,1% so với tháng 6. Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ tăng 6,7%, bằng khoảng một nửa của giai đoạn trước.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp đến 1/7 là 21% so với cùng kỳ năm trước. Tồn kho có biểu hiện giảm dần, nhưng vẫn ở mức cao hơn con số 19,3% của giai đoạn cuối năm 2011. Tuy nhiên, có nhận xét cho rằng, tồn kho giảm không phải do tiêu thụ tăng mà do các doanh nghiệp đang thu hẹp sản xuất hoặc tạm ngừng sản xuất do sự khó khăn của thị trường tiêu thụ. Chính việc các doanh nghiệp hạn chế sản xuất khiến lượng hàng tồn kho giảm đáng kể. Đặc biệt, một số loại sản phẩm có mức tồn kho lớn như xi măng, ôtô, xe máy, may mặc... ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiêu thụ trong nước chậm, xuất khẩu gặp khó khiến lượng tồn kho của DN tăng cao
(ảnh minh họa)
Khảo sát của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp sản xuất cho thấy, kể từ khi các chính sách vĩ mô tập trung kiểm soát lạm phát, nhu cầu trên thị trường đã giảm khá mạnh do người dân thực hiện tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu. Bắt đầu từ các siêu thị, doanh số giảm sút vì người dân giảm sức mua, siêu thị hạn chế nhập hàng. Do vậy, các nhà sản xuất hàng tiêu dùng cũng phải giảm năng lực sản xuất nếu không muốn lượng hàng tồn kho tăng lên.
Theo các nguồn tin, sản xuất vẫn đang giảm ở hầu hết những ngành hàng quan trọng có đóng góp lớn cho ngân sách, thu hút nhiều lao động.
Đơn cử như ngành dệt may, dù bước vào mùa cao điểm trong năm nhưng phần lớn các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn về tìm kiếm đơn hàng. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trước đây, khi vào mùa vụ, các doanh nghiệp có thể thoải mái lựa chọn đối tác để làm nhưng nay thì ngược lại. Nhiều doanh nghiệp dệt may lớn, lượng đơn hàng giảm khoảng 5-10% so với cùng kỳ, còn doanh nghiệp nhỏ có thể thiếu hụt trên 10% đơn hàng.
Hiệp hội Thép Việt Nam cũng thông báo, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp thép chưa bao giờ khó khăn như hiện nay. Thép xây dựng là mặt hàng chính, chiếm tới 3/4 sản lượng thép, nhưng đầu ra (thị trường địa ốc) nay đóng băng, nhiều dự án ngừng không thi công dẫn đến tiêu thụ giảm mạnh, gây khó khăn cho toàn ngành. Hầu hết các doanh nghiệp thép thời gian qua đã phải đối mặt với tiêu thụ giảm sút. Ví dụ như thép Thái Nguyên có tháng chỉ bán được 20.000 tấn, thậm chí có những doanh nghiệp có tháng chỉ tiêu thụ được 14.000 - 15.000 tấn. Nhiều doanh nghiệp thép thời gian qua đã phải tiết giảm sản xuất để khớp với nhu cầu thị trường.
Cho đến nay, chưa doanh nghiệp thép nào tuyên bố phá sản, nhưng trên thực tế không ít đơn vị đã chết lâm sàng, chỉ là chưa công bố chính thức. Hiện nhiều công ty không có báo cáo sản xuất, nhiều người chạy nợ, thậm chí không có cả tiền để trả lương cho bảo vệ.
Còn theo số liệu từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2012, sản xuất và tiêu thụ xi măng đều giảm. Cụ thể, sản xuất clinker đạt 25,5 triệu tấn, xi măng đạt khoảng 24,3 triệu tấn, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm
2011. Tiêu thụ xi măng trong nước đạt khoảng 23,6 triệu tấn giảm xấp xỉ 10% so với cùng kỳ năm 2011. Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho biết, ngành xi măng đã 3 lần điều chỉnh chỉ tiêu do càng lúc càng khó khăn, sức tiêu thụ liên tục sụt giảm. Đầu năm ngành dự trù sản xuất 65 triệu tấn, vài tháng sau giảm xuống còn 60 triệu tấn và mới đây, ngành chỉ mong đạt chỉ sản lượng 48 triệu tấn do tình hình tiêu thụ ngày càng tồi tệ. Mặc dù giảm giá bán nhưng lượng bán ra cũng không tăng. Nhiều nhà máy trước bỏ tiền đầu tư 3 lò đứng, nay chỉ chạy 1 lò cầm chừng.
Ngành sản xuất ôtô xe máy thì tiêu thụ giảm sút mạnh tới 40% so với cùng năm trước, hàng tồn kho lên đến hàng chục ngàn chiếc, công nhân liên tục bị cho nghỉ việc, lương thưởng bị cắt giảm.
Không những thế, vừa qua 3 mặt hàng thiết yếu là điện, xăng dầu, gas lại tăng giá khiến nhiều doanh nghiệp hứng thêm "đòn trí mạng". Theo ông Nguyễn Văn Thiện, giá thêm giá điện tăng trong thời điểm này, với sức tàn lực kiệt, nay nhiều doanh nghiệp chết chắc. Ngành sản xuất xi măng đang chết mòn vì tồn kho số lượng lớn, ế ẩm, bán giá thấp mà cũng chẳng có khách hàng, giá nguyên liệu đầu vào như than đã tăng, nay giá điện lại tăng thì xoay xở, cầm cự ra sao khi điện ngốn 7% chi phí của doanh nghiệp mỗi năm.
Đối với các DN thuỷ sản, ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện tiền điện mà các doanh nghiệp phải trả cũng chiếm 5-7% trong tổng chi phí - là con số không nhỏ. Gần 100% các khâu từ chế biến, làm đông, làm mát, đóng gói... đều sử dụng điện. Một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cỡ vừa tiền điện mỗi tháng phải trả là 2 tỷ đồng, một năm mất 24 tỷ đồng. Giờ giá điện tăng thêm 5%, mỗi năm mất thêm 1,2 tỉ đồng. Trong lúc doanh nghiệp đang khó khăn thì ngành điện lại tăng giá, thực sự thấy quá nản!
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, vấn đề khó khăn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là bí đầu ra. Kinh tế khó khăn, thu nhập của người lao động giảm, mất việc làm dẫn đến không có khả năng chi tiêu khiến cho đầu ra của các sản phảm gặp khó khăn. Bây giờ với nhiều mặt hàng thiết yếu người dân cũng không có tiền mua, nói vậy để thấy nhu cầu thị trường đang giảm sút quá mạnh và các doanh nghiệp khó khăn lắm rồi. Điều mong đợi của các doanh nghiệp bấy lâu nay là kích cầu tiêu dùng chưa thấy hiệu quả.
Theo ông Kiêm, các biện pháp kích cầu tiêu dùng thực hiện thời gian qua đến nay chưa phát huy tác dụng. Về phía các doanh nghiệp thì nhiều sản phẩm đã giảm giá, khuyến mãi "khủng" suốt thời gian dài vừa qua nhưng vẫn không đẩy mạnh tiêu thụ. Sức mua không tăng và hàng tồn kho vẫn cao.
Từ tháng 5/2012, cơ chế lương mới đã được áp dụng, nhưng dường như tăng lương không ảnh hưởng nhiều đến sức mua. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ DN về thuế và tiền thuê đất khoảng 29.000 tỷ đồng được thực hiện từ 23/5 vừa qua, nhưng đến nay vẫn chưa thấy phát huy tác dụng rõ rệt.
Thời gian qua, lãi suất cũng liên tục hạ thấp và nhiều ngân hàng đã có những chủ trương hỗ trợ, chia sẻ khó khăn song doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận vốn vay. Tốc độ tăng trưởng tín dụng rất thấp, mới đạt 0,57% theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước tính đến 25/7. Con số này quá thấp so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 8-10% cả năm do cơ quan này đặt ra.
Nhiều dự báo lo ngại cho dù điện, xăng dầu, gas tăng giá thì chỉ số CPI tháng 8 tới cũng chưa chắc đã trở lại mức tăng trưởng dương.
Trần Thuỷ
Theo Vietnamnet