Trong cuộc cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập, các doanh nghiệp Việt sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu tiêu dùng thiết thực của người dân, từ đó góp phần lan tỏa thương hiệu sản phẩm Việt Nam.
|
|
Thay vì chỉ chế biến thô hạt tiêu, điều rồi bán ra thị trường thì gần đây ông Lâm Ngọc Nhâm - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã chuyển qua hình thức chế biến thành phẩm có giá trị cao hơn, tiêu biểu là tiêu không hạt, tiêu một nắng, tiêu sữa, hoặc tiêu được chế biến với sản phẩm phụ như muối tiêu... Trước đây, mỗi ký tiêu thô chỉ bán với giá từ 50.000-100.000 đồng/kg thì với cách chế biến sản phẩm, HTX đã tăng giá trị hạt tiêu lên nhiều lần, ví dụ như muối tiêu tăng hơn 250 lần.
Đây là một cách làm sáng tạo, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong và ngoài nước, đồng thời mở ra cơ hội tạo dựng thương hiệu cho những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Bởi nếu cách đây vài năm tiêu được coi là “vàng đen” khi có lúc giá thu mua tại vườn lên đến hơn 200.000 đồng/kg thì hiện nay giảm chạm đáy chỉ còn khoảng 40.000 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, sự sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam để đưa ra thị trường những sản phẩm có giá trị, có chất lượng đang ngày càng phổ biến. Nhiều doanh nghiệp đã tập trung đến khâu nghiên cứu tìm hiểu thị trường, làm ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của từng đối tác, từng thị trường khác nhau. Nhiều doanh nghiệp đã liên tục đưa ra thị trường những loại thực phẩm chế biến mới lạ, chất lượng cao; họ không ngừng thay đổi cách tiếp thị, quảng bá phù hợp với sự đa dạng của thị trường.
Chia sẻ về phương thức sáng tạo trong sản xuất, chế biến sản phẩm, ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Tân Quang Minh (Bidrico) chuyên sản xuất nước giải khát nói: “Để giảm chi phí trên mỗi đơn vị sản phẩm thì chúng tôi phải tăng sản lượng. Đồng thời chúng tôi chủ trương đa dạng hóa sản phẩm để san sẻ chi phí. Chúng tôi còn chủ trương tiết kiệm, xem lại hết hệ thống phân phối của mình. Các vấn đề luân chuyển hàng hóa, giờ sản xuất cao điểm, giờ thấp điểm, giờ bình thường cũng sẽ xem xét, tính toán lại làm sao để cho chi phí thấp nhất có thể”.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, từ chi phí đầu vào liên tục tăng, đến sức ép mạnh từ hàng ngoại nhập. Trong khi đó, có đến 95% doanh nghiệp là vừa, nhỏ, siêu nhỏ, nhỏ bé về quy mô và yếu về tài chính. Tuy nhiên, chính những thách thức hiện nay cũng là cơ hội để các doanh nghiệp hiểu được giá trị của việc đầu tư cho mẫu mã, chất lượng, thương hiệu, làm sao để hiểu được khách hàng thì mới phục vụ được khách hàng, giữ vững được thị phần của mình.
Thống kê gần nhất tại các tỉnh phía Nam, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các kênh bán lẻ hiện đại và truyền thống đều tăng lên đến 90%. Các hệ thống siêu thị như Saigon Co.op, Satra, Vinmart... đã có sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp sản xuất để chắp cánh cho hàng Việt phát triển. Nhờ vậy, hàng Việt đã vươn tới nhiều thị trường quốc tế như Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ... và ngày càng được người tiêu dùng thế giới đón nhận.
Nguyễn Ngọc
Theo Người tiêu dùng