Sự kiện hot
7 năm trước

Sắp IPO Idico - doanh nghiệp của Bộ Xây dựng có gì hấp dẫn?

Không còn gánh nặng tài chính nhà máy thủy điện Đắk Mi 4, IDICO với thế mạnh sở hữu gần 3.300 ha đất khu công nghiệp ở các vị trí đắc địa, nhiều tuyến đường BOT đẹp và các thủy điện đang hái ra tiền hứa hẹn IDICO sẽ có chu kỳ tăng trưởng mới.

Ảnh minh họa.

Ngày 5/10/2017 tới đây 55.305.500 cổ phần, chiếm 18,44% vốn điều lệ của Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam - TNHH MTV (IDICO) sẽ được đưa ra đấu giá lần đầu (IPO) với giá khởi điểm 18.000 đồng/cổ phần. Song song đó, IDICO cũng sẽ chào bán 1.694.500 cổ phần, chiếm 0,56% vốn điều lệ cho người lao động; 135.000.000, tương đương 45% vốn điều lệ cho các (3) nhà đầu tư chiến lược.

Đây có thể xem là thương vụ chào bán vốn nhà nước “hấp dẫn” khi Bộ Xây dựng (cổ đông Nhà nước của IDICO) chấp nhận giảm tỷ lệ sở hữu từ 100% xuống còn 36% trong bối cảnh IDICO không nặng gánh với 2 nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 và Đắk Mi 4C, trở lại với thời kỳ tăng trưởng khá tốt.

IDICO được thành lập vào năm 2000, năm 2010, IDICO chính thức hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên, trực thuộc Bộ Xây Dựng.

Năm 2000, IDICO có 8 đơn vị thành viên, sau 17 năm hình thành phát triển, đến hết tháng 6/2017 IDICO có 11 công ty con và 6 công ty liên kết, liên doanh với vốn điều lệ hơn 1.602 tỷ đồng. Vốn điều lệ dự kiến sau khi hoàn tất cổ phần hóa là 3.000 tỷ đồng.

4 nhóm lĩnh vực kinh doanh đóng góp 70% doanh thu và lợi nhuận của IDICO gồm: Đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và giao thông; Đầu tư kinh doanh phát triển nhà ở; đầu tư, sản xuất và kinh doanh điện năng; thi công xây lắp.

Nguồn: IDICO - Công bố thông tin

Tuy nhiên, trong tương lai, tỷ trong nhóm thủy điện đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận của IDICO sẽ có sự thay đổi do IDICO đã chuyển nhượng tài sản Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 (190MW) và Đắk Mi 4C (18MW)

Ông chủ của gần 3.300 ha đất vàng khu công nghiệp, đường BOT và thủy điện

Năm 1995, khi Việt Nam đang tìm hướng đi cho phát triển Khu công nghiệp, IDICO đã bắt tay vào đầu tư khu công nghiệp Nhơn Trạch I ngày nay với quy mô 382 ha.

Đến nay IDICO đang có 10 KCN với tổng diện tích hơn 3.271 ha, xếp thứ 4 ở Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh KCN. 8 KCN đã khai thác, 1 KCN đang trong giai đoạn đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo phương án cuốn chiếu và 1 KCN đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.

Lợi thế của IDICO trong mảng bất động sản công nghiệp là các KCN ở những vị trí đắc địa như: KCN Nhơn Trạch I, Nhơn Trạch V, Phú Mỹ II, Mỹ Xuân B1, Mỹ Xuân A… nằm ở khu vực Đông Nam bộ - đầu tàu kinh tế của cả nước; hay KCN Quế Võ II, Kim Hoa giai đoạn 1 nằm ở Bắc Ninh và Vĩnh Phúc, thuộc cùng kinh tế trọng điểm ở phía Bắc.

Kinh doanh KCN giúp IDICO có trữ tiền lớn (tại ngày cuối năm 2016, tiền cho thuê đất và phí hạ tầng trong các KCN nhận trước, chưa phân bổ doanh thu hơn 3.144 tỷ đồng). Đây cũng là mảng được đánh giá có biên lợi nhuận cao nhất (76,5% vào năm 2016 và 44,9% vào năm 2015), hứa hẹn biên lợi nhuận có thể tăng thêm trong thời gian tới khi IDICO vẫn còn quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn và xu hướng dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam.

Lĩnh vực hái ra tiền tiếp theo là thủy điện. Mặc dù, IDICO đã chuyển nhượng tài sản Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 và Đắk Mi 4C nhưng vẫn còn sở hữu 26% vốn tại CTCP Thủy điện Đắk Mi – đơn vị chủ đầu tư và khai thác 2 nhà máy nói trên.

Hơn nữa, IDICO vẫn còn Thủy điện Srok Phu Miêng với sản lượng điện thương phẩm trung bình hàng năm khoảng 200 triệu kwh/năm và dự án Thủy điện Đắk Mi 3 đã phát điện thương mại tổ máy 1 vào Quý II/2017 và tổ máy 2 vào quý III/2017.

Đối với mảng đầu tư BOT, dù, các chủ đầu tư dự án BOT đường đang đứng trước “khủng hoảng” về đặt trạm thu phí và giá phí, nhưng BOT đường vẫn là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn nhất là với những đoạn đường có lưu lượng xe đi qua lớn.

IDICO đang sở hữu, đồng sở hữu nhiều tuyến đường BOT như: quốc lộ 2, đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên; quốc lộ 51, đoạn Biên Hòa – Vũng Tàu; quốc lộ 1A đoạn An Sương – An Lạc; giao lộ quốc lộ 1 – Hương lộ 2 (TP. Hồ Chí Minh)…

Phải “dứt áo” với thành viên kém hiệu quả, gánh nặng tài chính cao

Năm 2014 – 2015, IDICO đối mặt với gánh nặng tài chính chủ yếu đến nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 và một số công ty thành viên hoạt động không hiệu quả âm vốn chủ sở hữu (Cosevco), nợ nần, năng lực cạnh tranh thấp (IDICO – INCO 10, IDICO – MCI)…

Để nhẹ gánh tài chính và các công ty con không hiệu quả, IDICO đã chuyển nhượng Nhà máy Đắk Mi 4 và 4C, thoái 100% vốn đầu tư tại Cosevco, thoái vốn tại công ty liên kết IDICO – VinaControl,….

Tỷ trọng nợ vay/tổng tài sản của IDICO đã cải thiện, giảm từ mức gần 39% (năm 2015) xuống 22% (năm 2016); kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 cũng tăng trưởng 22,5% nhưng IDICO cần thiết phải mạnh tay hơn nữa tái cơ cấu các khoản đầu tư vào công ty con trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và xây lắp kém hiệu quả.

Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính

Mặc dù, mảng xây dựng (được thực hiện chủ yếu bởi các công ty thành viên) đóng góp đến 22% doanh thu, nhưng biên lợi nhuận gộp bình quân rất thấp - ở mức 2,66%. Đa phần khối lượng công việc, doanh thu đến từ các công trình trong nội bộ IDICO.

IDICO sau cổ phần hóa liệu có thể khai thác hết các thế mạnh vốn có để phát triển mạnh hay không thời gian mới trả lời chính xác. Giới chuyên môn đánh giá, hiện IDICO đang sở hữu các lĩnh vực đẻ trứng vàng, có lượng tiền mặt cao (hơn 20% tổng tài sản), nợ vay trong kiểm soát, cách làm việc và tiến độ triển khai đầu tư nhanh gọn, nhưng nhóm công ty con kém hiệu quả trong mảng xây dựng và vật liệu cùng chiến lược đầu tư và lĩnh vực kinh doanh cốt lõi ưu tiên của IDICO phụ thuộc nhiều vào cá nhân người đứng đầu là một hạn chế phát triển.

Hồng Quân
Theo BizLIVE

Từ khóa: