Sự kiện hot
13 năm trước

Sắp thu phí hòa mạng thuê bao trả trước

Trong quá trình tìm giải pháp chặn vấn nạn SIM rác, ngoài việc siết chặt đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước, Bộ TT&TT đang xem xét ra chính sách thu phí hòa mạng đối với loại thuê bao này trong thời gian tới.

Trong quá trình tìm giải pháp chặn vấn nạn SIM rác, ngoài việc siết chặt đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước, Bộ TT&TT đang xem xét ra chính sách thu phí hòa mạng đối với loại thuê bao này trong thời gian tới.

Thu phí hòa mạng đối với thuê bao di động trả trước là một trong những biện pháp
ngăn chặn vấn nạn SIM rác hiện nay
.

SIM trả trước có tuổi đời quá ngắn

Theo con số thống kê của các mạng di động khoảng 4 năm trước, nhà mạng cứ tung ra thị trường 4 SIM thì có 1 SIM ở lại mạng. Thế nhưng, vấn nạn dùng SIM thay thẻ cào hiện nay đã khiến các nhà mạng phải tung ra một số lượng SIM "khủng" hơn rất nhiều lần để giữ được 1 thuê bao ở lại mạng. Ông Mai Văn Bình, TGĐ MobiFone đưa ra con số thống kê năm 2011: MobiFone tung ra thị trường 30 triệu SIM nhưng đến cuối năm chỉ giữ lại được 500.000 SIM (khoảng 1,66%).

Điều này chứng tỏ chuyện dùng SIM thay thẻ cào đang là vấn nạn khiến các mạng "đau đầu". Vẫn theo ông Mai Văn Bình, khoản "hoa hồng" đối với SIM dành cho các đại lý ở mức 26% trong khi thẻ cào chỉ 6% dẫn đến tình trạng vì chạy theo lợi nhuận nên đa số đại lý lách luật kích hoạt SIM trước dẫn đến khó quản lý việc đăng ký thuê bao trả trước.

Đại diện Viettel cho biết, trên thị trường có rất nhiều bộ hòa mạng với mệnh giá khác nhau bao gồm tiền SIM (chi phí sản xuất SIM trắng và chi phí tài nguyên kho số) và một số tiền nhất định trong tài khoản, ví dụ bộ hòa mạng 65.000 đồng bao gồm 15.000 tiền SIM cùng với 50.000 đồng trong tài khoản. Khi kích hoạt SIM thì số tiền trong tài khoản sẽ được hưởng khuyến mãi 100% thay vì 50% như thẻ cào dành cho những thuê bao cũ. Vì được hưởng nhiều ưu đãi hơn nên người dân có xu hướng chọn mua SIM mới thay vì thẻ cào.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân các mạng di động chạy đua thu hút thuê bao mới. Chẳng hạn, thuê bao cũ nạp tiền thì chỉ được hưởng khuyến mãi 50% thẻ nạp nhưng thuê bao mới nạp tiền thì được hưởng 100% thẻ nạp. Vì vậy, khách hàng chắc chắn phải tính toán để dùng SIM thay thẻ. Thậm chí đã có thống kê nhiều khách hàng sử dụng cùng lúc đến hàng chục SIM khuyến mại (còn gọi là SIM rác).

Một con số thống kê của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho thấy SIM hiện có tuổi đời rất ngắn từ 6 tháng đến 1 năm. Đây là hệ lụy của vấn nạn mua SIM thay thẻ

Sắp thu phí hòa mạng thuê bao trả trước

Trong buổi họp mới đây với Bộ TT&TT, các mạng di động đưa ra nhiều chính sách để ngăn chặn vấn nạn SIM rác hiện nay. MobiFone đề xuất ý tưởng là có thể thu cước hòa mạng đối với thuê bao di động trả trước (giống như thuê bao trả sau). MobiFone còn kiến nghị nên phát hành SIM không có mệnh giá và khuyến mại SIM này giống như các SIM đang hoạt động.

Đồng tình với quan điểm này, Viettel kiến nghị tách riêng tiền SIM và tiền trong tài khoản ra, đồng thời quy định giá bộ kích hoạt ở mức 15.000 đồng. Khi nào có nhu cầu sử dụng, người dùng phải mua thêm thẻ cào để nạp và hưởng mức ưu đãi 50% như những thuê bao cũ.

Đại diện S-Fone đưa ra ý kiến: để phát triển bền vững thị trường di động, chúng ta nên tăng cường thuê bao trả sau và hạn chế thuê bao trả trước. "Hiện ưu đãi cho trả sau không rõ nét so với trả trước nên khách hàng đa số chọn dùng trả trước. Chúng ta nên có chính sách cho DN tăng cường thuê bao trả sau hơn là loay hoay quản lý thuê bao trả trước. Khi đó, khách hàng sẽ dùng trả sau nhiều. Thời gian trước, chúng ta phổ cập di động nên ưu tiên đối với trả trước song thời điểm hiện tại, nên ưu tiên phát triển thuê bao trả sau. Ngoài ra, nếu thuê bao trả trước cũng phải đăng ký khó khăn như thuê bao trả sau thì khách hàng sẽ dùng trả sau", đại diện S-Fone nói.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, lượng thuê bao di động đã ở mức bão hòa nên 1 năm chỉ có thêm khoảng 2,3 triệu thuê bao mới. Vì thế, không nên ưu đãi số thuê bao này thái quá so với hơn 80 triệu thuê bao đang sử dụng. Phải có biện pháp hành chính, kinh tế... để quản lý thuê bao trả trước, tạo sự bình đẳng giữa khách hàng mới và khách hàng cũ, thuê bao trả trước và trả sau.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng chỉ đạo Cục Viễn thông nhanh chóng hoàn thiện văn bản để quy định về thu phí hòa mạng thuê bao di động trả trước giống như thuê bao trả sau. Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ đưa ra những chính sách để khuyến khích phát triển các thuê bao di động trả sau và tiếp tục siết chặt việc quản lý thuê bao di động trả trước. Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, văn bản quản lý này sẽ được ban hành dưới dạng thông tư để tăng tính pháp lý chặt chẽ đảm bảo cho thị trường di động Việt Nam phát triển lành mạnh.

Trả sau bị "ngược đãi"

Cục Viễn thông cho rằng, một trong những nguyên nhân khiếm SIM rác hoành hành hiện nay là do chính sách khuyến mãi của nhà mạng khiến cơ cấu cước dịch vụ di động trả trước và trả sau bị méo mó. Trên lý thuyết cước liên lạc dịch vụ trả sau rẻ hơn trả trước, kèm với đó khách hàng sẽ phải mất cước thuê bao. Thế nhưng, thực tế hiện nay việc chạy đua khuyến mãi của các mạng di động đã khiến các thuê bao trả sau trở thành đối tượng bị "ngược đãi" bởi nếu tính toán chi ly thì người dùng trả sau đang bị thiệt.

Chẳng hạn cước liên lạc trả trước khoảng 1400 đồng/phút, nhưng được khuyến mãi 100% cho 5 - 10 thẻ nạp đầu tiên và đều đặn hàng tháng có chính sách khuyến mãi tặng 50% thẻ nạp. Trong khi đó, cước trả sau khoảng 1.000 đồng/phút nhưng phải đóng phí thuê bao là 50.000 đồng/tháng. Cục Viễn thông nhận định, với chính sách như hiện giờ, chắc chắn khách hàng sẽ chọn trả trước vì lợi hơn trả sau. Điều này lý giải tại sao tỷ lệ thuê bao trả sau của các mạng di động đang ở mức rất thấp, chỉ chiếm 2 - 5% trong tổng số thuê bao của mỗi mạng.

Theo Vietnamnet, ICTnews

Từ khóa: