Sự kiện hot
7 năm trước

Sau 7 năm là con trai, thiếu nữ được "sửa sai" về giới tính

Học hết trình độ lớp 5, Hải xin vào học lớp 6 Trường THCS ở xã Phú An, nhưng bị từ chối do nhầm lẫn giới tính trong hồ sơ.

Một thiếu nữ sn 2000 (trú tại xóm Quai Chèo, thôn Đồng miệu, xã phú an, huyện phú vang, tỉnh Thừa Thiên - huế) bị khai nhầm thành nam khi làm khai sinh. sự việc tưởng nhỏ nhưng lại khiến em phải nghỉ học từ lớp 5, không làm được giấy chứng minh nhân dân, có bảo hiểm y tế nhưng không thể khám chữa bệnh..

Hải làm thủ tục cấp lại GKS ở Phòng Tư pháp huyện Phú Vang.

Lỡ dở cơ hội đi học, đi làm

Thiếu nữ tên là Trần Văn Hải. Nguyên nhân dẫn đến sự việc xuất phát từ hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ba mẹ Hải là ông Trần Văn Thanh, bà Võ Thị Bê (SN 1963) hành nghề đánh bắt hải sản trên đầm Chuồn, huyện Phú Vang. 17 năm trước - năm 2000, Hải sinh ra trên con đò nhỏ, nơi cư trú của cả gia đình.

Do hai vợ chồng cùng không biết chữ, ông Thanh đã nhờ người hàng xóm đi làm giấy khai sinh cho con gái út. Oái oăm thay người hàng xóm cũng... mù chữ nên người này lại nhờ tiếp người khác.

Kết quả, cháu bé là gái nhưng lại được ghi tên khai sinh là Trần Văn Hải, giới tính nam. Nhận giấy khai sinh, vợ chồng ông Thanh “yên tâm” cất kỹ trong tủ.

Họ cứ nghĩ con tên Trần Thị Hải. Nhà nghèo, Hải không được đến trường, chỉ học lớp xóa mù chữ cho con em vạn đò do sinh viên tình nguyện dạy. Học hết trình độ lớp 5, Hải làm thủ tục xin vào học lớp 6 Trường THCS ở xã Phú An, nhưng bị từ chối do nhầm lẫn giới tính trong hồ sơ.

Hải kể: "Thầy cô bảo rằng em là nữ, nhưng trong giấy khai sinh lại ghi là "nam" nên giấy tờ không hợp lệ, không nộp vào trường được". Đến lúc đó gia đình ông Thanh mới phát hiện ra cái sai từ 11 năm trước.

Thương con gái út, biết con rất muốn đi học, trong 6 năm qua, gia đình ông Thành nhiều lần mang giấy khai sinh, hộ khẩu đến UBND xã Phú An làm lại giấy khai sinh cho con nhưng không được. Cha của Hải từng được nghe cán bộ nói phải xét nghiệm hết khoảng 5 - 6 triệu đồng trong khi nhà nghèo không có tiền nên không làm được.

Thế là chỉ vì "nhầm", Hải tuy là nữ nhưng vẫn phải chịu mang tên con trai và giới tính nam trong hồ sơ. Điều này khiến Hải chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Trong khi bạn bè cùng trang lứa đi học, Hải đành nuốt nước mắt vào trong, gác lại giấc mơ đi học.

Năm 12 tuổi, em bắt đầu đi làm giúp việc để kiếm tiền phụ gia đình. Tuy nhiên, sau một thời gian, công việc vất vả, số tiền lương kiếm được quá ít ỏi không đủ để phụ cha mẹ trang trải cuộc sống nên Hải đã nghỉ làm. Đến năm 15 tuổi, Hải xin đi làm tại một quán ăn cách nhà chừng 4km cho đến giờ.

Hàng ngày, dù trời nắng hay mưa, Hải vẫn chăm chỉ đạp xe đi làm từ 14h cho đến 22h cùng ngày, lương mỗi tháng chỉ vỏn vẹn... 2 triệu đồng. Tuy số tiền kiếm được không nhiều, nhưng đối với Hải đó là một niềm vui rất lớn khi em có thể dùng số tiền đó để phụ thêm cho cha mẹ trang trải cuộc sống.

Hải cho biết thêm, gia đình em thuộc diện hộ nghèo, cha mẹ thì đã già, nghề chài lưới bấp bênh nên em rất muốn học được một cái nghề để kiếm tiền phụ thêm cho gia đình. Nhưng ước mơ lại một lần dang dở. Đi học chữ không được, đi học nghề cũng chẳng xong, Hải đi đến đâu cũng bị từ chối bởi người ta bảo rằng em dùng giấy tờ giả, không rõ ràng.

Những cái lắc đầu ngán ngẩm là những gì cô gái trẻ 17 tuổi nhận được, em cũng không được hưởng bất cứ chế độ phúc lợi nào. Em mong được đòi lại danh phận con gái để "tự tin ra xã hội".

Đã trả lại giới tính cho em

Theo khoản 2, Điều 7, Nghị định 123/2015/NĐ-C quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, Hải có thể đi cải chính hộ tịch phù hợp.

Trao đổi với PV, Cục trưởng Cục hộ tịch, quốc tịch và chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh cho biết, sau khi nắm bắt được thông tin báo chí phản ánh, ông đã gọi điện trực tiếp cho Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên - Huế, yêu cầu Giám đốc Sở chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm cải chính hộ tịch, cấp lại giấy khai sinh cho em Hải.

Sau đó, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Hưng đã trực tiếp về xã Phú An xác minh, chỉ đạo Phòng Tư pháp huyện Phú Vang làm thủ tục cấp lại giấy khai sinh cho Hải với cái tên Trần Thị Hải mà không cần xác định ADN như hướng dẫn trước đó. Cùng với sự can thiệp kịp thời của UBND huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, trường hợp của Hải đã được giải quyết.

Nhận được đề nghị của Phòng Tư pháp huyện Phú Vang đến làm thủ tục chuyển giới tính trong giấy khai sinh, hai bố con ông Thanh đã nộp các giấy tờ như hộ khẩu, chứng minh thư, giấy khai sinh cùng một ảnh chụp gần nhất để làm căn cứ chuyển đổi.

Chỉ vài ngày sau, Hải đã được cấp lại giấy khai sinh với tên Trần Thị Hải, giới tính "nam" sang "nữ". Sau khi quyết định chỉnh sửa trong hồ sơ trích lục và giấy khai sinh được hoàn thành, em Hải đã cùng gia đình đến nhận lại giấy tờ mới và được hướng dẫn về UBND xã Phú An để tiếp tục điều chỉnh hộ khẩu, xin cấp giấy chứng minh nhân dân mới trong thời gian sớm nhất.

Cảm ơn sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, cơ quan chức năng, Hải và ba mẹ cho biết rất vui mừng khi được trả lại đúng giới tính trong giấy khai sinh sau 17 năm bị khai nhầm khiến mình gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và sẽ sớm đến Công an xã Phú An để điều chỉnh hộ khẩu, tiếp đó là xin cấp giấy chứng minh nhân dân.

Câu hỏi được đặt ra là liệu những cán bộ tư pháp xã Phú An có bị "truy" về những sai sót khi viết sai giới tính từ nữ sang nam với trường hợp của em Trần Văn Hải hay không. Chủ tịch UBND huyện Phú Vang La Phúc Thành trả lời rằng sẽ không truy cứu trách nhiệm của cán bộ tư pháp xã từ năm 2000, bởi nguyên nhân thuộc về phía gia đình.

Cụ thể, bố mẹ em Hải không biết chữ, nhờ người đi khai sinh giùm cũng không biết chữ nên nhờ tiếp người khác, từ đó đã dẫn tới việc khai nhầm với cán bộ tư pháp và giới tính và tên.

Theo ông Thành, trách nhiệm sửa đổi giấy khai sinh với người 14 tuổi trở lên thuộc cơ quan cấp huyện, do đó sẽ không truy cứu trách nhiệm cán bộ tư pháp xã Phú An. "Từ những trường hợp như em Hải, cán bộ tư pháp cần hướng dẫn người dân cụ thể để điều chỉnh, tránh trường hợp đáng tiếc" - ông Hải nói.

Mai Quỳnh

Thep Pháp Luật Plus

Từ khóa: