Sự kiện hot
13 năm trước

Sau Viettel, VNPT bị "sờ gáy"

Ngày 8/3 tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra Tập đoàn này.v

Ngày 8/3 tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra Tập đoàn này.

Ảnh minh họa

Theo đó, Thanh tra Chính phủ sẽ thực hiện thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại VNPT và các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn này. Thời điểm thanh tra là từ khi thành lập Tập đoàn, năm 2006 đến năm 2011. Thời gian thanh tra là 85 ngày làm việc.

Năm 2009, kết thúc thanh tra việc thực hiện cổ phần hóa tại VNPT và một số đơn vị thành viên, Thanh tra Chính phủ đã có đề nghị thu hồi 89 tỷ đồng sai phạm tại VNPT.

Tháng 1/2006, VNPT chính thức trở thành Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thay thế cho mô hình Tổng công ty cũ với chiến lược phát triển theo mô hình tập đoàn kinh tế chủ lực của Việt Nam. Ngày 24/6/2010, Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT chuyển đổi hoạt động sang mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần, Thanh tra Chính phủ đã công bố các quyết định thanh tra tại 2 tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, VNPT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đây là những đơn vị nằm trong Chương trình, kế hoạch thanh tra năm 2012 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Một tập đoàn viễn thông khác là Viễn thông Quân đội (Viettel) đã được tiến hành thanh tra vào tháng 5/2011 với các nội dung quản lý sử dụng vốn, dự án đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật. Thời gian thanh tra là 75 ngày làm việc thực tế tại Viettel. Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã có kiến nghị xử lý, thu hồi nhiều khoản tiền lớn tại Tập đoàn này.

Như năm 2008, tại công ty mẹ, Viettel chưa hạch toán doanh thu khuyến mãi số tiền trên 533 tỉ đồng và kê khai thiếu trên 53,3 tỉ đồng tiền thuế giá trị gia tăng đầu ra về khuyến mãi sản phẩm dịch vụ. Hay Viettel đã hỗ trợ vốn cho công ty thành viên (Công ty Cổ phần Công trình Viettel số tiền trên 252,15 tỉ đồng, Công ty TNHH Nhà nước MTV Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel 283,3 tỉ đồng,…) mặ dù Viettel không có chức năng tín dụng và cũng không có thẩm quyền cấp tín dụng ưu đãi. Do đó,  việc cho vay ưu đãi này không đúng với quy định của luật các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn yêu cầu Viettel thu hồi về công ty mẹ - Tập đoàn 7,7 tỉ đồng tiền lãi của Tổng công ty Cổ phần Vinaconex. Được biết, đây là thoả thuận mua bán cổ phần giữa Vinaconex với Viettel năm 2009 nhưng thực chất là một hợp đồng vay vốn mà Vinaconex phải trả tiền lãi vay, song Viettel chưa thu.

Hà Anh
Theo VTCNews


Từ khóa: