Khi nghệ sĩ “mặc như không mặc”
Đáng buồn, sự việc trên không phải hi hữu. Thời gian qua, nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu đã gặp sự cố “lộ hàng” (vô ý và cả cố ý) vì ăn mặc hớ hênh trên sân khấu hay trong cuộc sống đời thường. Trong các MV ca nhạc, họ cũng bất chấp, sẵn sàng cởi áo, mặc đồ xuyên thấu, diện nội y khoe thân nhằm thu hút sự chú ý, quảng cáo cho các sản phẩm mới ra mắt. Thực tế, nhiều MV đã nhận được hàng triệu lượt xem, trăm nghìn lượt like, chia sẻ chỉ trong một thời ngắn, song không phải vì tài năng của nghệ sĩ mà do sự tò mò, hiếu kì của số đông người xem, trong đó đa số là giới trẻ.
“Khi tiếp xúc thường xuyên với phong cách ăn mặc lố lăng, hở hang đến mức lố bịch của thần tượng, nhiều bạn trẻ do đang trong độ tuổi phát triển về tâm sinh lí, lập trường tư tưởng chưa vững vàng nên sẽ dễ bị tiêm nhiễm, bắt chước. Thậm chí, có em còn cho rằng đây là cách tốt nhất để nhanh chóng nổi bật, để tạo sự chú ý trong một tập thể, trong cộng đồng mạng, từ đó có sự dễ dãi trong cách ăn mặc” - Tiến sĩ Tâm lí Hoàng Cẩm Tú nhận định.
Bộ trang phục xuyên thấu tại LHP Cannes khiến cư dân mạng dậy sóng những ngày qua.
Cũng theo Tiến sĩ Cẩm Tú, hiện nay có nhiều bạn nữ ăn mặc mát mẻ một cách thái quá khi ra đường, một phần vì họ muốn giống như thần tượng, khẳng định cái “tôi” của mình, đồng thời muốn trở thành một “điểm sáng” thu hút người khác. Họ thích chơi trội, nổi bật trong đám đông. Mặc dù nhu cầu khẳng định bản thân là chính đáng, song mỗi cá nhân nên biết cách thể hiện phù hợp trong từng thời điểm, hoàn cảnh khác nhau, không nên khiến mình trở nên lạc lõng, lố bịch, thậm chí thành miếng mồi ngon cho những kẻ quấy rối, biến thái.
Trở lại với trang phục của giới nghệ sĩ, sự khác biệt về nghề nghiệp cho phép họ được khoác lên mình những bộ phục nổi bật hơn người thường song cũng cần có chừng mực. Việc một số cá nhân ăn mặc hở hang đến mức phản cảm để gây sốc không chỉ trái với thuần phong mĩ tục mà còn thể hiện sự coi thường khán giả, đáng bị lên án, tẩy chay.
“Ăn mặc là quyền tự do của mỗi người, song trang phục chính là văn hóa, thể hiện gu thẩm mĩ và cái tôi của mỗi cá nhân. Vì vậy, cần mặc sao cho phù hợp với hoàn cảnh, môi trường nơi mình xuất hiện, đặc biệt là với những “người của công chúng” - Tiến sĩ Cẩm Tú nhận xét.
Xử lí ra sao?
Liên quan đến chế tài xử lí đối với nghệ sĩ ăn mặc phản cảm, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, tại Điều 10 Nghị định 73/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt liên quan đến nếp sống văn minh, trong đó nêu rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000-100.000 đồng đối với một trong những hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội.
Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, quy định trên đã không còn hiệu lực thi hành do Nghị định 167/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định 73 không còn điều chỉnh về hành vi này.
Còn theo Điều 13 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với việc mặc trang phục hở hang, phản cảm của nghệ sĩ khi biểu diễn, cá nhân sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp mục đích, nội dung biểu diễn và thuần phong mĩ tục, văn hóa Việt Nam sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.
Quy định là vậy, song theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, việc xử phạt cá nhân vi phạm không hề đơn giản do phải xác định ăn mặc thế nào là phản cảm. Pháp luật hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này nên quy định dường như vẫn đang nằm trên giấy.
Theo An ninh thủ đô