Sự kiện hot
5 năm trước

Savills: Khách sạn sẽ cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới

Ông Mauro Gasparotti - Giám Đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ: “Chủ sở hữu và các nhà điều hành khách sạn sẽ đối mặt với giai đoạn cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới, đòi hỏi sự sáng tạo và đổi mới để quản lý và tạo ra nguồn doanh thu mới”.

Savills Hotels vừa tổ chức chuỗi Hội thảo và phỏng vấn trực tuyến với các chuyên gia trong ngành bất động sản nghỉ dưỡng vào cuối tháng 4 vừa qua.

Tại đây, các diễn giả đã có cơ hội chia sẻ nhận định về tương lai của ngành bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam sau đại dịch COVID-19.

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám Đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương: “Các chuyên gia trong ngành đều cho rằng Việt Nam đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch và bây giờ là lúc đất nước đi vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Chúng tôi tin rằng nhu cầu du lịch trong nước sẽ là thị trường chính trong vài tháng tới”.

Tuy nhiên, các khách sạn và resort sẽ cần điều chỉnh lại chính sách giá cũng như các ưu đãi để đón đầu và đáp ứng nhu cầu của nhóm khách này.

“Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ trải qua quá trình tương tự như Trung Quốc sau khi đại dịch được kìm hãm, theo đó thị trường Trung Quốc chỉ mất khoảng sáu tuần để công suất trở lại mức 30% sau khi công suất bị giảm mạnh vào giai đoạn trước đó và điều này phụ thuộc hoàn toàn vào khách du lịch nội địa, đặc biệt là nhóm du khách trẻ”, ông Mauro Gasparotti cho biết.

Trong số tất cả các phân khúc, khách sạn ngân sách thấp ghi nhận mức công suất tăng nhanh hơn so với những khách sạn có định vị cao hơn. Chủ sở hữu và các nhà điều hành khách sạn sẽ đối mặt với giai đoạn cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới, đòi hỏi sự sáng tạo và đổi mới để quản lý và tạo ra nguồn doanh thu mới.

Ông Mauro Gasparotti cho rằng, các dịch vụ lưu trú và nhà hàng cần phát triển các chiến lược tiếp thị và quảng bá sáng tạo và ý nghĩa hơn trong khi các tổ chức tài chính và chủ sở hữu bất động sản cần tích cực làm việc với chủ đầu tư để tìm ra giải pháp cùng có lợi nhằm góp phần xây dựng và hỗ trợ quá trình phục hồi.

Tháng Tư vừa qua, Savills Hotels cũng đã tổ chức thành công buổi hội thảo trực tuyến đầu tiên để thảo luận về các chiến lược phục hồi và quản lý doanh thu cho các Nhà hàng, khách sạn sau COVID-19, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ OYO, STR, Absolute Hotel Services và InVision Hospitality.

Nói về sự phục hồi sau đại dịch, ông Mauro cho rằng: “Thị trường du lịch trong nước sẽ quay trở lại trong giai đoạn đầu tiên của sự phục hồi. Sau quyết định về cách ly xã hội, phần lớn các khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam đã đóng cửa nhưng hầu hết đang có kế hoạch mở cửa trở lại vào tháng 5 với các chương trình khuyến mãi để thu hút khách du lịch trong nước”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều người còn e ngại việc di chuyển bằng máy bay, các điểm đến có thể di chuyển bằng xe như Vũng Tàu, Hồ Tràm, Mũi Né, Hạ Long, Đà Lạt và Sapa sẽ là lựa chọn hàng đầu trong ngắn hạn.

Giai đoạn phục hồi thứ hai sẽ là sự trở lại của du khách nước ngoài khi lệnh cấm các chuyến bay được dỡ bỏ và các quốc gia kết nối được xem là an toàn. Trung Quốc và Hàn Quốc có thể sẽ là những quốc gia được ưu tiên mở lại trước do đây là những thị trường khách quốc tế chính của Việt Nam đồng thời cũng là những quốc gia có số ca nhiễm giảm đáng kể.

Các điểm đến như Bali và Thái Lan cũng đang có ý định chào đón du khách Trung Quốc trở lại và nếu thành công, Việt Nam có thể cân nhắc việc áp dụng các chính sách tương tự. Việt Nam đã nổi tiếng toàn cầu về mức độ an toàn thông qua các biện pháp phòng chống Covid-19 thành công và đây được xem là đòn bẩy giúp thị trường khách quốc tế sớm trở lại.

Giai đoạn cuối cùng là khi đại dịch được kiểm soát hoàn toàn và ngành du lịch toàn cầu phục hồi trở lại về mức trước khi áp dụng các chính sách hạn chế du lịch do đại dịch COVID-19.

Theo ông Mauro Gasparotti: “Khi các hạn chế du lịch được dỡ bỏ hoàn toàn, chúng ta sẽ thấy hai tác động chính: sự thay đổi trong hành vi của khách du lịch và các tác động kéo dài của suy thoái kinh tế toàn cầu, cả hai yếu tố sẽ cần tiếp tục được chú trọng trong thời gian tới”.

Ông Mauro kết luận: “Chúng tôi vẫn luôn có một cái nhìn tích cực về tương lai của ngành khách sạn ở Việt Nam và trên thực tế khi thấy đất nước cùng đoàn kết vượt qua đại dịch, quan điểm đó càng trở nên vững chắc hơn. Đặc biệt khi xét tới lượng lớn khách du lịch nội địa và du lịch nước ngoài cùng với khoảng cách lân cận đến những các quốc gia có lượng khách xuất ngoại lớn, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kì vọng vào sự phục hồi”.

“Bên cạnh đó, Việt Nam với hình ảnh là một điểm đến an toàn, chi phí du lịch phù hợp cùng vẻ đẹp thiên nhiên phong phú đều là những lợi thế lớn của Việt Nam sau đai dịch và càng khẳng định niềm tin của chúng tôi về sự phục hồi trong thời gian sớm nhất”, ông Mauro Gasparotti cho hay.

Hồng Hạnh
Theo Thời báo Ngân hàng

Từ khóa: