Dự kiến việc phát hành chia làm 2 đợt và bắt đầu thực hiện trong quý IV/2017, vốn điều lệ sau sẽ tăng lên 16.000 tỷ đồng. SCB ước tính lãi trước thuế 2017 đạt khoảng 171 tỷ đồng, nửa đầu năm 2018 là 100 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thông báo về nội dung xin ý kiến cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2017.
Cụ thể, SCB dự kiến phát hành riêng lẻ 170,5 triệu cổ phần cho tối đa 99 cổ đông hiện hữu. Trong đó, cổ đông là tổ chức hoặc cá nhân sở hữu từ 1% vốn điều lệ Ngân hàng.
Giá chào bán bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp. Lộ trình tăng vốn sẽ thực hiện thành 2 đợt.
Trong đó, đợt 1 phát hành 100 triệu cổ phần tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng lên 15.294 tỷ đồng. Thời gian dự kiến trong quý IV/2017 sau khi được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
Đợt 2 SCB tiếp tục phát hành 70,5 triệu cổ phần, tăng vốn điều lệ lên 16.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện ít nhất sau 6 tháng kể từ ngày chào bán cổ phần đợt 1.
Số cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn tất đợt chào bán.
Với 1.000 tỷ đồng thu về từ đợt 1, SCB dùng 170 tỷ đồng đầu tư vào tài sản cố định; 120 tỷ đồng đầu tư hiện đại hóa công nghệ thông tin; 40 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa trụ sở các chi nhánh; 670 tỷ đồng bổ sung vốn kinh doanh. Với đợt 2, số tiền thu về 705 tỷ đồng sử dụng cho các mục đích tương tự với lần lượt 130 tỷ, 80 tỷ, 30 tỷ và 465 tỷ đồng.
Trên cơ sở vốn điều lệ tăng thêm, SCB ưu tiên đầu tư tài sản cố định, hiện đại hóa công nghệ thông tin. Cụ thể, SCB sẽ cải thiện năng lực chăm sóc khách hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân theo hướng ngân hàng bán lẻ như hệ thống CRM, contact center, các phần mềm về thẻ, hệ thống LOS hỗ trợ quy trình cấp tín dụng, thẩm định hồ sơ, phê duyệt cho vay.
Bên cạnh đó, SCB triển khai các phần mềm quản lý ngân sách, nâng cao quản trị tài chính như P/O, dự án tập hợp phân bổ chi phí, mua sắm trang thiết bị bảo mật hệ thống…
Đối với đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở các chi nhánh, SCB thực hiện cải tạo trụ sở, đảm bảo nhận diện thương hiệu đồng bộ.
Phần vốn còn lại bổ sung vào kinh doanh như tài sản cổ định, nhà đất vật kiến trúc. Ngoài ra, thời gian tới SCB phát triển tín dụng và đẩy mạnh đầu tư trái phiếu chính phủ để bổ sung tài sản thanh khoản đáp ứng tỷ lệ dự trữ thanh khoản theo quy định và tăng danh mục đầu tư trái phiếu tự doanh.
Trường hợp không phát hành hết số cổ phần gồm cả hai đợt, SCB ưu tiên sử dụng vốn cho các mục đích thứ tự gồm đầu tư tài sản cố định; hiện đại hóa công nghệ thông tin; xây dựng, sửa chữa các trụ sở chi nhánh; bổ sung vốn kinh doanh.
Sau tăng vốn, SCB dự kiến các chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 2017 vào khoảng 171 tỷ đồng, tăng 26% so với 2016. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%.
Sau khi hoàn tất đợt 2, SCB ước tính lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2018 sẽ đạt khoảng 100 tỷ đồng.
Một số chỉ tiêu dự kiến sau tăng vốn của SCB
Tiến Vũ
Theo KTTD, Vietnambiz