Sự kiện hot
13 năm trước

Sẽ chỉ bảo hiểm tiền gửi tiền Đồng Việt Nam?

Theo Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu có luồng ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật, chỉ bảo hiểm đối với tiền gửi bằng Đồng Việt Nam.

Theo Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu có luồng ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật, chỉ bảo hiểm đối với tiền gửi bằng Đồng Việt Nam.

Chiều 21/3, UB TVQH cho ý kiến về một số vấn đề quan trong, còn khác nhau của dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu (Ảnh: Internet).

Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm là loại tiền gửi được bảo hiểm. Theo Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu có luồng ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật, chỉ bảo hiểm đối với tiền gửi bằng Đồng Việt Nam nhưng cũng có loại ý kiến đề nghị xem xét việc bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý (vàng…) vì nhà nước đang khuyến khích kiều hối và thu hút tiền gửi bằng ngoại tệ.

Theo đó, UB Kinh tế cho rằng, chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam ngoài việc cấm sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam và không khuyến khích người dân tích trữ ngoại tệ mà nên bán lại cho ngân hàng. Khi người dân quyết định giữ tài sản của mình dưới dạng ngoại tệ hay kim loại quý là một hình thức tự phòng ngừa rủi ro do lo ngại sự mất giá của đồng nội tệ. Việc bảo hiểm tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý sẽ tạo tâm lý thiếu tin tưởng vào sự ổn định của giá trị đồng tiền, có thể gây xáo trộn thị trường tiền tệ, khó kiểm soát hiệu quả quá trình điều hành chính sách tiền tệ.

“Để huy động vàng thuộc sở hữu của người dân đưa vào đầu tư phát triển sản xuất, Chính phủ cần có đề án huy động và sử dụng phù hợp. UB Kinh tế nhất trí với luồng ý kiến chỉ bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi bằng Đồng Việt Nam” – Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nói.

Thảo luận về nội dung khác trong dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi, UB TVQH đồng tình với dự án Luật là chỉ bảo hiểm tiền gửi cá nhân, không mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm tiền gửi, bởi đối với cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội đã được quản lý chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức và đối với doanh nghiệp cũng được quản lý chặt chẽ theo quản trị doanh nghiệp.

Về mô hình bảo hiểm tiền gửi, đồng tình với UB Kinh tế, các thành viên của UB TVQH cũng nhất trí giữ nguyên mô hình Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Cũng trong chiều 21/3, UB TVQH thảo luận dự án Luật Phòng, chống rửa tiền, trong đó, nội dung về cơ quan phòng, chống rửa tiền được các đại biểu dành nhiều thời gian quan tâm thảo luận.

Theo đó, sau khi đã tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội, dự án Luật quy định mô hình cơ quan thông tin phòng, chống rửa tiền trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, là trung tâm quốc gia có chức năng thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền.

Tuy nhiên, các ý kiến lại cho rằng quy định vẫn chưa làm rõ được vai trò của cơ quan điều tra Bộ Công an trong việc phòng, chống rửa tiền.

Thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần viết rõ Trung tâm thông tin này có nhiệm vụ thu thập, xử lý, chuyển giao thông tin về rửa tiền thông qua giao dịch ngân hàng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, theo dự luật thì cũng không rõ mô hình cơ quan thông tin như thế nào mà chỉ là quy định trách nhiệm của cơ quan đó. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội thì cơ quan Công an cũng có nhiệm vụ thu thập, tổ chức thông tin về rửa tiền để điều tra nên nếu viết như dự luật thì Trung tâm thông tin này nằm trên cả cơ quan điều tra là bất hợp lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan thẩm tra tiếp tục hoàn thiện báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật và giải thích rõ hơn về quy định cơ quan phòng, chống rửa tiền.

Kiều Minh
Theo VTCNews

Từ khóa: