Sự kiện hot
12 năm trước

Sẽ có bảo hiểm việc làm

Chiều 5.10, phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chính thức khai mạc, với việc thảo luận về Dự thảo Luật Việc làm.

Chiều 5.10, phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chính thức khai mạc, với việc thảo luận về Dự thảo Luật Việc làm.

Mở rộng hỗ trợ lao động

Điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật Việc làm là quy định về bảo hiểm việc làm (BHVL). Trong tờ trình của mình, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng: BHVL là nội dung quan trọng của chính sách thị trường lao động nhằm thực hiện mục tiêu thúc đẩy và bảo đảm việc làm cho người lao động, hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp sớm có việc làm, là chính sách được kế thừa và phát triển từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có mở rộng, bổ sung đối tượng, phạm vi, nội dung nhằm đảm bảo tốt hơn chính sách an sinh xã hội cho người lao động. BHVL bao gồm 2 chế độ: Chế độ cho người thất nghiệp như chính sách BHTN hiện nay nhằm bù đắp thu nhập; bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động để duy trì việc làm, phòng ngừa và hạn chế thất nghiệp.


Người lao động sẽ được hỗ trợ kể cả khi không thất nghiệp.

Như vậy, BHVL không chỉ hỗ trợ đối với người lao động đã bị thất nghiệp, mà còn mở rộng hỗ trợ đối với người lao động đang làm việc và các doanh nghiệp để duy trì sự ổn định, phát triển cho doanh nghiệp và duy trì việc làm cho người lao động; đồng thời hạn chế, phòng ngừa thất nghiệp.

Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, chính sách BHVL là sự phát triển của BHTN hiện hành, do đó, chỉ cần bổ sung thêm chính sách hỗ trợ duy trì việc làm trong Luật Bảo hiểm xã hội. Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần hết sức cân nhắc có nên đổi tên BHTN thành BHVL vì tính chất của BHVL vẫn chủ yếu là giải quyết chính sách thất nghiệp.

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 80 quốc gia đang thực hiện chính sách BHTN, rất ít quốc gia thực hiện chính sách BHVL. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, BHVL chỉ nên áp dụng ở những nước có điều kiện kinh tế phát triển, để chính sách BHVL mang tính khả thi cần phải có tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức cao và hệ thống đào tạo nghề, dịch vụ việc làm đã phát triển.

Chỉ rắc rối cái tên

Trong phần thảo luận, Chủ nhiệm UB Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý nêu quan điểm, không nhất thiết phải có thêm chính sách BHVL vì chúng ta mới thông qua chính sách BHTN không lâu: “Khi đó, chúng ta nói BHTN là chính sách ưu việt Việt Nam, giờ mới được 2, 3 năm lại thay đổi, như thế người ta sẽ nói mình chuẩn bị luật không cẩn thận”.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại chia sẻ, BHVL thực chất là chính sách lao động chủ động, khác với BHTN là chính sách lao động thụ động. “BHVL thực chất ưu việt hơn, tiến bộ hơn BHTN. Nó không chỉ giúp người lao động không có việc sớm trở lại thị trường lao động, mà còn giúp người lao động đang đi làm tránh rủi ro mất việc làm, tiến tới có việc làm bền vững” - Phó Chủ tịch QH phân tích.

Chiều 7.10, UBTVQH sẽ thảo luận và cho ý kiến về Nghị quyết về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn và dự án Luật Thủ đô.

Hải Phong
theo Dân Việt

Từ khóa: