“Thị trường chứng khoán phái sinh ra đời sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của thị trường chứng khoán và nền kinh tế Việt Nam”, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) trao đổi với Đầu tư Chứng khoán và cho biết, nhà quản lý sẽ cân nhắc các chính sách cần thiết cho thị trường.
Ngày 10/8 tới, thị trường chứng khoán phái sinh sẽ đi vào vận hành. Ông nhìn nhận gì về ý nghĩa của sự kiện này đối với lịch sử phát triển của TTCK Việt Nam?
Đến nay, TTCK Việt Nam đã trải qua 17 năm phát triển với những bước đi vững chắc và từng bước mở rộng quy mô thị trường. 17 năm là khoảng thời gian chưa dài so với lịch sử phát triển của một TTCK, nhưng cũng đủ để khẳng định sự thành công của một kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta triển khai các thị trường mới như TTCK phái sinh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Hiện nay, khi nền kinh tế Việt Nam đang từng bước khẳng định mô hình của một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, sự ra đời của TTCK phái sinh có ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn.
Ông Phạm Hồng Sơn
Thứ nhất, sự phát triển của các công cụ phái sinh là một bước tiến tất yếu trong quá trình phát triển của thị trường tài chính, góp phần đa dạng hóa các công cụ đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ hai, các sản phẩm chứng khoán phái sinh là công cụ phòng vệ rủi ro hiệu quả đối với các nhà đầu tư. Các sản phẩm này có tác dụng như những công cụ bảo hiểm, giúp nhà đầu tư giảm thiểu những tổn thất không lường trước và giảm thiểu những ảnh hưởng xấu tới thị trường.
Thứ ba, TTCK phái sinh ra đời góp phần hoàn thiện cấu trúc TTCK Việt Nam, bên cạnh thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu.
Thứ tư, TTCK phái sinh ra đời và phát triển sẽ tác động trở lại thị trường cơ sở (thị trường cổ phiếu, trái phiếu) và giúp cho việc huy động vốn qua kênh trái phiếu chính phủ thuận lợi với chi phí thấp hơn.
Thứ năm, TTCK phái sinh ra đời cho thấy sự phát triển của TTCK và đáp ứng xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của TTCK và nền kinh tế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Để hỗ trợ TTCK phái sinh trong giai đoạn đầu, xin ông chia sẻ về những cơ chế ưu đãi về phí, thuế dành cho các đối tượng tham gia, đã và sẽ được xử lý như thế nào, thưa ông?
Đối với nhà đầu tư, trước mắt khi TTCK phái sinh đi vào hoạt động được áp dụng theo chính sách thuế hiện hành tương tự như trên TTCK cơ sở. Sau khi thị trường triển khai, Bộ Tài chính sẽ có đánh giá cụ thể và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để báo cáo cấp có thẩm quyền về chính sách thuế phù hợp.
Về chính sách phí và lệ phí áp dụng trên TTCK phái sinh, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 272/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, trong đó có bổ sung một số khoản lệ phí áp dụng trên TTCK phái sinh, bao gồm: lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh; lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh...
Về chính sách giá dịch vụ, hiện tại, Thông tư 241/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký (VSD).
Thông tư 242/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào TTCK Việt Nam chỉ quy định về giá dịch vụ đối với các dịch vụ chứng khoán trên thị trường cơ sở.
Do đó, đối với các dịch vụ chứng khoán phái sinh, trước mắt khi đi vào hoạt động, thì sở giao dịch chứng khoán và VSD không thu các khoản phí dịch vụ liên quan. Sau khi thị trường đi vào hoạt động sẽ có đánh giá và xây dựng phương án giá dịch vụ phù hợp.
Đâu là những định hướng lớn của Bộ Tài chính, UBCK trong chỉ đạo điều hành phát triển TTCK phái sinh thời gian tới, thưa ông?
TTCK phái sinh ra đời là một sự kiện quan trọng đối với tiến trình phát triển của TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, để duy trì thị trường hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả, phát huy vai trò và ý nghĩa của nó lại là một thách thức đối với cơ quan quản lý.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo sát sao các đơn vị trong ngành, trực tiếp là UBCK, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, VSD chuẩn bị các điều kiện cho TTCK phái sinh ra đời, đặc biệt là cơ sở pháp lý, hàng hóa cho thị trường, hệ thống công nghệ thông tin và cơ chế quản lý giám sát.
Bộ Tài chính cũng chỉ đạo UBCK và các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của TTCK phái sinh trong thời gian tới; từng bước đa dạng hóa các sản phẩm giao dịch; mở rộng đối tượng thành viên tham gia thị trường, phát triển các nhà tạo lập thị trường; nâng cao hiệu quả công tác giám sát...
Bộ Tài chính, UBCK tin tưởng rằng TTCK phái sinh sẽ góp phần hoàn thiện cấu trúc thị trường tài chính, hỗ trợ thị trường tài chính phát triển lành mạnh, bền vững.
Hữu Hòe
Theo Đầu tư Chứng khoán