Sau khi đưa vàng miếng vào khuôn khổ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ ban hành quy định mới siết chặt hoạt động kinh doanh vàng trang sức, các cửa hàng muốn tiếp tục hoạt động phải đăng ký lại.
Sau khi đưa vàng miếng vào khuôn khổ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ ban hành quy định mới siết chặt hoạt động kinh doanh vàng trang sức, các cửa hàng muốn tiếp tục hoạt động phải đăng ký lại.
Từng sản phẩm vàng trang sức sẽ phải được chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh minh họa
Lập lờ vàng trang sức
Nghị định 24 ra đời đã khắc phục được những lỗ hổng pháp lý của giai đoạn trước, tạo cơ sở để tổ chức lại thị trường vàng theo hướng phát triển ổn định và bền vững, tăng cường quản lý đối với thị trường vàng, khắc phục tình trạng đầu cơ tích trữ, buôn bán trái phép, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Nghị định cũng nêu rõ, hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện phải được NHNN cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Tuy nhiên, theo đại diện Công ty vàng bạc đá quý Vietinbank, Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, trong đó gồm vàng nữ trang, có hiệu lực từ ngày 25-5-2012 nhưng đến nay, thông tư hướng dẫn quy định về tiêu chuẩn vàng trang sức mỹ nghệ vẫn bỏ ngỏ. Có nhiều đơn vị, vàng 18k nhưng vẫn giới thiệu và niêm yết giá vàng 24k. Hiện các thương hiệu vàng trang sức đến từ thế giới có những quy định riêng về độ trơn, độ đánh bóng. Tùy thuộc từng sản phẩm của các nhãn hiệu khác nhau mà có mức giá chênh khác nhau. Song ở Việt Nam, tiêu chuẩn vàng trang sức dường như chưa được quan tâm. Trên thực tế, các doanh nghiệp rất ít đóng dấu mã hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm để lập lờ gian lận tuổi vàng. Bản thân người tiêu dùng cũng không biết tiêu chí về từng loại vàng do vậy luôn bị thiệt, mua 10 đồng nhưng chỉ bán được có 4-5 đồng.
Đại điện 1 doanh nghiệp chế tác vàng trang sức phân tích, một số cửa hàng vàng bán nữ trang theo giá vàng SJC nhưng lúc mua vào lại theo giá vàng nguyên liệu rất thấp, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Ngoài ra, khi mua vàng trang sức người mua phải chịu giá cao, trong khi bán lại thì cửa hàng mua ở mức thấp hơn rất nhiều, mức chênh lệch này cũng khiến người mua vàng chịu thiệt. “Về cơ bản phải bảo toàn được giá trị cho người tiêu dùng. Chẳng hạn như cũng là kiềng vàng SJC, khi khách hàng bán lại chỉ nên trừ phí gia công”, vị này cho biết.
Bít lỗ hổng
Theo quy định trước khi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời, thì hoạt động mua bán, sản xuất gia công vàng trang sức mỹ nghệ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không cần cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Tổ chức, cá nhân muốn tham gia chỉ cần đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch Đầu tư và hoạt động trên cơ sở Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hoạt động kinh doanh này thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại và Luật Doanh nghiệp.
Hoạt động xuất, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ cũng không được kiểm soát chặt chẽ. Không có các quy định cụ thể để xác định, thế nào là vàng gia công chế tác, vàng trang sức, mỹ nghệ. Trong khi đó, việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ thực hiện theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không cần có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Như vậy, khả năng lạm dụng để xuất khẩu vàng có chất lượng cao (ví dụ, từ 90% trở lên) dưới hình thức vàng trang sức mỹ nghệ nhưng với khối lượng lớn là rất dễ xảy ra.
Đánh giá của NHNN cho rằng, hiện trên cả nước có khoảng 8.000 điểm kinh doanh vàng miếng, số lượng cửa hàng vàng trang sức còn lớn hơn so với các điểm kinh doanh vàng miếng nhiều lần, chính vì vậy việc quản lý cũng khó khăn hơn. Tuy nhiên, việc đưa hệ thống này vào khuôn khổ là cần thiết. Hai cái lợi lớn nhất từ việc quản lý trên là NHNN sẽ thu được thuế và khách hàng có thể mua bán ở những nơi được Nhà nước đảm bảo.
Chính vì vậy, việc siết chặt quản lý thị trường vàng trang sức đã được NHNN tính tới. Đại diện NHNN cho biết, sau khi đưa vàng miếng vào khuôn khổ, NHNN sẽ ban hành quy định mới siết chặt hoạt động kinh doanh vàng trang sức, các cửa hàng muốn hoạt động tiếp phải đăng ký lại. Từng sản phẩm vàng trang sức sẽ phải được chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, giao dịch mua bán vàng trang sức đều phải có hóa đơn chứng từ rõ ràng.
Hùng Anh
theo ANTĐ