Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) vừa trình QH nội dung triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992,
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) vừa trình QH nội dung triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, trong đó nêu rõ “quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp…”.
Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, mà đại diện cao nhất là QH
- Ảnh: Ngọc Thắng
Thay mặt Ủy ban TVQH đọc Tờ trình tại phiên họp chiều nay, 4.8, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày rõ sự cần thiết và mục đích, yêu cầu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cũng như quan điểm, định hướng cơ bản để sửa đổi đạo luật gốc này.
Theo đó, một trong những quan điểm của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 là tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và bộ máy Nhà nước đã được xác định trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 1992.
Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Về một số định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, trong Tờ trình của Ủy ban TVQH nêu rõ: khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội đã được nhân dân ta, mà đại diện cao nhất là QH thừa nhận và ghi vào Hiến pháp.
Khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Theo đó, phải làm rõ cách thức sử dụng quyền lực Nhà nước của nhân dân thông qua cơ chế dân chủ đại diện (cơ quan quyền lực Nhà nước) và cơ chế dân chủ trực tiếp.
Liên quan đến định hướng tổ chức bộ máy Nhà nước, Tờ trình khẳng định vị thế, chức năng, quyền hạn của QH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TAND và Viện KSND cũng như cơ chế bảo vệ Hiến pháp; về chính quyền địa phương.
Đáng chú ý, định hướng sửa đổi Hiến pháp sắp tới sẽ xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch nước trong việc thực hiện vị trí, vai trò là nguyên thủ quốc gia, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại và thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, xác định rõ hơn mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, để tổ chức, chỉ đạo việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 và xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ủy ban TVQH đề nghị QH tại kỳ họp thứ nhất ban hành Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Ủy ban, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu làm Phó chủ tịch Ủy ban, cùng 25 vị Ủy viên khác là đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức ở trung ương.
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp có nhiệm vụ tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992, xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cơ quan, tổ chức hữu quan và nhân dân để trình QH xem xét, thông qua.
Mục tiêu đặt ra là phấn đấu trình QH dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần thứ nhất vào kỳ họp cuối năm 2012, sau đó sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân khoảng 2 tháng, từ tháng 3 - 4.2013. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến hoàn chỉnh dự thảo và trình QH xem xét, cho ý kiến vào giữa năm 2013.
Bảo Cầm
theo thanhnienonline