Tại buổi họp báo ngày 5-7 của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề án thành lập tổng cục giám sát và quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Tại buổi họp báo ngày 5-7 của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề án thành lập tổng cục giám sát và quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Mục tiêu là để giám sát việc sử dụng vốn và kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty.
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Ảnh: Lê Thanh
Ông Tuấn cho biết rất đồng tình với nhận định cho rằng cơ chế quản lý tài chính, quản lý kinh doanh đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thời gian qua chưa thống nhất, thiếu hiệu quả. Do vậy, cần thiết xây dựng hệ thống chính sách, phương thức thực hiện giám sát vốn, tài sản nhà nước trong tập đoàn, tổng công ty. Quản lý không chỉ là vốn của nhà nước mà cả vốn vay. Bên cạnh việc giám sát vốn nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty, cơ chế giám sát quá trình quản lý kinh doanh của các doanh nghiệp này cũng cần phải hoàn thiện để buộc phải công khai tài chính, đảm bảo cạnh tranh, bình đẳng với các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Do đó, tổng cục giám sát và quản lý vốn tài sản nhà nước ra đời sẽ giám sát một cách thường xuyên, định kỳ và kịp thời phát hiện những bất cập sai sót trong quản lý vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp.
Cử 80 cán bộ Bộ Tài chính biệt phái xuống doanh nghiệp
* Để phát hiện kịp thời những sai sót trong sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước, tổng cục này sẽ có “chiêu” gì?
- Bộ Tài chính sẽ cử 80 cán bộ biệt phái xuống các tập đoàn, tổng công ty. 80 người này vẫn là công chức của Bộ Tài chính, không ăn lương của doanh nghiệp.
* Vừa qua, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả thanh tra tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn không hiệu quả, gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng. Ông nhận định vấn đề này thế nào?
- Về con số thất thoát 30.000 tỉ đồng đã công bố, chúng tôi cho rằng đây là những vấn đề cần phải đánh giá. Thực tế, sai phạm về pháp luật thuế chỉ là một phần nhỏ, còn có những vấn đề sai phạm khác như do thủ tục hành chính. Ví dụ, Tập đoàn Dầu khí VN có sai phạm khoảng 18.000 tỉ đồng. Trong đó, 15.600 tỉ đồng là đầu tư cho các dự án dầu khí khai thác ngoài nước. Đây là nhiệm vụ quan trọng được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền. Cái thiếu sót ở đây là khi sử dụng nguồn vốn này, Tập đoàn Dầu khí VN chưa bổ sung cập nhật. Hay gần 2.000 tỉ đồng là vốn cổ phần hóa của các công ty con chưa được nộp về. Nói như thế để thấy con số 30.000 tỉ đồng được công bố là thất thoát thì thực chất phần lớn không bị mất mà do doanh nghiệp chưa nộp về kịp thời.
Giải quyết 7 tập đoàn, tổng công ty
* Với những tập đoàn làm ăn không hiệu quả, chủ trương sắp tới phải làm thế nào?
- Hiện nay, số liệu thống kê, nhìn chung vốn chủ sở hữu là 653.000 tỉ đồng thì tỉ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu bằng 1,67 lần. So với các nước thì tỉ lệ này không cao. Nhưng cái đáng quan tâm là có bảy tập đoàn, tổng công ty có tỉ lệ đi vay gấp 5-7 lần vốn chủ sở hữu. Do vậy, để hạn chế rủi ro, tới đây cần phải giải quyết bảy đơn vị này. Định hướng là đẩy mạnh cổ phần hóa để nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp.
* Thực tế sự bất bình đẳng giữa tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp ngoài nhà nước thế nào?
- Trong khi tập đoàn, tổng công ty sử dụng 653.000 tỉ đồng vốn nhà nước thì ở khu vực ngoài nhà nước khi sử dụng vốn, họ phải chịu sức ép rất lớn về lãi vay. Hơn nữa, toàn bộ lợi tức sau thuế của 653.000 tỉ đồng này cơ chế hiện nay cho để lại các tập đoàn, tổng công ty tái đầu tư, có năm là khoảng 100.000 tỉ đồng. Rõ ràng khi sử dụng vốn nhà nước, anh không bị sức ép về chi phí vốn, đồng thời hằng năm anh được bổ sung nguồn tài chính lớn mà không có lãi suất. Điều này chỉ ra rõ là sự chưa bình đẳng với các thành phần kinh tế khác mà cũng không tạo ra áp lực buộc tập đoàn, tổng công ty phải nâng cao hiệu quả hoạt động. Mặt khác, không tính được hiệu quả thực của các tập đoàn vì thực tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn thì lại giãn thời gian khấu hao. Đây là vấn đề cần phải xem xét, nghiên cứu để có cơ chế chính sách tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng buộc tập đoàn, tổng công ty phải cạnh tranh và bình đẳng với các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
LÊ THANH
Theo Tuoitre