Theo các CTCK, khả năng thị trường tăng nóng không được đánh giá cao, mà sẽ tiếp diễn trạng thái giằng co, vì vậy nhà đầu tư nên thận trọng.
Theo các CTCK, khả năng thị trường tăng nóng không được đánh giá cao, mà sẽ tiếp diễn trạng thái giằng co, vì vậy nhà đầu tư nên thận trọng.
Lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 23/3.
Đà tăng sẽ tiếp diễn
(CTCK Woori CBV)
Thị trường có diễn biến trái chiều vào cuối phiên khi kết thúc phiên giao dịch 22/03/2012 chỉ số VN-Index giảm 0,1 điểm (0,02%) xuống 445,67 điểm. Khối lượng cổ phiếu được chuyển nhượng khoảng 81,6 triệu cổ phiếu, tương đương với giá trị giao dịch 1.156 tỷ đồng.
Trong khi đó, chỉ số HNX-Index tăng 0,45 điểm (0,59%) lên 76,11 điểm, khối lượng chuyển nhượng khoảng 104,7 triệu cổ phiếu, tương đương với giá trị giao dịch là 1.017,03 tỷ đồng.
Dòng tiền đầu cơ vẫn tiếp tục đổ mạnh vào thị trường, đặc biệt là các mã ngành chứng khoán. Dòng ngân hàng ngoài mã HBB tiếp tục trần thì đa số bị đánh xuống rất mạnh. Khối ngoại vẫn tiếp tục giữ vững đà mua ở các mã bluechip như DPM, MBB, HVG…vv
Về phương diện kỹ thuật, phiên giao dịch ngày 22/03/2012 thị trường có diễn biến trái chiều tăng giảm nhẹ ở hai sàn với thanh khoản được giữ ổn định so với phiên giao dịch trước đó. Đây là 1 diễn biến thường xuyên diễn ra trong thời gian gần đây, báo hiệu xu hướng tiếp diễn đà tăng của thị trường. Do đó, chúng tôi vẫn lạc quan về xu hướng trung dài hạn và khuyến nghị mua tiếp nếu như thị trường tiếp tục có diễn biến như trên và vượt đỉnh.
Sẽ giảm điểm trở lại trong phiên cuối tuần
(CTCK Chợ Lớn - CLSC)
Trên đồ thị kỹ thuật, các chỉ số đóng cửa trái chiều, VN-Index và VN30 giảm điểm trong khi HNX-Index tiếp tục tăng phiên thứ 6 liên tiếp.
So với phiên trước, KLGD khớp lệnh không có sự cải thiện trên HNX và giảm mạnh trên HOSE. Điều này cho thấy động lực thị trường không mạnh.
Các chỉ báo kỹ thuật đều cho các tín hiệu cảnh báo. VN-Index đang gặp phải ngưỡng kháng cự 450 điểm, HNX-Index cũng đang bị kháng cự quanh mức 75-78 điểm. Chúng tôi cho rằng, thị trường có khả năng sẽ giảm điểm trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần này và đà giảm sẽ kéo dài trong tuần sau.
Không đánh giá cao khả năng thị trường duy trì đà tăng nóng
(CTCK BIDV - BSC)
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm nhẹ 0,1 điểm (-0,02 %) về mức 445,67 điểm; HNX-Index tăng 0,45 điểm (+0,59%) lên 76,11 điểm. Khối lượng trên 2 sàn tuy giảm so với phiên trước, nhưng vẫn duy trì ở mức khá cao với trên 104 triệu đơn vị trên HNX (5,1 triệu thỏa thuận) và 81 triệu trên HSX (5 triệu thỏa thuận). Tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn ở mức 2.100 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên cả 2 sàn, nhưng với lượng mua ròng giảm đi chỉ còn 39,1 đồng tỷ trên HSX và 6,7 tỷ đồng trên HNX.
Thị trường có diễn biến giằng co trong suốt phiên giao dịch với kết cục trái chiều trên 2 sàn vào thời điểm cuối phiên. Trong 2 phiên vừa qua, một lượng lớn cổ phiếu được giao dịch trước đó 4 phiên đã về tài khoản. Rất có thể phần lớn đã được bán ra thu lời ngắn hạn và vì vậy, có thể thấy lực cầu hấp thụ là khá tốt.
Trên cơ sở phân tích kỹ thuật thì các chỉ số đang thử thách lại vùng đỉnh cũ mặc dù nhiều mã cổ phiếu dẫn dắt thị trường đã vượt qua mức kháng cự ngắn hạn. Vì vậy, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục trạng thái giằng co trong một vài phiên tới.
Hiện tại, các thông tin như hạ lãi suất hay lạm phát thấp cũng đã được giới đầu tư đón nhận như một yếu tố hỗ trợ mang tính tâm lý và phản ánh vào suốt quá trình tăng giá vừa qua. Trong khi đó, sẽ cần thêm thời gian để các chính sách này phát huy tác dụng, tạo nên những chuyển biến mang tính cơ bản về môi trường vĩ mô cũng như hoạt động của các doanh nghiệp.
Vì vậy, chúng tôi không đánh giá cao khả năng thị trường có thể duy trì đà tăng nóng trong ngắn hạn.
Với nhận định này, chiến lược ngắn hạn mà chúng tôi đề xuất là chỉ nên gia tăng giải ngân nếu thị trường có sự điều chỉnh đủ hấp dẫn hoặc giảm tỷ trọng với phần cổ phiếu đã có lãi để duy trì một tỷ trọng cân bằng giữa tiền và cổ phiếu trong danh mục hiện tại.
Giảm lượng cổ phiếu nắm giữ
(CTCK ACB - ACBS)
Tiếp tục leo dốc trong suốt phiên giao dịch rồi bị bán mạnh vào cuối phiên, VN-Index có phiên thứ 2 liên tiếp diễn biến theo một kịch bản như vậy.
Trong một phạm vi nhỏ, điều này cho thấy bên mua đang rất dè dặt trong khi bên bán sẵn sàng tham gia thị trường.
Trong các phiên tới, sự giằng co có thể tiếp tục. VN-Index có thể dao động nhẹ trong vùng hẹp 433-450.
Trên 450, VN-Index có thể về 470-480. Dưới 433, VN-Index sẽ hình thành mô hình Double Top nhỏ và cắt xuống dưới đường trung bình 20 ngày, hình thành tín hiệu đảo chiều trong ngắn hạn.
Xem xét tỷ lệ rủi ro và lợi nhuận, chúng tôi không khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại. Thay vào đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư giảm bớt lượng cổ phiếu nắm giữ.
Xu hướng đi ngang trong phiên của HNX-Index vùng khối lượng giao dịch lớn cho thấy sự giằng co mạnh của bên bán và mua.
Cây nến Doji hình thành cùng tín hiệu quá mua từ chỉ báo RSI(14) cho thấy dấu hiệu tiêu cực.
Trong các phiên tới, sự giằng co có thể tiếp tục. HNX-Index có thể tiếp tục tăng về 80-82 hoặc đảo chiều giảm về 69-70.
Khả năng đảo chiều sẽ khá cao
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Thị trường diễn biến khá cân bằng với sự phân hóa trở nên rõ nét hơn giữa các nhóm cổ phiếu. Lực cung trong phiên theo chúng tôi quan sát chủ yếu xuất phát từ động thái chốt lời tại các vùng giá cao, trong khi lực cầu tại các vùng giá thấp vẫn được duy trì khá tốt do việc quay vòng vốn, tái cơ cấu danh mục.
Diễn biến này cho thấy, tâm lý mang tính chờ đợi của nhà đầu tư thay vì ra các quyết định mua bán với tỷ trọng cao tại thời điểm hiện tại.
Nếu trong một hai phiên tới thị trường quay đầu điều chỉnh trước khi chạm lại vùng đỉnh cũ, BVSC thiên về kịch bản thị trường sẽ xuất hiện một đợt giằng co đi ngang mang tính ngắn hạn trong vùng cản kỹ thuật 68,6-79,1 với việc hình thành một mẫu hình tam giác.
Trong kịch bản này, việc tích lũy tại các vùng giá thấp, tăng tỷ trọng danh mục có thể được cân nhắc trong các phiên điều chỉnh sau đó.
Trong kịch bản thị trường tiếp tục tăng điểm trong các phiên tới, nhà đầu tư nên thực hiện chốt lời danh mục ngắn hạn, đặc biệt đối với những mã tăng nóng trong những phiên gần đây và chỉ giữ lại phần danh mục trung hạn.
Nếu thị trường không có nhịp điều chỉnh trước khi chạm lại đỉnh cũ, chúng tôi cho rằng, khả năng đảo chiều sẽ khá cao cho hai chỉ số và quyết định có mua lại phần danh mục “trading” sau đó hay không sẽ được chúng tôi cập nhật trong các bản tin kế tiếp.
Có thể sẽ trở lại trạng thái giằng co
(CTCK FPT - FPTS)
Như đã nhận định, tâm lý nhà đầu tư kém phần bền vững khiến cho sức mua không thể tiếp tục duy trì trong phiên giao dịch ngày 22/03.
Mặc dù lượng cung không mạnh, song diễn biến phiên giao dịch vẫn trở lại trang thái lình xình, giằng co giữa cung và cầu. Ngoài ra, áp lực bán có xu hướng tăng mạnh ngay khi thị trường tiến dần lên mức kháng cự đã khiến cho VN-Index không thể duy trì đà tăng cho đến hết phiên. Đóng cửa với mức giảm nhẹ 0,1 điểm, chỉ số thêm một lần nữa phủ định cho khả năng bứt phá lên trên ngưỡng 450 điểm ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, điểm tích cực trong phiên giao dịch 22/3 vẫn được ghi nhận là dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu đầu cơ duy trì khá tốt. Tại các mã cổ phiếu nóng, hiện tượng dư mua giá trần vẫn tiếp tục diễn ra cho thấy vẫn có nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Bên cạnh đó, sức cầu tuy không còn mạnh mẽ như phiên trước song vẫn được duy trì khá bền bỉ và hấp thu tốt lượng bán ra.
Theo đó, các tín hiệu thị trường phiên 22/3 cho thấy VN-Index có thể sẽ trở lại trạng thái giằng co, không rõ xu hướng trong một vài phiên giao dịch tới. Mặc dù xu thế đi lên của VN-Index trong trung và dài hạn tương đối khả quan, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao. Nhà đầu tư tham gia thị trường trong giai đoạn này nên thận trọng và xác định mức giá cắt lỗ để bảo toàn vốn nếu thị trường có dấu hiệu giảm mạnh.
Sẽ tiếp diễn trạng thái giằng co
(CTCK Rồng Việt - VDSC)
Trái với không khí giao dịch sôi động của phiên trước, phiên 22/3 diễn ra trong sự giằng co tâm lý của cả bên mua và bên bán, lực cầu đã không đủ mạnh khiến chỉ số VN-Index điều chỉnh giảm nhẹ vào cuối phiên. Diễn biến phiên 22/3 cho thấy đà tăng của VN-Index đang bị hạn chế bởi sự suy yếu của các mã chủ chốt và nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng.
Theo quan sát của chúng tôi, dấu hiệu xả hàng mạnh vẫn chưa xuất hiện và các NĐT đang nắm giữ cổ phiếu vẫn khá kiên trì, trong khi đó bên mua đang cho thấy một tâm lý giao dịch thận trọng.
Chúng tôi, cho rằng xu hướng giao dịch giằng co nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trước khi thị trường đón nhận thêm thông tin hỗ trợ.
Hành động mua vào nên hạn chế
(CTCK Mirae Asset)
Hiện tượng đà tăng được duy trì trong phiên nhưng bất ngờ bị bán mạnh vào đợt giao dịch buổi chiều liên tiếp xuất hiện trong 2 phiên gần đây là yếu tố đáng quan tâm.
Nhiều khả năng dòng tiền chốt lời đang thoát ra khỏi những mã dẫn dắt trong đợt tăng này như VND, KLS, PVX…
Chúng tôi cho rằng, khi những mã dẫn dắt điều chỉnh, tâm lý thận trọng và lo lắng sẽ xuất hiện trên toàn thị trường chứ không chỉ đơn thuần tại các mã trên.
Do đó, NĐT nên thận trọng trong diễn biến phiên 23/3, hành động mua vào nên hạn chế và xem xét bán ra đưa tỷ trọng danh mục về mức an toàn (30% cổ phiếu).
Tạm thời dừng trạng thái mua vào
(CTCK Dầu khí - PSI)
Về mặt kĩ thuật, thị trường đang diễn biến theo chiều hướng tích cực khi điểm chỉ số không tăng mạnh, nhưng thanh khoản hiện đang được duy trì ở vùng tích cực.
Chỉ số HNX-Index đang tiến dần tới vùng kháng cự 80 điểm và có thể sẽ có áp lực bán xuất hiện trong một vài phiên. HNX-Index sẽ tiếp tục dao động khung 70 - 80 điểm chừng nào chưa xảy ra break out vượt kháng cự.
Một yếu tố nữa đáng chú ý là dòng tiền đang có chiều hướng phân bố lại, tạo nên sự phân hóa mạnh mẽ trên hai sàn. Nhiều cổ phiếu bluechips và một số mã ngân hàng đã chững đà tăng, chuyển sang trạng thái dao động ngang, ngược lại một số midcap và pennies khác lại đang nhận được sự quan tâm của dòng tiền.
NĐT có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện hữu, nhưng tạm thời dừng trạng thái mua vào nếu như thị trường tiếp tục tăng mạnh cận ngưỡng kháng cự kĩ thuật.
Theo DTCK