Từ ngày 1/9/2015, Nghị định số 60/2015/NĐ-CP cho phép các công ty đại chúng có thể nâng sở hữu nước ngoài (room) lên tối đa 100% nếu công ty không hoạt động trong ngành, nghề kinh doanh hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Sẽ tiếp tục tăng sức hút vốn ngoại bằng chính sách mới
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 19 công ty nâng sở hữu nước ngoài lên 100% và 1 công ty nâng lên 70%.
Để tăng sức thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, trong thời gian tới, ngoài tháo gỡ vướng mắc liên quan đến nới “room”, cần triển khai các giải pháp nhằm phát triển và nâng hạng thị trường chứng khoán.
Chuyển động chính sách trong mở cửa vốn ngoại
Kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán (TTCK), cơ quan quản lý luôn quan tâm đến việc cải thiện cơ chế chính sách theo hướng ngày một cởi mở hơn đối với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường.
Nếu như giới hạn sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết từ những ngày đầu chỉ ở mức 20% theo Quyết định số 139/1999/QĐ-TTg ngày 10/6/1999 của Thủ tướng Chính phủ thì 3 năm sau khi thị trường chứng khoán đi vào vận hành đã tăng lên 30% theo Quyết định số 146/2003/QĐ-TTg ngày 17/7/2003, sau đó tăng lên 49% theo Quyết định số 238/2005/QĐ-TTg ngày 29/9/2005 và Quyết định số 55/2009/QĐ-TTg ngày 15/4/2009.
Hiện nay, với quy định tại Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 của Chính phủ, công ty đại chúng có thể nâng sở hữu nước ngoài lên tối đa 100% nếu công ty không hoạt động trong ngành, nghề kinh doanh hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đây được coi là chính sách đột phá trong mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài, phù hợp với thông lệ quốc tế về việc quy định sở hữu nước ngoài căn cứ trên ngành nghề kinh doanh.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tỷ lệ góp vốn tối đa của tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài trong công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ tăng từ mức 30% (theo Quyết định số 139/1999/QĐ-TTg) lên 49% vốn điều lệ (Quyết định số 146/2003/QĐ-TTg).
Cũng theo quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài có thể nâng sở hữu đến 100% vốn điều lệ của một tổ chức kinh doanh chứng khoán. Đây là hướng mở nhằm mục tiêu tái cấu trúc khối tổ chức trung gian trên TTCK, tăng cường năng lực tài chính và tình hình quản trị công ty của các công ty này.
Bên cạnh đó, Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán, cổ phiếu không có quyền biểu quyết của công ty đại chúng, chứng khoán phái sinh, chứng chỉ lưu ký, trừ trường hợp điều lệ của tổ chức phát hành có quy định khác.
Mặt khác, thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài của công ty đại chúng cũng đã được quy định cụ thể tại Thông tư 123/2015/TT-BTC ngày 18/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam theo hướng đơn giản: Trên cơ sở công ty tự tra cứu ngành nghề kinh doanh trên cổng thông tin điện tử về đầu tư nước ngoài (http://dautunuocngoai.gov.vn), công ty gửi Thông báo về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Về cơ bản, các hồ sơ được xử lý nhanh, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Cũng theo quy định tại Thông tư số 123/2015/TT-BTC, thủ tục đăng ký mã số giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào TTCK Việt Nam đã được đơn giản tối đa, cụ thể: bỏ quy định về hợp pháp hóa lãnh sự; bỏ yêu cầu dịch đối với các tài liệu tiếng Anh đã được công chứng; bỏ yêu cầu dịch công chứng đối với các tài liệu tiếng Anh khác (chỉ những tài liệu bằng tiếng nước ngoài không phải là tiếng Anh mới phải dịch sang tiếng Việt trước khi nộp cho VSD). Các ngân hàng lưu ký toàn cầu có thể dùng điện SWIFT để thực hiện đăng ký mã số giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài.
Kể từ đầu năm 2016, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã áp dụng dịch vụ đăng ký mã số giao dịch chứng khoán trực tuyến, bảo đảm việc cấp mã trong vòng 1 ngày làm việc kể từ khi dữ liệu đăng ký được thành viên lưu ký nhập vào hệ thống.
Có thể nói, các quy định trên đã tháo gỡ một phần về dòng vốn đầu tư nước ngoài cho các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán; giảm thiểu thủ tục và chi phí cho các nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam; đồng thời ghi nhận những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc cải cách nền tảng pháp lý nhằm khơi thông dòng vốn đầu tư tham gia thị trường. Đây cũng được đánh giá là bước tiến quan trọng về nhận thức trong tư duy điều hành thị trường theo hướng cởi mở, hướng tới các thông lệ quốc tế.
Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Tính đến tháng 6/2017, trong số 1.789.757 tài khoản của nhà đầu tư có gần 20.600 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016. Trong năm 2017, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tiếp tục vào ròng. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đến cuối tháng 6/2017 đạt trên 22 tỷ USD, tăng 28% so với cuối năm 2016.
Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 10.272 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và 16 nghìn tỷ đồng trái phiếu (giá trị mua vào tương đương 104.135 tỷ đồng so với bán ra 78 nghìn tỷ đồng). Điều này cho thấy, TTCK Việt Nam ngày càng được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Trong 17 năm thành lập và phát triển của TTCK, số liệu cho thấy mức độ tham gia của khối nhà đầu tư nước ngoài tương đối lớn và ổn định, thể hiện qua dòng tiền và giá trị nắm giữ của khối ngoại.
Cụ thể, tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại trong các năm gần đây trên TTCK Việt Nam đạt trung bình khoảng 20%. Giá trị mua ròng gần đây của khối ngoại cũng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam do mức độ tăng trưởng tốt của nền kinh tế và TTCK.
Thời gian tới, việc Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh quá trình thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài; cùng việc đa dạng hóa sản phẩm (chứng khoán phái sinh, chứng quyền có bảo đảm...), tăng chất lượng hàng hóa và quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi, sẽ là những động lực phát triển quan trọng, góp phần thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Mục tiêu thu hút vốn ngoại
Hiện nay, tỷ lệ vốn hóa của TTCK trên GDP của Việt Nam mới đạt 56%. So sánh với các nước khác trong ASEAN cho thấy, quy mô của TTCK Việt Nam còn nhỏ, ví dụ vốn hóa trên GDP tại thị trường Thái Lan là 104%, Singapore 227%, Philippines 85%, Malaysia trên 100%...
Bên cạnh đó, mặc dù TTCK có những bước chuyển biến nhất định, tăng trưởng về vốn hóa, số doanh nghiệp niêm yết, nhưng con số hơn 20.600 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài so với 1,8 triệu tài khoản của nhà đầu tư (chỉ tương đương 1,2% số có tài khoản giao dịch chứng khoán) vẫn là một con số thấp, chưa như kỳ vọng so với tiềm năng lẫn nhu cầu thực tế của nhà đầu tư ngoại.
Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2017 - 2020 đã đặt ra mục tiêu: Tiếp tục đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức như quỹ hưu trí tự nguyện để hướng tới cầu đầu tư dài hạn trên thị trường vốn. Thu hút nhà đầu tư nước ngoài dài hạn, hoàn thiện hạ tầng công nghệ, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư trên TTCK.
Thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ nỗ lực triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK nhằm thu hút hơn nữa dòng vốn ngoại đầu tư gián tiếp vào Việt Nam, từ đó thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính và nền kinh tế.
Hai nhóm giải pháp
Thứ nhất là giải pháp về khung pháp lý, chính sách thu hút vốn nước ngoài trên TTCK. Nghị định số 60/2015/NĐ-CP đã cho phép các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài được nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên tối đa 100%. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai đến nay mới có 20 công ty chính thức được nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài (19 công ty nâng sở hữu nước ngoài lên 100% và 1 công ty nâng sở hữu nước ngoài lên 70%).
Thậm chí, có những doanh nghiệp không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhưng tự ấn định một tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhỏ hơn luật định; một số công ty còn xin giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài xuống dưới 15% như CVT, NTW…
Con số trên cho thấy, chính sách tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài còn chưa tác động sâu rộng đến các công ty đại chúng.
Điều này xuất phát từ các nguyên nhân như: Đa số công ty đại chúng đăng ký rất nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có những ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà pháp luật chuyên ngành chưa quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài; khi trở thành tổ chức có trên 51% vốn nước ngoài, theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2014, doanh nghiệp được đối xử như nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC).
Trong khi đối với các công ty niêm yết/đăng ký giao dịch thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty thường xuyên thay đổi.
Những vướng mắc trong vấn đề sở hữu nước ngoài trên TTCK hiện nay cần sự phối hợp đồng bộ từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan trong rà soát cụ thể tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện; cũng như cách ứng xử với các doanh nghiệp có trên 51% vốn nước ngoài (đã được quy định tại Luật Đầu tư).
Thứ hai là các giải pháp khác nhằm phát triển và nâng hạng TTCK. Cụ thể, tiếp tục tái cơ cấu cơ sở hàng hóa, tăng cung và cải thiện chất lượng nguồn cung trên TTCK, cụ thể là tăng quy mô và chất lượng hàng hóa trên TTCK thông qua việc nâng cao điều kiện niêm yết, tiêu chí của công ty đại chúng; thúc đẩy cổ phần hóa gắn với niêm yết và đăng ký giao dịch trên TTCK, nâng cao tính minh bạch công khai của các doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch.
Bên cạnh đó, vận hành thị trường chứng khoán phái sinh hiệu quả; phát triển các sản phẩm mới như chứng quyền có bảo đảm, quyền chọn chỉ số, quyền chọn trái phiếu và cổ phiếu, các sản phẩm liên kết đầu tư; tái cơ cấu cơ sở nhà đầu tư trên TTCK, phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, cải thiện chất lượng cầu đầu tư nhằm hướng tới cầu đầu tư bền vững.
Đồng thời, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức trung gian trên TTCK; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng quản trị hoạt động, quản trị rủi ro, nâng cao năng lực tài chính và chất lượng cung cấp dịch vụ của các tổ chức trung gian trên TTCK.
Ngoài ra, phối hợp và đề xuất với Ngân hàng Nhà nước các giải pháp đơn giản hóa thủ tục tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài, có các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho nhà đầu tư. Thúc đẩy doanh nghiệp thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), tuân thủ kỷ luật về công bố thông tin, hướng tới lộ trình yêu cầu một số công ty niêm yết quy mô lớn công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Những biện pháp trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của TTCK, giúp TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; là động lực để giúp nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, qua đó tăng sức thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.
TTCK đóng góp bình quân 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội
Từ những ngày đầu chỉ với 2 công ty niêm yết, thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay đã có hơn 700 công ty niêm yết, hơn 500 công ty đăng ký giao dịch cổ phiếu, với vốn hóa thị trường đạt 2.539.700 tỷ đồng, tương đương 56,4% GDP, tăng 25,7% so với cuối năm 2016 (tương đương 75% mục tiêu được đề ra trong Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2010 - 2020).
Khối lượng vốn huy động vốn qua TTCK trong 5 năm qua (2011-2016) đạt hơn 1,211 triệu tỷ đồng, gấp gần 4 lần quy mô huy động của giai đoạn 2006 - 2010, đóng góp bình quân 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng mức huy động trên TTCK thông qua phát hành cổ phiếu (cả phát hành riêng lẻ), đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu Chính phủ đạt 131 nghìn tỷ đồng, càng khẳng định vai trò của TTCK là một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, quy mô giao dịch trái phiếu Chính phủ đạt 8.052 tỷ đồng/phiên, tăng 25,2%; giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 4.511 tỷ đồng/phiên, tăng 48%.
Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Theo Đầu tư chứng khoán