Sự kiện hot
11 năm trước

Siết chặt kinh doanh vàng miếng: Giá vàng lao dốc, người dân bối rối

Dantin - Sau khi áp dụng quy định siết chặt việc kinh doanh vàng miếng (bắt đầu từ 10/1/2013), giao dịch vàng ở những điểm được phép kinh doanh đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, ở những điểm không được phép kinh doanh, vàng miếng vẫn được ngấm ngầm giao dịch dưới nhiều hình thức.

Dantin - Sau khi áp dụng quy định siết chặt việc kinh doanh vàng miếng (bắt đầu từ 10/1/2013), giao dịch vàng ở những điểm được phép kinh doanh đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, ở những điểm không được phép kinh doanh, vàng miếng vẫn được ngấm ngầm giao dịch dưới nhiều hình thức. Trong khi đó giá vàng liên tục đảo chiều và người dân rơi vào tình trạng bối rối do không biết đích xác đâu là điểm mua bán hợp pháp.

Mua, bán đều ảm đạm

Dạo qua các điểm kinh doanh vàng tại các phố Trần Nhân Tông, Hàng Bông (Hà Nội) vào mấy ngày nay, không khí giao dịch khá buồn tẻ, ngoại trừ tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu (29 Trần Nhân Tông) còn khá nhộn nhịp với đa phần là khách hàng truyền thống đến mua bán vàng trang sức. Theo ghi nhận của phóng viên Đời sống &Tiêu dùng, kể từ 10/1, tại nhiều cửa hàng vàng khác của Bảo Tín Minh Châu, tình trạng cũng tương tự do được cấp phép mua bán vàng miếng.

Nhiều cửa hàng vàng tại Q. Thanh Xuân (Hà Nội), không khí ảm đạm cũng tràn ngập. Chị Nguyễn Thu H. , chủ tiệm vàng T.H cho biết: Lượng khách đến giao dịch giảm tới 40%, chưa bao giờ cửa hàng lại vắng khách đến thế. Đây là thời điểm kinh doanh khó khăn nhất của cửa hàng”.

Bà Nguyễn T.L., chủ của 4 tiệm vàng trên đường Quang Trung (Q. Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết lượng khách mua vàng tại hệ thống trong 5 ngày đầu tiên có quy định siết chặt việc mua bán vàng miếng giảm 28% so với trước. “Đây là tâm lý khách hàng khi những quy định mới ban hành ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ”, bà L. nhấn mạnh. Theo bà, chắc chắn quy định mới ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh năm 2013 của các tiệm vàng mà bà sở hữu. “Có thể sẽ đóng cửa 2 trong số 4 tiệm vàng nếu tình hình thị trường tiếp tục diễn biến xấu”, bà L. cho biết

Người dân còn bối rối trước quy định mới: siết chặt kinh doanh vàng miếng

Tại cửa hàng vàng Phú Quý, một thương hiệu vàng khá nổi tiếng, không khí giao dịch cũng không còn sôi động, lượng khách hàng tới giao dịch có phần giảm so với những ngày trước. Không công bố con số chi tiết, nhưng đại diện Công ty VBĐQ Phú Quý - một trong những doanh nghiệp được cấp phép đợt này - cho biết: Khách hàng đến với Phú Quý sáng 14/1 nghiêng về giao dịch trang sức nhiều hơn.

Tại TP Hồ Chí Minh, theo ghi nhận của PV Đời sống &Tiêu dùng cũng diễn ra tình trạng tương tự. Các tiệm vàng quanh khu vực chợ Nguyễn Văn Trỗi như: Đông Đô, Ngọc Loan, Mỹ Dung... cũng đìu hiu khách giao dịch trong những ngày trung tuần tháng 1/2013.

Anh N.V. Lượng chủ một tiệm vàng tại Q.2 cho biết: Hơn 20 năm theo nghề vàng, chưa bao giờ anh thấy khó khăn như lúc này, phần vì kinh tế khó khăn công việc kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, phần vì người dân có nhiều kênh đầu tư tích trữ ngoài việc giữ vàng... cho nên trong năm nay, anh Lượng tính đến chuyện đóng cửa hàng, bỏ nghề bấy lâu đeo đuổi. “Tôi mà bước ra khỏi quầy vàng rồi thì cũng chẳng biết làm gì để sống nữa!”, anh Lượng chia sẻ.

Tại tiệm vàng Ngọc Loan, bà chủ đã ngoài 70 tuổi cho biết: Hơn 30 năm theo nghề kinh doanh vàng với cả gia đình 9 người con đều tập trung làm nghề vàng, nhưng đến thời điểm này bà đã chính thức khuyên các con mình kiếm công ăn việc làm khác, không trông chờ vào việc kinh doanh vàng nữa. Hiện cửa hàng vàng Ngọc Loan chủ yếu đánh bóng nữ trang và bán khánh vàng.

Giá vàng lao dốc

Năm ngày sau khi Nghị định 24 có hiệu lực (tính đến chiều 14/1), giá vàng miếng trong nước đã lao về vùng giá 44 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá cũng giảm còn hơn 2 triệu đồng/lượng. Theo các chuyên gia, giá vàng sẽ còn giảm để bám sát giá thế giới. Cụ thể, đầu sáng 14/1, giá vàng SJC (mua vào) đã giảm 1 triệu đồng/lượng, chính thức mất mốc 44 triệu đồng/lượng; khoảng cách giữa giá mua vào - bán ra chênh nhau tới 500.000 đồng/lượng.

Đến 14h ngày 14/1, sau phiên lao dốc không phanh đầu giờ sáng, giá vàng miếng trong nước đã lấy lại được khoảng 400.000 đồng/lượng, lên mức 44,1 triệu đồng/lượng - 44,4 triệu đồng/lượng. Khoảng cách chênh lệch giữa mua vào - bán ra từ mức 500.000 đồng/lượng cũng được thu hẹp về mức 300.000 đồng/lượng.

Nghị định 24 chỉ cho phép khoảng 2.500 điểm kinh doanh vàng miếng trên cả nước

Và đến 15h cùng ngày, giá vàng SJC tăng tiếp 200.000 đồng/lượng, lên mức 44,38 - 44,6 triệu đồng/lượng, nhưng so với phiên sáng thứ 7 tuần trước, giá vàng hiện thấp hơn 700.000 đồng/lượng. Khoảng cách chênh lệch so với giá vàng thế giới lại lên mức 2,6 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng trong nước biến động phức tạp, liên tục thu hẹp khoảng cách so với giá vàng thế giới.

Chuyển hướng, giao dịch ngầm

Theo Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng chính thức có hiệu lực từ 10/1. Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước cấp sẽ không được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Theo Thông tư này, 2.497 điểm kinh doanh vàng miếng trên cả nước thuộc 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ chính thức thay thế hàng chục nghìn cửa hàng vàng (gần 6.000 điểm) không đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng.

Ngay từ sáng 10/1, hầu như tất cả tiệm vàng không được cấp phép mua bán vàng miếng SJC đều không niêm yết giá vàng miếng SJC trên bảng giá, bảng điện tử chỉ hiển thị giá vàng bốn số 9, vàng nữ trang 24K và 18K. Nhiều tiệm vàng khu vực TP. HCM cũng như Hà Nội còn tắt luôn bảng giá, hoặc rút bảng giá vào trong tiệm, không trưng bày như trước. Tuy nhiên, việc không niêm yết bảng giá chỉ là động tác giả vì việc mua bán vàng miếng SJC vẫn diễn ra như bình thường. Tại Trung tâm vàng bạc đá quý Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NHNN&PTNT) (178-182 Lê Thánh Tôn, Q.1), chỉ có quầy của NHNN&PTNT được cấp phép mua bán vàng miếng, những quầy còn lại chỉ được phép mua bán nữ trang nhưng hầu như chẳng có đơn vị nào tuân thủ quy định của NH Nhà nước.

Chủ một tiệm vàng tại Hàng Bạc (Hà Nội) tiết lộ gần đây đã kiếm được kha khá nhờ mua bán nhẫn tròn trơn. Hiện nay giá vàng nhẫn tại các tiệm vàng tương đương giá vàng thế giới quy đổi, xấp xỉ 42 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên do tuổi thật của vàng nhẫn tại các tiệm vàng chỉ ở mức hai số 9, thay vì bốn số 9 nên mỗi lượng vàng được bán ra, các tiệm vàng “bỏ túi” 460.000 đồng, chưa kể chênh lệch giữa giá mua - bán lên đến 60.000-70.000 đồng/chỉ.

Tâm lý e ngại khi mạng lưới kinh doanh vàng miếng SJC bị thu hẹp cộng với giá vàng miếng chênh lệch quá cao so với giá vàng thế giới đã thúc đẩy nhiều người dân trở lại với vàng nhẫn. Chị Hằng, một người mua vàng nhẫn tại một tiệm vàng trên đường Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội), cho biết chị đã chuyển sang vàng nhẫn vì giá rẻ và dễ dàng mua bán tại các tiệm vàng. Tuy nhiên theo các chuyên gia, mua vàng nhẫn rất rủi ro vì trừ một số thương hiệu vàng có tên tuổi, vàng nhẫn hiện nay do tiệm vàng tự chế tác nên chất lượng cũng như độ tuổi do các tiệm vàng này định đoạt. Tuổi của vàng nhẫn cũng không đồng đều, có nơi quy định vàng nhẫn là 9,5 tuổi, 9,6 tuổi, có nơi lại là 9,8 tuổi. Do vậy mua đâu bán đấy, đến nơi khác không bán được hoặc bị ép giá.

PV Đời sống &Tiêu dùng sẽ tiếp tục phản ánh những diễn biến của thị trường và tâm lý người dân cùng với ý kiến chuyên gia về quy định siết chặt việc kinh doanh vàng miếng.

Tập trung thanh tra kiểm soát thị trường vàng

“Tập trung thanh tra lĩnh vực tài chính, ngân sách, ngân hàng, chứng khoán, quản lý thị trường vàng... là những nhiệm vụ trọng tâm của Thanh tra Chính phủ (TTCP) trong năm 2013”, Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ quý 4/2012 tổ chức tại Hà Nội ngày 10-1.

Để thực hiện nhiệm vụ thanh tra này, TTCP đã lập kế hoạch triển khai các cuộc thanh tra trong năm 2013. Trong đó điển hình là các cuộc thanh tra về công tác quản lý của Ngân hàng Nhà nước về thị trường vàng; công tác quản lý của Ủy ban Chứng khoán về thị trường chứng khoán; công tác quản lý tạm nhập tái xuất của Bộ Công thương; thanh tra tại Tổng công ty Xăng dầu VN, Ngân hàng Chính sách xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia việc làm do Bộ LĐ-TB&XH quản lý...

Theo ông Khánh, thanh tra về thị trường vàng, thị trường chứng khoán là nội dung mới và thanh tra sẽ phải làm rất nhiều việc về công tác quản lý cũng như kinh doanh của các doanh nghiệp.

Bài và ảnh  Đ.Tú

Từ khóa: