Thời gian qua, rượu giá rẻ trôi nổi trên thị trường khá nhiều, người tiêu dùng không thể tự phân biệt đâu là rượu đạt hay không đạt chất lượng, do đó khó có thể tránh khỏi rượu có chứa methanol.
Báo động tình trạng ngộ độc rượu
Từ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay đã có 15 người tử vong và hàng trăm ca cấp cứu tại bệnh viện do ngộ độc rượu, trong đó nhiều vụ ngộ độc tập thể như vụ xảy ra ở Phong Thổ (Lai Châu) ngày 13/2/2017 đã làm 69 người bị ngộ độc, trong đó có 9 người bị tử vong; vụ các sinh viên ở quận Cầu Giấy (Hà Nội)…
Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân của việc ngộ độc rượu là do các nạn nhân sử dụng các loại rượu tự pha chế, không rõ nguồn gốc, có chứa methanol vượt quá ngưỡng cho phép, thậm chí có trường hợp lượng methanol vượt ngưỡng đến hàng ngàn lần, dẫn đến tử vong. Tình trạng lạm dụng rượu và ngộ độc rượu có chứa methanol đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Tại tọa đàm “Ngộ độc rượu methanol, thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội lý giải nguyên nhân khiến rượu có chứa methanol là do dùng nguyên liệu có nhiều tạp chất hoặc sản xuất rượu theo phương pháp lên men thủ công. Đặc biệt, việc dùng cồn công nghiệp có lượng methanol cao để pha chế, loại rượu này rất rẻ tiền nhưng mức độ độc rất cao và thường gây chết người...
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng nghìn lít rượu không rõ nguồn gốc. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Thông tin từ Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho biết từ đầu tháng 3 đến nay, lực lượng chức năng đã thu giữ khoảng gần 80.000 lít rượu không rõ nguồn gốc, có 02 vụ, Chi cục đã chuyển cho cơ quan công an điều tra. Qua kiểm tra, có hộ sản xuất khai rằng đã pha 15% methanol vào rượu để nâng cao độ cồn của rượu… Số hộ nấu rượu có giấy phép đăng ký sản xuất là rất ít.
Dù cơ quan chức năng cũng như truyền thông đã liên tục đưa ra những cảnh báo về tác hại của việc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, tuy nhiên có một thực tế đáng buồn được ông Nguyễn Phú Cường – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) chia sẻ tại tạo đàm nói trên là trong khi rượu được sản xuất tại các nhà máy đảm bảo chất lượng, công nghệ thiết bị hiện đại đang giảm sản lượng thì các loại rượu không rõ nguồn gốc, rượu dân tự nấu lại tăng lên. Thực trạng này không chỉ khiến nhà nước thất thu thuế mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Siết chặt quản lý
Nhằm kiểm soát tình hình đang có xu hướng diễn biến phức tạp của việc sử dụng rượu tràn làn, đặc biệt là rượu không nguồn gốc, rượu có chứa methanol … các chuyên gia nhìn nhận vấn đề chính là phải kiểm soát, quản lý được rượu dân tự nấu, rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc đang trôi nổi trên thị trường.
Ngày 10/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 371/CĐ-TTg về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu. Trên cơ sở đó, ngày 14/3/2017, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức.
Đối với vấn đề kinh doanh rượu, Bộ Công Thương yêu cầu các Chi cục Quản lý thị trường chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ, bán tại các cửa hàng ăn uống…) đặc biệt là rượu sản xuất thủ công. Chú trọng kiểm tra, phát hiện các hành vi sản xuất rượu giả, sử dụng cồn công nghiệp, sử dụng nguyên liệu bị cấm để pha chế rượu, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, vi phạm về ghi nhãn, quảng cáo, vi phạm về công bố hợp quy và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng người tiêu dùng, góp phần ngăn chặn các vụ ngộ độc rượu diễn ra trên địa bàn.
Đối với vấn đề rượu có chứa methanol, ngày 24/3, tại buổi làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương về tình hình quản lý, sản xuất và kinh doanh liên quan đến hóa chất nguy hại methanol, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực hóa chất của Bộ Công Thương không yêu cầu bộ này đến kiểm tra từng cửa hàng kinh doanh mà là kiểm tra việc chấp hành pháp luật ở địa phương trong lĩnh vực đó, nghĩa là “kiểm tra đơn vị đi kiểm tra”.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, quản lý hóa chất, đặc biệt là hóa chất trong danh mục nguy hiểm, bị cấm hiện còn nhiều lỗ hổng, bất cập. Do đó, để tạo môi trường kiến tạo, giảm bớt các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân, cần tăng cường công tác hậu kiểm và phân cấp quản lý cho các địa phương.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, rượu tự nấu chiếm tỷ lệ 70%, do đó cần quản lý chặt loại rượu này. Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cần kiểm tra kỹ khung khổ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này như Luật Hóa chất, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, các Nghị định, Thông tư liên quan…; kiểm tra công tác quản lý nhà nước của các sở công thương; phối hợp hoặc không phối hợp với các địa phương kiểm tra đột xuất hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất tại một vài điểm…
Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý của Nhà nước, một số chuyên gia cũng kiến nghị để tăng cường kiểm soát sản xuất kinh doanh rượu, cần sự vào cuộc quyết liệt cũng như nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Đồng thời những người thực thi pháp luật phải vào cuộc nghiêm minh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể truy tố theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm trước cấp trên nếu để ra các vụ ngộ độc rượu.
theo Công lý