Sự kiện hot
11 năm trước

Siêu lợi nhuận từ việc mở game online “chui”

Theo số liệu từ Bộ Thông tin - truyền thông, tính đến năm 2012, trong số hơn 200 game online đang hoạt động tại Việt Nam hiện mới chỉ có 76 game được cấp phép.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin - truyền thông, tính đến năm 2012, trong số hơn 200 game online đang hoạt động tại Việt Nam hiện mới chỉ có 76 game được cấp phép.

“Nấm mọc sau mưa”

Một trong những cổng game lớn phát hành game không phép ở thị trường trong nước hiện nay là game5. vn của Công ty TNHH MTV phần mềm Siêu Sao.

Tại đây hiện có hơn mười game, nếu so với danh sách các game đã cấp phép do Bộ Thông tin - truyền thông công bố trên trang chủ mic. gov. vn thì tất cả đều chưa có phép. Cụ thể danh sách các game này gồm có Hải tặc, Hải tặc 2, Vạn chiến, Bá nghiệp Xuân thu, Nhất kiếm, Ỷ thiên, Chiến quốc. . .

Một địa chỉ khác cũng tràn ngập game không phép là gamekiemhiep. vn với các tựa game như: Giang hồ truyền kỳ, Võ hiệp truyền kỳ, Khuynh thành. Mặc dù tại địa chỉ trang web này không ghi cụ thể tên công ty nhưng theo dữ liệu của Trung tâm Internet Việt Nam VNNIC, đơn vị sở hữu cổng game này là Công ty cổ phần Tầm Tay, trụ sở tại Hà Nội.

Tuy nhiên, địa chỉ nct. vn của Công ty cổ phần NCT mới là nơi cung cấp nhiều tựa game không phép nhất hiện nay. Đây là cổng game chuyên phát hành lại game của các công ty đang phát hành game trong nước, theo thuật ngữ ngành gọi là channeling (hợp tác phát triển cộng đồng) và đang thu hút hàng triệu người chơi.

Tại cổng game này có trên 20 webgame và đa số đều là game không phép như Giáng ma thiên, Rồng, Ninja 2, Tam quốc chiến, Hải tặc 2, Ngũ long truyền kỳ. . . Ngoài ra, trên thị trường còn có hàng loạt game không phép khác như DBO game - dạng cài trên máy tính - và webgame Đông phong của Like. vn hay Tiên kỷ của FPT online. . .

Đó là chưa kể hàng loạt game của các nhà phát hành đến từ Trung Quốc như KoramGame, LemonGame. . . cũng hoàn toàn không có phép.


Ảnh minh họa

Năm 2010, Bộ Thông tin - truyền thông đã đưa ra các giải pháp tạm thời về quản lý game online nhằm hạn chế các tệ nạn gây ra cho xã hội, trong đó có việc hạn chế cấp phép game tại thị trường trong nước.

Thế nhưng thực tế số lượng công ty game lẫn game mới trong những năm qua vẫn tăng lên nhanh chóng thay vì giảm đi từ các giải pháp này. Nếu như ở thời điểm năm 2010, số lượng nhà phát hành game trong nước chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó nổi bật có các công ty lớn như Vinagame (giờ là VNG), VTC Game, FPT online, Asiasoft, Sgame. . . thì từ năm 2011 trở đi, số lượng nhà phát hành game đã mọc lên như nấm.

Cụ thể, hàng loạt các nhà phát hành game mới xuất hiện như SohaGame của Công ty cổ phần truyền thông VCCorp, nhà phát hành Like. vn, SSgroup, Tầm Tay, NCT, Sunsoft, CMN, FTC online với thương hiệu Tikgame. . . Ngoài ra trên thị trường còn xuất hiện một số nhà phát hành có nguồn gốc từ Trung Quốc như KoramGame, LemonGame, hay Công ty cổ phần Tuyệt Phẩm (chi nhánh của Changyou Trung Quốc). . .

“Vượt rào” vì siêu lợi nhuận

Theo các chuyên gia trong ngành, việc nhà phát hành game cùng với số lượng game online tăng mạnh liên tục bất chấp những quy định, biện pháp của Nhà nước là điều không khó hiểu.

Đó là vì lợi nhuận từ game online mang lại quá cao (theo thống kê, trung bình một game online hiện nay doanh thu ít nhất phải trên 500 triệu đồng/tháng). Đặc biệt trong hoàn cảnh kinh tế khủng hoảng, siêu lợi nhuận đã khiến nhà nhà, người người đổ vào làm game tại Việt Nam. Từ đó, các nhà phát hành từ chỗ tìm mọi cách lách luật đã liều “vượt rào” hòng đưa game ra thị trường.

Theo tiết lộ từ đại diện một nhà phát hành game online (đề nghị không nêu tên), trong thời gian nửa cuối năm 2010 đến hết năm 2011, các quy định quản lý tại thông tư liên tịch số 60 về quản lý trò chơi trực tuyến chưa đưa vào quy định về các trò chơi có máy chủ từ nước ngoài phát hành ở thị trường trong nước.

Các công ty game đã tiến hành phát hành game theo danh nghĩa game quốc tế phiên bản Việt thông qua sử dụng các trang chủ có tên miền quốc tế . net, . com. . . Càng về sau, các công ty game đã hoạt động công khai hơn khi đưa ra các cổng game và không ngần ngại đưa game của mình lên đó để phát hành dù chưa được cấp phép.

Một chiêu lách luật tinh vi nữa là nhà phát hành hoàn toàn giấu bặt tin tức của mình khi phát hành game ở Việt Nam. Rõ ràng nhất hiện nay có thể kể đến là nhà phát hành Dzogame, có địa chỉ tại Dzogame. com. Đây là một cổng game có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng đang phát hành hàng loạt game không phép tại Việt Nam.

Đặc biệt tại đây có cả game có tính chất bạo lực đã bị cơ quan chức năng yêu cầu đóng cửa tại thị trường trong nước như Sudden attack. Mặc dù có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng công ty này đang sử dụng hệ thống thẻ nạp vào game là hệ thống thẻ của các nhà mạng trong nước như MobiFone, Vinaphone, Viettel, hay thẻ ATM của ngân hàng. . . (!?).

Một điều đáng nói nữa là các game không phép hiện nay lại đang được tuyên truyền một cách rộng rãi trong nước thông qua hệ thống các trang thông tin điện tử chuyên về game như Genk/Gamek. vn của Công ty cổ phần truyền thông VCCorp, Playpark. vn của Công ty Asiasoft, Game8. vn của Công ty VTC Game. . .

theo Tuổi trẻ

Từ khóa: