Ra ngoài quên tắt đèn, đang lái xe muốn trả lời tin nhắn hay gọi mà bận… tất cả những việc làm trên chỉ cần dùng giọng nói điều khiển để trợ lý ảo Umind làm thay.
Trợ lý ảo Umind được nhóm giảng viên và sinh viên trường ĐH Công nghệ Thông tin – ĐH Quốc gia TP HCM sáng tạo thành công sau 5 năm nghiên cứu.
Theo anh Nguyễn Việt Quốc, giảng viên trường ĐH Công nghệ Thông tin, khi còn là sinh viên anh chứng kiến những người già, người tàn tật khó khăn khi sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại hay tài xế phải dùng điện thoại gọi điện, nhắn tin rất nguy hiểm khi đi lại trên đường…
Từ đó anh đã “thai nghén” trong đầu sáng tạo một trợ lý ảo, người sử dụng chỉ cần nói và ứng dụng làm thay hết công việc mà không phải tương tác bằng tay.
Hình ảnh thực tế ứng dụng Umind đang xử lý yêu cầu của người dùng
“Hiện nay trên thị trường cũng đã có những trợ lý ảo tiên tiến, tuy nhiên tôi muốn tạo ra một trợ lý ảo dành riêng cho người Việt. Có thể nghe, hiểu và trả lời bằng tiếng Việt”, anh Quốc chia sẻ.
Sau khi có ý tưởng, anh Quốc đã cùng nhóm sinh viên của mình lên kế hoạch chi tiết việc sáng tạo. 5 năm “thai nghén” cùng 5 tháng thảo luận, viết ứng dụng, cuối cùng nhóm anh Quốc cũng đã thành công để đưa Umind ra đời thực.
Theo đó, Umind gồm có 3 phần gồm: phần chuyển giọng nói sang văn bản, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và chuyển văn bản sang giọng nói. Mỗi phần có một mô đun điều khiển riêng biệt.
Khó khăn nhất trong quá trình sáng tạo là sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt cho Umind bởi tiếng Việt rất khó và phức tạp.
Nhóm giảng viên sinh viên trường Đại Công nghệ Thông tin - ĐH Quốc gia TP HCM chế tạo Umind. Ảnh: Nhóm cung cấp
Chính vì thế nhóm đã nghiên cứu và sử dụng một ứng dụng mang tên Deep learning. Với ứng dụng này, Umind có thể học từ người dùng khi được điều khiển. Quá trình học hỏi này giúp Umind thông minh hơn xử lý yêu cầu của người dùng mà không phải lập trình những yêu cầu giới hạn ban đầu.
Hiện tại, Umind có thể xử lý việc gọi điện, nhắn tin, chỉ đường đi, báo thức, lên kế hoạch làm việc…
Ví dụ như gọi điện, chỉ cần người dùng dùng giọng nói đọc tên của người cần gọi trong danh bạ hay đọc số điện thoại. Sau đó Umind sẽ thực hiện việc gọi điện. Đối với việc nhắn tin, người dùng đọc nội dung Umind sẽ viết chữ rồi gửi.
Hay báo thức, người dùng dùng giọng nói nói: “Hãy báo thức tôi lúc 4h sáng”, sau đó Umind sẽ thực hiện ngay trên màn hình cho người dùng thấy. Việc báo thức sau đó hoàn toàn diễn ra tự động.
Đặc biệt, nhóm anh Quốc đã nghiên cứu và áp dụng thành công tính năng kết nối Umind với thiết bị IOT cũng như các thiết bị điện trong nhà. Nếu ra khỏi nhà quên tắt điện, điều hòa… chỉ cần nói với ứng dụng để tắt mà không phải lật đật chạy về.
Hiện Umind đang được nhóm anh Quốc cho người dùng thử nghiệm, trong tương lai nếu Umind hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu người dùng thì nhóm mới tính đến việc xây dựng mô hình kinh doanh.
Văn Luận - Tao Đàn
Theo ĐSPL, Vietnammoi