Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Sợi Thế Kỷ (STK) báo lãi gần 70 tỷ đồng trong quý II/2022

Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản đạt gần 2.107 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu kỳ. Tổng tiền, tương đương tiền cuối quý II là 531,2 tỷ đồng, chiếm khoảng 1/4 tài sản. Hàng tồn kho hơn 476 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, chủ yếu là nguyên vật liệu và thành phẩm. Tài sản cố định là 756 tỷ đồng, giảm 6,2% so với đầu năm.

CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 ghi nhận doanh thu 529,5 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng 3,3% lên 424,5 tỷ đồng kéo theo biên lãi gộp được cải thiện từ 19,4% lên 19,8%.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính ghi nhận 5,5 tỷ đồng, tăng 139%. Chi phí tài chính tăng đột biến lên 15,2 tỷ đồng, gấp 47 lần quý II/2021 do lỗ chênh lệch tỷ giá. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 28,7% và 23,1%.

Kết quả, sau khi trừ đi các loại chi phí, Sợi Thế Kỷ ghi nhận lợi nhuận sau thuế 69,4 tỷ đồng giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. EPS cũng giảm từ 1.000 đồng còn 981 đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Sợi Thế Kỷ đạt 1.169 tỷ đồng, tăng 8,6% so với nửa đầu năm trước. Trong kỳ, công ty đã ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 17,1 tỷ đồng, trong khi năm ngoái là 209,6 triệu đồng khiến chi phí tài chính tăng 492% lên 20,1 tỷ đồng. Chính khoản lỗ này đã ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế quý II cũng như nửa đầu của đơn vị này. Lãi sau thuế 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp dệt may này đạt 145,6 tỷ đồng, tăng 3,3%.

Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản đạt gần 2.107 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu kỳ. Tổng tiền, tương đương tiền cuối quý II là 531,2 tỷ đồng, chiếm khoảng 1/4 tài sản. Hàng tồn kho hơn 476 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, chủ yếu là nguyên vật liệu và thành phẩm. Tài sản cố định là 756 tỷ đồng, giảm 6,2% so với đầu năm.

Nhiều gam màu khởi sắc trong năm 2022

Theo Sợi Thế Kỷ, quý I/2022, thị trường đã phục hồi tốt sau khi tình hình dịch bệnh đã ổn định, Công ty đẩy mạnh các hoạt động nhận, sản xuất đơn hàng, đẩy mạnh bán hàng tồn kho và linh hoạt trong chính sách giá.

Trong thời gian còn lại của năm 2022, mặc dù chi phí nguyên vật liệu đầu vào và giá cước tàu biển có xu hướng tăng và còn diễn biến phức tạp, nhưng điều kiện kinh doanh năm nay cũng được đánh giá còn nhiều thuận lợi, khi dự báo Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến chính của các nhà nhập khẩu, hãng bán lẻ trên thế giới nhờ vào xu hướng dịch chuyển nguồn cung ứng dệt may của các nhãn hàng thời trang dần ra khỏi Trung Quốc, trong khi khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia xuất khẩu khác như Bangladesh, Myanmar đã được cải thiện tốt hơn nhờ tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao, ổn định chính trị và ưu đãi thuế quan dựa trên các hiệp định thương mại đã ký EVFTA, CPTPP, RCEP...

Việc chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam cùng với xu hướng tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường như sợi tái chế, sợi nhuộm dope dyed của các thương hiệu hàng đầu như Nike, Adidas, H&M, Uniqlo được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu sợi trong nước lên cao hơn để đáp ứng quy tắc xuất xứ theo các FTA, nhu cầu về sợi thân thiện với môi trường giúp hoạt động kinh doanh của Sợi Thế Kỷ hưởng lợi.

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, lãnh đạo Công ty cho biết, tình hình kinh doanh còn có thuận lợi từ việc Việt Nam áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sợi nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, giúp sản phẩm của Công ty tăng lợi thế cạnh tranh. Tại thị trường Mỹ, Sợi Thế Kỷ chỉ bị áp mức thuế chống bán phá giá tương đối thấp (2,58% so với các công ty khác khoảng 20%), giúp tăng lợi thế cạnh tranh.

Cũng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa tổ chức, Ban lãnh đạo Sợi Thế Kỷ đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 13,5 triệu cổ phiếu với giá chào bán dự kiến chiết khấu khoảng 7-10% so với thị giá tại thời điểm phát hành. Công ty cũng sẽ bán ra 1,5 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ. Ước tính thận trọng ở mức 50.000 đồng/cổ phiếu, Sợi Thế Kỷ có thể thu về tổng cộng 750 tỷ đồng từ việc phát hành và bán cổ phiếu quỹ này.

Số tiền thu được, Công ty sẽ bổ sung vốn lưu động và đầu tư, trong đó đáng chú ý là Dự án nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex. Đây là dự án doanh nghiệp lên phương án đầu tư cùng đối tác nước ngoài từ năm 2015, nhưng sau đó dừng lại và được thông báo khởi động lại từ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.

Dự án nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex có tổng công suất 60.000 tấn, tập trung vào phân khúc sợi tái chế, sợi chất lượng cao và sợi đặc biệt. Dự án có tổng đầu tư khoảng 120 triệu USD,  được xây dựng theo 2 giai đoạn: giai đoạn I, công suất 36.000 tấn, khởi công trong năm 2021, đến 2023 đưa vào vận hành. Giai đoạn II, công suất 24.000 tấn, thực hiện từ năm 2023 đến 2025.

Song, do ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh, dẫn đến khó khăn trong việc xin giấy phép đầu tư, khiến giai đoạn I của Dự án bị trì hoãn. Công ty dự kiến nhận được giấy phép đầu tư và bắt đầu xây dựng từ quý II năm nay để đi vào hoạt động trong quý III/2023. 

Được biết, giai đoạn I của Dự án nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex có chi phí đầu tư cơ bản là 1.725 tỷ đồng (75 triệu USD), các sản phẩm chính bao gồm sợi tái chế (60%), sợi đặc biệt (20%) và sợi nguyên sinh chất lượng cao (20%). Sau khi đi vào hoạt động, công suất của Sợi Thế Kỷ sẽ tăng 60% so với hiện tại.

Lan Anh
Theo KTDU

Từ khóa: