Sự kiện hot
9 năm trước

Sơn Đoòng: Kỷ lục và “giá”… 200 triệu

200 triệu đồng, theo cách gọi của dân marketing là khoản “đầu tư ban đầu”, để được WorldKings công nhận "kỷ lục", có thể chỉ là con số nhỏ so với giá trị thặng dư khổng lồ về sau...

“Kỷ lục” và 200 triệu đồng là hai chi tiết quan trọng liên quan đến hang Sơn Đoòng, quần thể hang động Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) đang được truyền thông quan tâm đưa tin những ngày này.

Tuy nhiên, đó không phải không khí rộn ràng, náo nức của cánh phóng viên văn hóa du lịch khi lần đầu tiên Sơn Đoòng xuất hiện trực tiếp trên sóng ABC News vào thời điểm tháng 5/2015. Không phải sự hồi hộp xen lẫn tự hào của dân biên dịch báo điện tử ngồi “canh” trước màn hình máy tính để làm live chương trình Good Morning America sao cho không bị sót lọt những cảnh quay tuyệt vời bằng flycam của Sơn Đoòng, hang Én. Và cũng không phải niềm đam mê khám phá, tìm tòi thông tin độc, lạ, chi tiết nhất của đội ngũ ban biên tập các báo về hang động tự nhiên lớn nhất thế giới ẩn chứa đầy bí ẩn chưa được khám phá này…

 


Hang Sơn Đoòng - một kỳ quan thiên nhiên ẩn chứa nhiều bí ẩn chưa được khám phá. Ảnh: Youtube

 

200 triệu cho hai chữ “kỷ lục”?

Kỳ quan bí ẩn của tự nhiên Sơn Đoòng đang được đặt cạnh con số 200 triệu trên nhiều tít báo cùng hai chữ… “kỷ lục”. Các đối tượng khách thể liên quan đến Sơn Đoòng, gồm UBND tỉnh Quảng Bình, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) và Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) thuộc Hội Kỷ lục gia Việt Nam, thì “nói qua nói lại”, giải thích, viện dẫn mục đích, lý do, chứng tích… chứng minh cho lập luận của mỗi bên.

Theo lý giải của đại diện UBND tỉnh Quảng Bình, VietKings đã email cho VQG Phong Nha - Kẻ Bàng về việc hướng dẫn làm hồ sơ và bảng dự trù kinh phí 200 triệu đồng để WorldKings đưa hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng vào Top 100 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, tuy nhiên đã bị từ chối.

Lý do mà phía Quảng Bình đưa ra trên nhiều báo là Sơn Đoòng đã được Tổ chức Guinness Thế giới công nhận là hang động lớn nhất thế giới, cũng như được nhiều tổ chức, tạp chí khoa học, hãng truyền thông uy tín khác vinh danh; đặc biệt, tour du lịch mạo hiểm đến Sơn Đoòng đã được du khách trên toàn thế giới đặt kín chỗ cho đến nhiều năm sau, nên không nhất thiết phải có thêm chứng nhận là “điểm đến hấp dẫn” của tổ chức WorldKings!?

Thế nhưng, mới đây VietKings đã đăng tải thông cáo báo chí nêu rõ, việc gửi bảng dự trù chi phí xác lập trực tiếp kỷ lục thế giới cho “Hang Sơn Đoòng là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới tại Quảng Bình” được thực hiện sau khi VietKings nhận được phản hồi từ VQG Phong Nha - Kẻ Bàng yêu cầu cung cấp thông tin về chi phí liên quan đến việc này; đồng thời liệt kê chi tiết một loạt khoản phí tổng cộng gần 200 triệu đồng phục vụ cho quy trình kể trên.

VietKings khẳng định, 200 triệu này hoàn toàn thuộc về WorldKings, đồng thời cho biết, VietKings không chỉ không thu bất kỳ khoản phí nào mà còn sẽ hỗ trợ một số chi phí khác với mong muốn “tạo mọi điều kiện để xác lập kỷ lục thế giới cho Hang Sơn Đoòng trong thời gian sớm nhất” (!?).

 


Hang Sơn Đoòng là điểm đến lý tưởng của du khách ưa thích khám phá, mạo hiểm. Ảnh: Internet

 

Loạn… kỷ lục!

Cách đây khoảng hơn 10 năm, khi truyền hình Việt Nam phát sóng số đầu tiên chương trình Kỷ lục Việt Nam, khán giả vô cùng thích thú. Những thông tin kỳ lạ ở trong nước thay vì chỉ được nghe kể lại, được đọc trên báo thì qua màn hình tivi, mọi thứ chân thực, sống động và đáng tin hơn rất nhiều. Đặc biệt, trong khi Thế giới 360 độ nghiêng, hay Kỷ lục Thế giới có lẽ quá xa xôi với bà con vùng nông thôn quanh năm gắn với ruộng đồng, thời điểm đó, bên cạnh các gameshow ăn khách khác, Kỷ lục Việt Nam được đánh giá là món ăn tinh thần mới lạ, hấp dẫn. Mọi người vừa xem vừa bàn tán sôi nổi, bên cạnh khoảnh khắc thót tim vì sợ hãi, có những người lại ồ, à lên vì kinh ngạc…

Theo thống kê của VietKings nhân sự kiện tròn 10 năm hành trình tìm kiếm và tôn vinh những giá trị kỷ lục Việt Nam (2004 - 2014), trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn, đã có hơn 1.500 kỷ lục gia trên toàn quốc được xác lập. Với mục đích “truyền tải, quảng bá hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam đồng thời tôn vinh những giá trị tiêu biểu, bền vững, xuất sắc của các cá nhân và đơn vị kỷ lục gia” (theo bài viết Hành trình Tôn vinh những giá trị Kỷ lục Việt Nam đăng tải trên website của VietKings), mức độ phủ sóng của “kỷ lục Việt Nam” đến nay ngày càng trở nên rộng mở trên nhiều lĩnh vực và đối tượng.

Đơn cử như, chiếc bánh Pizza to nhất Việt Nam, làm sạch chiếc áo lớn nhất trong thời gian ngắn nhất, với số lượng người nhiều nhất, chiếc võng xếp kỷ lục, đòn bánh phồng tôm lớn nhất Việt Nam, chiếc bánh tét dài nhất Việt Nam, chiếc bánh xèo lớn nhất Việt Nam, chiếc bánh gato lớn nhất Việt Nam, nồi lẩu lớn nhất Việt Nam… Thậm chí, không chỉ trẻ con mà cả người lớn hẳn sẽ tròn mắt kinh ngạc khi được chứng kiến màn biểu diễn như trong phim hành động của tách cà phê lớn nhất Việt Nam được treo lơ lửng trên không trung bằng… máy bay trực thăng.

Thế nhưng, khi thông tin về chiếc bánh dày kỷ lục - được cho là lễ vật đặc biệt đưa về cúng Giỗ tổ năm 2008 do Công viên Văn hóa Đầm Sen làm ra - bị mốc xanh trước ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3) xuất hiện trên mặt báo, nhiều người bỗng giật mình về hai chữ “kỷ lục”.

 


Chiếc bánh xèo lớn kỷ lục. Ảnh: Zing

 

Được mô tả “bên ngoài là một lớp mỏng bột, bên trong bánh hoàn toàn được làm bằng... mút xốp”, trong khi theo thông tin ban đầu, dân chúng sẽ có cơ hội thưởng thức “chiếc bánh dày kỷ lục” sau khi dâng lễ lên Vua Hùng. Còn đơn vị chịu trách nhiệm thì “thẳng tưng”: đây chỉ là lễ vật tượng trưng!?

Trong tâm thức của người Việt Nam, đồ cúng lễ dâng lên tổ tiên bao giờ cũng là những món ngon nhất, được chọn lọc cẩn trọng nhất, thì bỗng nhiên một chiếc bánh độn mút xốp lại có thể xuất hiện trịnh trọng trong một ngày quốc lễ? Nghe ra có lẽ ai cũng chỉ biết lắc đầu thở dài ngao ngán, miệng cười chua xót.

Hay như gần đây, Tô hủ tiếu lớn nhất Việt Nam với kinh phí “khủng” 25 triệu đồng được chính thức xác lập tại Hội Hoa xuân TP. Sa Đéc (Đồng Tháp), với nguyên liệu thực hiện gồm 100kg hủ tiếu gạo, 100kg tôm, thịt, 60 lít nước súp và các loại rau, gia vị khác. Nhưng thực tế là… tại “thời tiết với thời gian trưng bày” nên nước phở, tôm, thịt nguội lạnh, rau, giá đỗ, sợi hủ tiếu vì ngâm nước quá lâu bị nở trương. Tô hủ tiếu lớn nhất Việt Nam dự kiến sẽ được phục vụ miễn phí cho… 1.000 người ăn rốt cuộc đã bị đổ bỏ vì không thể dùng để ăn được nữa. Những người làm công tác thiện nguyện khi chứng kiến cảnh này đã không khỏi xót xa nghĩ tới bao mảnh đời bất hạnh không nơi nương tựa chỉ cần một chiếc bánh mì cầm hơi, hay những em nhỏ vùng cao chỉ cần một bát cơm có thịt cũng đủ sung sướng, ấm lòng.

Điều đặc biệt, rất nhiều kỷ lục Việt Nam sau khi được xác lập đã xuất hiện trên các TVC quảng cáo trong khung giờ vàng phát sóng phim truyền hình. Những người làm truyền thông không khó nhận ra đây chẳng qua là một chiêu PR quảng cáo tiếp thị sản phẩm của những chuyên gia marketing chính hiệu. Và hiệu ứng của hai chữ “kỷ lục” mang lại cũng khá tương xứng với ý nghĩa của hai tiếng này: phi thường và hơn nhất.

Kết

Thực tế, những cái gì nhất, hơn nhất, phi thường bao giờ cũng thu hút sự tò mò của nhiều người. Và nếu đó là một thứ có thể mắt thấy, tay sờ thì sao không thử một lần. Như vậy, có thể nói việc xác lập kỷ lục đã thành công được một nửa!

Song cái gì cũng có ngưỡng của nó, mọi thứ “quá” đều trở nên bất bình thường và bị… xem xét lại. Trong cuộc đua “kỷ lục Việt Nam”, nhiều người tinh ý nhận ra được những ý đồ thực sự ẩn sau đó đã không còn hứng thú, thậm chí quay lưng với hai chữ “kỷ lục”.

 


Hang động tự nhiên lớn nhất thế giới Sơn Đoòng là sự công nhận lớn nhất. Ảnh minh họa: VTV News

 

Kỷ lục cũng như danh hiệu Hoa hậu của một cuộc thi, người đẹp chỉ được xem là “đẹp nhất” dựa trên các tiêu chí của ban tổ chức. Cũng như thành tích thể thao, những thứ được công nhận là “kỷ lục” đó rồi cũng sẽ có người “phá”. Và cũng như tư duy “con gà tức nhau tiếng gáy”, nhà anh xây thế này, nhà tôi phải xây cao hơn như đánh giá của TS. Trịnh Hòa Bình, “cuộc đua kỷ lục” rơi vào nguy cơ… không có hồi kết! 

Nói đi cũng phải nói lại, không thể phủ nhận VietKings đã làm được những điều vô cùng ý nghĩa, đúng mục đích giúp quảng bá một cách hiệu quả hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam và từ đó mang lại rất nhiều hiệu quả về kinh tế và du lịch, chẳng hạn như sưu tầm và xuất bản Sử thi Tây Nguyên lớn nhất Việt Nam, Bộ sách giáo khoa chữ nổi Braille đầu tiên ở Việt Nam, hay nhiều công trình nghiên cứu về dân ca Nam Bộ...

Quay trở lại câu chuyện về Sơn Đoòng, 200 triệu đồng, mà theo cách gọi của dân marketing là khoản tiền “đầu tư ban đầu”, để được WorldKings công nhận kỷ lục, có thể là một con số nhỏ. Bởi theo tính toán lâu dài và trên tầm vĩ mô, hiệu ứng từ việc “khoác” lên mình Sơn Đoòng thêm một “danh hiệu” nữa hẳn sẽ tạo ra giá trị thặng dư khổng lồ?

Thế nhưng, nếu nhìn lại một cách thấu đáo và khách quan, Sơn Đoòng vì sao hấp dẫn du khách, đối tượng nào muốn đến Sơn Đoòng, chúng ta sẽ phần nào hiểu được lý do mà UBND tỉnh Quảng Bình đưa ra.

Nhật Minh
theo Công lý

Từ khóa: