Được đánh giá có giá thành rẻ so với các sản phẩm cùng dòng trên thị trường, nhưng sơn Jotun bị tố mập mờ thông tin về thể tích ghi trên bao bì sản phẩm, có thể khiến người tiêu dùng nhầm lẫn thông tin và bị thiệt thòi.
Mập mờ thông tin thể tích?
Sơn Jotun là sản phẩm Công ty TNHH Sơn Jotun Việt Nam có trụ sở tại số 1, đường số 10, khu công nghiệp Sóng Thần 1, phường Dĩ An, TX Dĩ An, Bình Dương. Theo phản ảnh, trên thùng sơn Jotun 5 lít, chữ “5 lít” được in đậm vào vỏ thùng sơn, thế nhưng kèm theo đó là một nhãn phụ, trên nhãn phụ lại ghi thể tích thực là 4,5 lít... Đáng nói là chữ được in đậm trên thùng sơn lại không giải thích rõ ràng rằng đây là thể tích thực hay là thể tích có thể chứa của thùng sơn.
Tương tự, trên thùng sơn Jotun Jotashield có hai miếng dán ghi thông tin về sản phẩm và hoàn toàn không đồng nhất về dung tích! Theo đó, miếng dán bên dưới gần đáy thùng ghi rõ sản phẩm phù hợp quy chuẩn QCVN16: 2014/BXD, ngày sản xuất 22/2/2016, hạn sử dụng 36 tháng kể từ ngày sản xuất và thể tích thực là 4,5 lít.
Thế nhưng, ngay bên dưới nhãn này, trên vỏ bình lại in đậm chữ “5 lít” kèm thêm tên một doanh nghiệp là Công ty TNHH TRUONG KHA (tức Công ty TNHH Trường Kha, có địa chỉ tại quận 2, TP.HCM). Đối với loại sơn Jotun Jotatough, Jotun Majestic... trên vỏ thùng cũng in 2 chữ lớn “5 lít”, trong khi trên nhãn dán ghi thể tích thực 4,5 lít...
|
Dòng chữ in “5 lít” khá to và một miếng giấy có thông tin sản phẩm được dán vào ghi “4,5 lít” thì nhỏ hơn? |
Không chỉ những thùng sơn 5 lít mới có sự không đồng nhất về dung tích mà các thùng sơn 15 lít trên nhãn phụ ghi là 13.5 lít, còn trên thùng sơn 18 lít nhãn phụ ghi là 16.2 lít. Với việc không rõ ràng thông tin như vậy, khách hàng sẽ thiệt hại rất nhiều bởi sơn Jotun được xếp ở phân khúc rẻ.
Theo một số chuyên gia pháp luật, dựa theo những ghi nhận thực tế cũng như nhãn mác dán trên sản phẩm thì Công ty TNHH Sơn Jotun có dấu hiệu vi phạm Nghị định số 119/2017/NĐ-CP, việc ghi nhãn hàng hoá như vậy gây nhầm lẫn và hiểu nhầm cho khách hàng. Đặc biệt, trên mỗi thùng sơn đều không thể hiện được đâu là “Khối lượng tịnh” và đâu là “Thể tích thực”.
Lý giải về vấn đề này, các chủ đại lý sơn Jotun đều khẳng định: “Thể tích thực trong thùng sơn 5 lít chỉ là 4,5 lít; trong thùng sơn 15 lít thể tích thực chỉ là 13,5 lít”. Anh P.T, một khách hàng cho hay, hơn một tháng trước vì có nhu cầu sửa nhà nên tôi đến một đại lý bán sơn Jotun trên địa bàn quận Thủ Đức để mua loại sơn Jotun Majestic (loại 15 lít).
Sau khi mang sản phẩm về nhà mới phát hiện trên bao bì và thùng sơn không đồng nhất về thể tích thực. Mang thắc mắc đến khiếu nại đại lý bán sơn thì chủ cơ sở này khẳng định: Nhà sản xuất ghi sao tôi bán vậy!
Có thể bị khách hàng quay lưng
Theo tìm hiểu của phóng viên, Jotun là một trong những nhà sản xuất sơn lớn có trụ sở chính đặt tại Na Uy với 69 công ty và 33 nhà máy sản xuất tại 90 nước trên thế giới. Các thùng sơn Jotun ở nước ngoài hoàn toàn không sử dụng những chiêu trò trên ăn bớt như tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, những thùng sơn Jotun ở nước ngoài chỉ in một dung tích lên thùng sơn, không hề có sự không đồng nhất về mặt dung tích trên bao bì. Không rõ vì lý do gì khi xuất hiện tại thị trường Việt Nam, thùng sơn Jotun đã bị “bốc hơi” nhiều như vậy...
Với việc một thùng sơn thể hiện hai thông tin khác nhau về dung tích đã đặt một dấu hỏi lớn. Phải chăng, đơn vị sản xuất, nhà phân phối sơn Jotun tại Việt Nam đang cố tình ghi thông tin mập mờ, không trung thực về sản phẩm để gây hiểu nhầm, đánh lừa người tiêu dùng?
Theo tính toán, nếu một thùng sơn 15 lít mà dung tích thật chỉ đạt 13.5 lít thì con số 1.5 lít chênh lệch là khá lớn. Như vậy, giá thành sơn Jotun không hề rẻ. Nếu như vậy cứ 100 thùng sơn loại 15 lít, nhà phân phối, khách hàng sẽ bị “ăn bớt” 150 lít sơn (tương đương 11 thùng – loại 13,5 lít).
Về vụ việc trên, một chuyên gia kinh tế cho rằng: “Xét về mặt kinh tế thì phía Jotun sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Tuy nhiên, khi khách hàng phát hiện ra được sự gian dối này thì chắc chắn phía Jotun sẽ bị khách hàng quay lưng lại với dòng sản phẩm này”.
Hoàng Vũ
Theo Pháp luật Việt Nam