Một số triển vọng của ngành ngân hàng trong năm 2018 với những kỳ vọng về đà tăng trưởng của ngành, các chính sách hỗ trợ và đặc biệt là làn sóng niêm yết.
Làn sóng ngân hàng tăng vốn và niêm yết
Đây được xem là điểm nhấn của ngành ngân hàng nói riêng và thị trường nói chung trong năm nay. Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo nguồn cung cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong năm 2018, đến từ làn sóng phát hành tăng vốn nhằm đáp ứng Basel II của nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank và BIDV), tăng vốn để mở rộng đầu tư và bổ sung nguồn vốn cấp 1.
Các ngân hàng TMCP tư nhân như HDBank (Mã: HDB) ,TPBank (Mã: TPB), Techcombank (Mã: TCB) và Phương Đông (Mã: OCB) dự kiến cũng sẽ niêm yết trong năm 2018. Các ngân hàng với ưu thế và khẩu vị kinh doanh riêng biệt sẽ tăng thêm lựa chọn cho các nhà đầu tư với khẩu vị rủi ro khác nhau.
Chẳng hạn VCB, ACB, MBB, VPB là những cổ phiếu đầu ngành. Trong đó, VCB và ACB là những mô hình ngân hàng truyền thống ít rủi ro, chất lượng tài sản của hai ngân hàng này đã cải thiện nhờ quỹ dự phòng tăng mạnh.
Thị giá VCB, ACB, MBB, VPB tăng trưởng trong một năm qua. (Nguồn: VNDirect)
BID và STB điểm nhấn từ xử lý nợ xấu. VDSC cho rằng đầu tư vào nhóm này sẽ có rủi ro cao hơn, song lợi nhuận kỳ vọng cũng cao tương xứng nếu việc xử lý nợ đạt kế hoạch đề ra. BID sẽ có tiềm năng tăng giá cao hơn nếu việc phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược thành công trong năm 2018.
Thị giá BID và STB tăng trưởng trong một năm qua. (Nguồn: VNDirect)
Các ngân hàng có định giá thấp như LPB và CTG. Trong đó, LPB có được chiến lược phát triển khác biệt của ngân hàng và sự cởi mở của ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Thị giá CTG và LPB tăng trưởng trong một năm qua. (Nguồn: VNDirect)
Nhóm ngân hàng trẻ và năng động có HDB, TCB, và TPB. Mặc dù vậy, giá cổ phiếu các ngân hàng này đã tăng rất mạnh trong thời gian được giao dịch tại thị trường OTC khiến định giá không còn hấp dẫn.
Chuyển động lớn trong chặng 2 tái cơ cấu
Kết quả kinh doanh ấn tượng năm 2017 của các ngân hàng Việt tạo nên nhiều trợ lực để củng cố hoạt động và tạo đà tăng trưởng dài hạn.
Theo ghi nhận của VDSC, nguồn thu nhập tăng trưởng mạnh giúp các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) trái phiếu đặc biệt và tăng dự phòng nợ xấu nội bảng, đồng thời đầu tư mở rộng mạng lưới và nâng cấp hạ tầng công nghệ.
Trong khi đó, sự ra đời của Nghị quyết 42 là cơ sở giúp thu hồi và xử lý nợ xấu đạt kết quả cao hơn. Ngoài ra, Luật sửa đổi bổ sung Luật các TCTD với quy định chặt chẽ hơn về sở hữu và điều hành ngân hàng, về cơ chế, quy định khung cho tái cơ cấu và xử lý các ngân hàng yếu kém đã được thông qua vào ngày 20/11/2017.
Cùng với áp dụng Basel II trong quản lý an toàn vốn, Luật sửa đổi bổ sung Luật các TCTD sẽ góp nâng cao chất lượng hoạt động của các TCTD tại Việt Nam, qua đó cải thiện xếp hạng tín nhiệm cho ngành.
Lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng khả quan
Có ba yếu tố VDSC đưa ra khi nhìn vào triển vọng lợi nhuận ngân hàng trong năm nay. Cụ thể, thu nhập của các ngân hàng bắt đầu có sự đóng góp đáng kể hơn từ hoạt động dịch vụ và ngoại hối nhờ mở rộng danh mục sản phẩm và sự khởi sắc của kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 vẫn giữ ở mức cao khoảng 17%, đồng thời NIM có thể cải thiện nhẹ do các ngân hàng chủ động dịch chuyển cơ cấu tín dụng theo hướng đẩy mạnh tăng trưởng bán lẻ. Cuối cùng là chi phí DPRR dự báo giảm mạnh ở một số ngân hàng đã hoàn thành nghĩa vụ trích lập DPRR trái phiếu đặc biệt.
2018 có thể là thời điểm ghi nhận kết quả vượt trội về thu hồi nợ xấu
Sự ra đời của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu được xem là đã giải quyết gần như toàn diện các vấn đề các TCTD gặp phải trong quá trình xử lý nợ cũng như thu hồi tài sản đảm bảo.
Do đó, VDSC cho rằng các khoản nợ xấu trước đây khó thu hồi do vướng mắc về quyền thu giữ tài sản đảm bảo, nợ xấu có tài sản đảm bảo là BĐS, quyền sử dụng đất, quyền phát sinh tài sản, hoặc vướng mắc về giá sẽ là những khoản nợ có khả năng thu hồi cao nhất.
Trong cơ cấu tài sản bảo đảm của VAMC, bất động sản và quyền phát sinh tài sản chiếm khoảng 70%. Đến cuối năm 2017, tổng nợ xấu VAMC đã xử lý được ước hơn 73.000 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ thu hồi 24%, tăng mạnh so với thời điểm cuối năm 2016. Theo kế hoạch, VAMC sẽ xử lý khoảng 70.000 tỷ đồng nợ xấu, nâng tổng số nợ xấu tổ chức này xử lý được đến cuối năm 2018 lên khoảng 140.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngành ngân hàng vẫn đối mặt với một số rủi ro như việc NHNN thắt chặt tiền tệ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập lãi của các NHTM. Thị trường bất động sản phục hồi chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi và xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng như VAMC.
Nguồn: SBV, RongViet Securities tổng hợp
Ánh Dương
Theo KTTD, Vietnambiz