Ngân hàng Standard Chartered chi nhánh New York vừa bị nhà chức trách Mỹ phát hiện che giấu các giao dịch trị giá 250 tỷ USD với Iran. Với việc vi phạm nghiêm trọng lệnh cấm của chính phủ Mỹ, ngân hàng này đang đối diện nguy cơ bị tước giấy phép.
Ngân hàng Standard Chartered chi nhánh New York vừa bị nhà chức trách Mỹ phát hiện che giấu các giao dịch trị giá 250 tỷ USD với Iran. Với việc vi phạm nghiêm trọng lệnh cấm của chính phủ Mỹ, ngân hàng này đang đối diện nguy cơ bị tước giấy phép.
Thông báo trên vừa được Sở dịch vụ tài chính (DFS) bang New York, đơn vị quản lý cao nhất về hoạt động tài chính ngân hàng tại bang này, công bố hôm 6/8. Theo đó ngân hàng nước Anh bị cáo buộc đã "bí mật phối hợp" với chính phủ Iran và che giấu khoảng 60.000 giao dịch bí mật phi pháp để thu về hàng trăm triệu USD tiền phí trong quãng thời gian gần 10 năm.
"Cùng lúc đó ngân hàng này đã khiến hệ thống ngân hàng Mỹ có thể bị những kẻ khủng bố, buôn bán ma túy và tội phạm tham nhũng lợi dụng", thông báo của Sở dịch vụ tài chính viết.
Với một ngân hàng nước ngoài, nếu bị tước giấy phép tại New York sẽ là tổn thất ghê gớm bởi nó đồng nghĩa với việc bị cấm cửa khỏi thị trường ngân hàng Mỹ. Theo cơ quan điều tra, mỗi ngày Standard Chartered New York xử lý khối lượng giao dịch trị giá tới 190 tỷ USD cho các khách hàng toàn cầu.
Trong một chiến dịch điều tra bất thường, DFS đã miêu tả việc các quan chức của Standard Chartered tranh luận về việc có nên tiếp tục các giao dịch với Iran hay không. Tháng 10/2006, một quan chức cấp cao chịu trách nhiệm hoạt động kinh doanh của ngân hàng này tại châu Mỹ đã cảnh báo trong một "bức thư đầy sợ hãi" rằng các giao dịch với Iran có thể "gây tổn thất khủng khiếp đến danh tiếng" cũng như "những nghĩa vụ hình sự nghiêm trọng".
Đáp lại thông điệp trên, một quan chức hàng đầu tại hội sở London của Standard Chartered nổi đóa: "Cái tụi người Mỹ chết tiệt. Anh là ai mà dám dạy bảo chúng tôi, dạy bảo phần còn lại của thế giới rằng chúng tôi không được giao dịch với Iran". Theo DFS, phản ứng này cho thấy "sự coi thường rõ ràng các quy định của ngành ngân hàng Mỹ".
Về phần mình ngân hàng Standard Chartered vẫn đang chối bỏ các cáo buộc với tuyên bố: "Chúng tôi không tin rằng những lệnh mà DFS đưa ra cho thấy một bức tranh đầy đủ và chính xác về toàn bộ sự thật". Đồng thời nhà băng này tuyên bố đã chia sẻ với cơ quan chức năng Mỹ một nghiên cứu cho thấy họ "đã hành động để tuân thủ và luôn luôn thực hiện" các quy định của luật pháp Mỹ.
Dù vậy Standard Chartered cũng thừa nhận có những giao dịch phi pháp với Iran nhưng giá trị chỉ dừng lại ở mức dưới 14 triệu USD, thấp hơn nhiều con số 250 tỷ USD mà DFS đưa ra. Tuy nhiên chắc chắn ngân hàng này sẽ không dễ dàng thoát tội khi người đứng đầu cơ quan điều tra New York, cựu công tố viên Benjamin Lawsky đã ra lệnh yêu cầu Standard Chartered đưa ra lí lẽ vì sao họ không nên bị tước giấy phép kinh doanh hoặc bị cấm xử lý giao dịch đồng USD.
Hiện cơ quan chức năng đã yêu cầu ngân hàng này phải chọn một bên tư vấn thứ ba để giám sát các giao dịch. "Ngân hàng Standard Chartered đã hoạt động như một định chế lừa đảo", lệnh do ông Benjamin Lawsky ký có đoạn viết.
Đồng thời ông khẳng định Standard Chartered đã sử dụng chi nhánh New York của mình để chuyển tiền cho các khách hàng là định chế tài chính tại Iran, trong đó có cả ngân hàng trung ương Iran cùng các ngân hàng quốc doanh của nước này là Bank Saderat và Bank Melli.
Để che giấu danh tính khách hàng tránh sự giám sát của cơ quan chức năng, Standard Chartered đã loại bỏ các mã chuyển tiền, thay đổi một số nội dung trong bức điện để chèn thêm vào cụm từ "khách hàng không cung cấp tên" để che giấu bản chất của giao dịch.
Trong đó, vi phạm nghiêm trọng nhất là việc thực hiện các giao dịch chuyển tiền lòng vòng cho các khách hàng người Iran từ các ngân hàng tại Anh và Trung Đông tới Mỹ thông qua Standard Chartered chi nhánh New York rồi chuyển ngược trở lại ra nước ngoài. Do các giao dịch này không xuất phát từ Iran và cũng không kết thúc tại nước này nên cơ quan chức năng khó lòng giám sát.
Hành động này đã vi phạm lệnh cấm vận của chính phủ Mỹ. Hiện Bộ Tư pháp Mỹ đang phối hợp cùng với Cục điều tra liên bang FBI tại New York để điều tra các hoạt động vi phạm quy định lệnh cấm vận
Kể từ đầu mùa Hè đến nay, Standard Chartered là ngân hàng thứ 3 của nước Anh bị các lực lượng thực thi pháp luật tại Mỹ điều tra. Trước đó ngân hàng Barclays Plc đã phải bỏ ra 453 triệu USD để nộp phạt nhằm chấm dứt những điều tra của chính phủ Mỹ và Anh trước việc ngân hàng này thao túng lãi suất Libor hồi tháng 6. Sau đó 1 tháng đến lượt HSBC bị Thượng viện Mỹ kết luận tiếp tay cho hoạt động rửa tiền của các băng đảng ma túy và tội phạm khủng bố.
Theo Dân trí