Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) công bố kết quả kinh doanh (KQKD) 9 tháng 2020 với lợi nhuận ròng đạt 1,8 nghìn tỷ đồng (-4,1%).
Mức giảm nhẹ trong lợi nhuận sau thuế (LNST) chủ yếu do (1) khoản lỗ 27 tỷ đồng trong chứng khoán đầu tư, (2) mức giảm 36,1% YoY trong thu nhập ròng khác và (3) mức tăng 69,4% YoY trong chi phí dự phòng đến từ 1,4 nghìn tỷ đồng dự phòng cho tài sản có rủi ro tín dụng trên bảng cân đối kế toán, trong đó phần nào được bù đắp bởi tăng trưởng lần lượt là 15,0% và 26,3% YoY trong thu nhập lãi ròng (NII) và thu nhập phí ròng (NFI) (bao gồm giao dịch ngoại hối).
Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng không có thay đổi đáng kể đến dự báo và/hoặc giá mục tiêu củaVCSC, dù cần đánh giá chi tiết hơn.
Chúng tôi xin trích lược lại báo cáo phân tích của VCSC như sau:
NIM 9 tháng 2020 được duy trì so với cùng kỳ (YoY)
STB báo cáo NIM 9 tháng 2020 đạt 2,97% (-1 điểm cơ bản YoY) bất chấp mức giảm 42 điểm cơ bản trong lợi suất IEA, chủ yếu do (1) mức giảm 11 điểm cơ bản trong chi phí vốn (COF) sau một chuỗi cắt giảm lãi suất huy động bởi NHNN kể từ quý 4/2019 tổng cộng 125 điểm cơ bản và (2) mức thấp hơn trong hoàn nhập lãi dự thu khi VCSC nhận thấy số dư lãi dự thu giảm đến 2,5 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng 2019 nhưng giảm chỉ 1,2 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng 2020.
Tính theo cơ sở hàng quý, NIM quý 3 tăng 30 điểm cơ bản đạt 3,04% từ 2,74% trong quý 2/2020 nhờ mức giảm 30 điểm cơ bản QoQ trong COF so với mức giảm 8,5 điểm cơ bản QoQ trong lợi suất IEA.
STB ghi nhận tăng trưởng 2 chữ số YoY trong tổng thu nhập từ HĐKD (TOI) trong 9 tháng 2020
Trong khi TOI tăng 9,6% YoY và 8,8% YoY trong quý 1/2020 và 6 tháng 2020, khoản mục này đã tăng 12,8% YoY trong 9 tháng 2020, chủ yếu do (1) mức tăng 15% YoY trong NII, (2) mức tăng 25,2% YoY trong NFI thuần và (3) mức tăng 32% YoY trong giao dịch ngoại hối đã phần nào bị ảnh hưởng bởi thu nhập ròng khác giảm 36,1% YoY do tỷ lệ thu hồi thấp, theo quan điểm của VCSC.
Tính theo cơ sở hàng quý, TOI quý 3 ghi nhận tăng trưởng 19,7% YoY với mức tăng 3,8% YoY trong NII và NOII tăng mạnh 62,2% - với NOII tăng nhờ mức tăng 67,1% YoY trong NFI thuần. Do ngân hàng không công bố con số chi tiết nên chúng tôi chưa thể đưa ra thêm các nhận định chi tiết hơn.
Chi phí dự phòng ảnh hưởng đến LNST 9 tháng 2020
STB ghi nhận chi phí dự phòng 9 tháng đạt 2,9 nghìn tỷ đồng (+69,4% YoY), hoàn thành 82,6% dự báo 2020 của VCSC. Chi tiết cơ cấu cụ thể trong khoản mục này không được công bố trong báo cáo tài chính quý 3/2020; tuy nhiên, chúng tôi cho rằng mức tăng trong chi phí dự phòng do (1) mức tăng 14 điểm cơ bản YoY trong tỷ lệ nợ xấu và đặc biệt là (2) dự phòng 1,4 nghìn tỷ đồng cho khoản mục tài sàn có rủi ro tín dụng (chỉ ghi nhận 181 tỷ đồng trong 9 tháng 2019), theo ước tính của VCSC.
Dự phòng các tài sản có rủi ro tín dụng của STB trong quý 3/2020 ước tính đạt 745 tỷ đồng, vượt con số 6 tháng 2020 là 644 tỷ đồng. Ngoài ra, dự phòng VAMC trong 9 tháng 2020 đạt 322 tỷ đồng là thấp hơn con số 9 tháng 2019 là 810 tỷ đồng.
Các khoản phải thu tăng lên trong khi tất cả các thành phần khác của tài sản xấu đều cải thiện trong quý 3/2020
Số dư các khoản phải thu tăng lên đạt 21,6 nghìn tỷ đồng trong quý 3/2020 (+ 1,8% QoQ và + 1,2% YoY); trong khi đó, lãi dự thu và tỷ lệ nợ xấu giảm lần lượt xuống 18,3 nghìn tỷ đồng (-1,3% QoQ và -10,8% YoY) và 2,14% (-2 điểm cơ bản QoQ; +14 điểm cơ bản YoY). STB đã tất toán 1,1 nghìn tỷ đồng VAMC và trích lập 100 tỷ đồng dự phòng cho VAMC trong quý 3 năm 2020.
Tính đến 9 tháng đầu năm 2020, STB đã tất toán 2,7 nghìn tỷ đồng VAMC và đã trích lập 322 tỷ đồng dự phòng cho VAMC.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành
Theo KTDU