Sự kiện hot
13 năm trước

Sự kỳ quặc của chứng khoán Việt Nam

Những ai đã không hiểu hoặc còn hoài nghi về thị trường này sẽ phải tự "sám hối".

Những ai đã không hiểu hoặc còn hoài nghi về thị trường này sẽ phải tự "sám hối".

Bất chấp những khó khăn vẫn còn y nguyên, chân lý của chứng khoán là thị trường luôn luôn đúng, chứ không phải những phân tích nặng phần diễn giải vĩ mô.

Từ "downtrend" sang "uptrend"

Trái ngược với ý chí bi quan vào năm 2011, giờ đây nhiều công ty chứng khoán đang khuyến nghị nhà đầu tư mua vào cổ phiếu. Hàng trăm mã cổ phiếu đã "chiến thắng thị trường" trong hơn hai tháng qua đang khiến cho dù muốn hay không, khối công ty chứng khoán tỏ ra tự tin hơn, cho dù vẫn xuất hiện đều đặn hiện tượng những công ty chứng khoán phải đóng cửa chi nhánh giao dịch hay thậm chí chấm dứt cả hoạt động của văn phòng chính.

Tuần qua cũng đã chứng kiến hình ảnh thăng hoa của Phố Wall. Sự kiện đáng ghi nhớ nhất là lần đầu tiên kể từ tháng 12/2007, chỉ số S&P500, đại diện cho nhóm các doanh nghiệp lớn nhất của TTCK Mỹ, đã vượt qua mốc tâm lý 14.000 điểm, tức bứt qua hàng loạt vùng kháng cự phía trên. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq cũng của Mỹ cũng dần bỏ xa mốc tâm lý 3.000 điểm. Còn Dow Jones thì đang cố gắng hồi phục theo một xu hướng khá bền vững, sau khi đã trồi sụt quanh khu vực 13.000 điểm.

Một hiện tượng khá hiếm hoi khác cũng tái hiện là đang diễn ra sự đồng pha giữa TTCK Việt Nam và xu thế uptrend (tăng trưởng) của các chỉ số chứng khoán Mỹ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa, bởi vào năm 2011, trong khi phần lớn các TTCK Mỹ và châu Âu "uptrend" thì TTCK Việt Nam lại một mình một chợ "downtrend" (xuống giá).

Chỉ có điều, một khác biệt lớn vẫn đang ám ảnh thị trường cổ phiếu Việt Nam là độ lệch pha không thể hoài nghi giữa tình hình kinh tế vĩ mô ở nước ta với Mỹ và Tây Âu.

Trong khi từ tháng 12/2011 đến nay, đà hồi phục của TTCK Mỹ trở nên có căn cứ thuyết phục với trên hết là xu thế tăng trưởng trở lại của chỉ số GDP, xuất khẩu, tiêu dùng, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng, vấn đề Hy Lạp được "khoanh nợ", kể cả doanh số bán nhà mới xây mà cho thấy thị trường bất động sản Mỹ đang có dấu hiệu tăng giao dịch dù chưa tăng giá..., nền kinh tế Việt Nam vẫn loanh quanh tại một khúc quanh miễn cưỡng: GDP không làm cách nào nhấc mình lên được, dòng vốn chảy vào khu vực sản xuất kinh doanh vẫn bị ngưng trệ một cách hết sức khó hiểu, lãi suất cho vay vẫn treo cao một cách đầy ác ý, nền kinh tế từ tình trạng đình lạm (lạm phát treo cao trong khi sản xuất đình đốn) chuyển dần sang thế thiểu phát (sản xuất tiếp tục đình đốn trong bối cảnh lạm phát được "kềm chế").

Với khung cảnh chưa có gì được xem là thuận lợi trên, vì sao chứng khoán Việt Nam lại phục hồi, mà còn phục hồi một cách ngoạn mục? Đó mới chính là sự ngạc nhiên lớn nhất đối với giới phân tích.

Sự kỳ quặc không thể hiểu được? 

Khách quan nhìn lại, cho tới nay đề án tái cấu trúc TTCK của các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam vẫn đang giậm chân ở bước khởi đầu. Hàng loạt đề xuất và phương án của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về cải cách thị trường vẫn mới chỉ được "thời sự hóa" bằng việc rút phép, đóng cửa một số công ty chứng khoán yếu kém và một vài động tác kỹ thuật nhằm "nâng cao thanh khoản cho thị trường". Nhưng còn lại, vấn đề chất lượng hàng hóa của thị trường, tức năng lực hoạt động của phần lớn các doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn giao dịch, vẫn còn y nguyên trong tình trạng tụt hậu về các chỉ số tài chính và độ minh bạch vẫn chưa hề được cải thiện.

Có lẽ, hoạt động "tái cấu trúc" TTCK đã chỉ được thể hiện rõ ràng nhất bởi sự hoàn tất của quá trình Sacombank bị thâu tóm - câu chuyện giữa những "cá mập" với nhau. Sau Sacombank, người ta bắt đầu nói tới câu chuyện về một vài ngân hàng khác nữa cũng đang trong nguy cơ bị sáp nhập. Hẳn điều này có liên hệ ở mức độ nào đó với chủ trương và quá trình tái cấu trúc ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước - đã được khởi động từ tháng 9/2011.

Cũng cho tới giờ, vẫn chưa có cơ sở rõ rệt nào để dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu quá trình phục hồi của nó vào quý 2 hay thậm chí quý 3 năm nay. Xu thế hạ dần lãi suất huy động đã chỉ có thể giúp cho TTCK hút một lượng tiền nho nhỏ từ kênh gửi tiết kiệm, trong khi "độ trễ" của tác động giảm lãi suất cho vay chỉ có thể biểu hiện sớm nhất từ giữa năm 2012. Mà như vậy, cũng khó có thể đánh giá là TTCK là một chỉ báo quan trọng nào đó cho nền kinh tế khi phục hồi trước nền kinh tế từ 3-6 tháng.

Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn là một nghịch lý không thể diễn giải được với TTCK, đặc biệt khi tính minh bạch đang không còn được đề cập quá nhiều trong không khí đầu cơ dâng cao đột ngột. Từ hơn một tháng qua, giới phân tích đã bắt đầu bóng gió nói đến một dòng tiền nóng - tiền đầu cơ - đã ồ ạt tuôn vào chứng khoán. Sâu hơn thế, một số người trong cuộc đã bắt đầu phác họa chân dung của dòng tiền này với dáng dấp của khối ngoại.

Ít nhất, lịch sử đang lặp lại với con sóng tăng vào tháng 5/2007 khi các nhà đầu tư nước ngoài trở thành bá chủ, động lực lớn nhất làm cho TTCK tăng vọt. Gần đây, chính Ngân hàng HSBC cũng đã xác nhận có khoảng 500 triệu USD được đổ vào thị trường này từ đầu năm 2012 đến nay.

Nhưng có lẽ con số 500 triệu USD nêu trên chỉ mới là bề nổi. Trong bối cảnh dòng tiền tiết kiệm vẫn còn rất dè dặt, con số giao dịch vài ba ngàn tỷ đồng/phiên trên hai sàn luôn là một ẩn số. Trong thực tế, để tạo nên một động lực đủ mạnh nhấc bổng thị trường lên, dù nguồn tiền có xuất phát từ nhóm các quỹ nước ngoài hay nhóm ngân hàng trong nước, hoặc cả hai, thị trường cũng cần gấp vài ba lần con số 500 triệu USD như ước đoán.

Đó chính là một động lực mà trở nên to lớn đến nỗi đang khỏa lấp mọi khó khăn vẫn còn y nguyên của thị trường. TTCK vì thế lại càng trở nên kỳ quặc hơn, giống như một gã say rượu leo dốc, nhưng bất chấp mọi chướng ngại phía trước, cái thế lảo đảo của gã lại vẫn có sức mê hoặc kỳ lạ khi lần lượt vượt qua các rào cản.

Về sự kỳ lạ như thế, người ta sẽ còn chứng kiến tính hoạt náo hơn nhiều của nó trong những tháng tới. Bất kể nền kinh tế chưa hồi phục hoặc có được phục hồi hay không, hầu như chắc chắn là TTCK vẫn lầm lũi bò lên, thỉnh thoảng lại được điểm xuyết bằng những phiên tăng dựng ngược.

Những ai đã không hiểu hoặc còn hoài nghi về thị trường này sẽ phải tự "sám hối". Bởi chân lý của chứng khoán là thị trường luôn luôn đúng, chứ không phải những phân tích nặng phần diễn giải vĩ mô.

Theo VEF



Từ khóa: