Lẽ ra bị cáo bị xét xử từ lâu, song để đảm bảo sự khách quan, các cơ quan tiến hành tố tụng đã cho y đi giám định tâm thần. Và kết quả cho thấy y bị bệnh tâm thần, song vẫn phải chịu một phần trách nhiệm hình sự…
Lẽ ra bị cáo bị xét xử từ lâu, song để đảm bảo sự khách quan, các cơ quan tiến hành tố tụng đã cho y đi giám định tâm thần. Và kết quả cho thấy y bị bệnh tâm thần, song vẫn phải chịu một phần trách nhiệm hình sự…
Khuôn mặt sạm đen, hốc hác, mái tóc rối lòa xòa hai bên thái dương, dáng người khẳng khiu, bước đi tập tễnh, tai nghễnh ngãng, muốn trao đổi phải viết ra giấy... đó là tất cả những gì người ta có thể hình dung về bị cáo Phạm Hữu Chiến, kẻ đã giết hại mẹ mình. Lẽ ra bị cáo bị xét xử từ lâu, song để đảm bảo sự khách quan, các cơ quan tiến hành tố tụng đã cho y đi giám định tâm thần. Và kết quả cho thấy y bị bệnh tâm thần, song vẫn phải chịu một phần trách nhiệm hình sự…
Tội ác tày trời
Do có mâu thuẫn trong việc phân chia ngôi nhà số 702 Hoàng Hoa Thám, phường Bưởi, quận Tây Hồ giữa Phạm Hữu Chiến, SN 1947 và bà Nguyễn Thị Phòng, SN 1921, mẹ đẻ Chiến nên từ năm 2003, bà Phòng không ở số 702 Hoàng Hoa Thám nữa mà về ở với con gái là Phạm Thị Chanh trú tại 12/117 Vọng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm.
Sáng 26-11-2004, bà Phòng có việc về nhà 702 Hoàng Hoa Thám. Đến khoảng 12g cùng ngày, trong nhà lúc này chỉ còn hai mẹ con, Chiến chủ động nói với bà Phòng về việc kiện đòi chia nhà 702 Hoàng Hoa Thám nhưng bà Phòng không chấp nhận dẫn đến việc hai mẹ con mâu thuẫn. Lợi dụng lúc bà Phòng đang ngồi trên giường, Chiến đã lấy một chiếc búa sắt, đập nhiều nhát vào đầu bà làm bà gục xuống rồi ngã lăn ra nền nhà. Sau khi bà Phòng chết, Chiến mở tủ nhà lấy 2,8 triệu đồng rồi trốn lên huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, thuê nhà nghỉ Ngọc Sơn để ngủ. Tại đây, y đã viết một lá thư tuyệt mệnh rồi uống thuốc tự tử nhưng không chết và xuống cầu thang bị ngã, gãy chân trái. Sáng 28-11-2004, anh Vũ Hữu Sơn (là chủ nhà nghỉ) đã phát hiện ra Chiến và đưa y đến Trung tâm y tế huyện Đại Từ, TP Thái Nguyên cấp cứu, bó bột và sau đó bị CA quận Tây Hồ bắt giữ.
Cơ quan điều tra đã thu giữ tại phòng 133 nhà nghỉ Ngọc Sơn một lá thư, một tờ giấy xin thuê phòng nghỉ, một vỏ và 8 vỉ Rotunda không còn viên thuốc nào. Thu trong người Chiến 1.990.000 đồng.
Tại cơ quan điều tra, ban đầu Chiến khai nhận dùng búa giết bà Nguyễn Thị Phòng khi hai mẹ con cãi nhau và không kiềm chế được bản thân. Nhưng sau đó, Chiến không thừa nhận đã giết chết bà Phòng, không nhận bức thư để lại tại phòng 133 nhà nghỉ Ngọc Sơn. Căn cứ vào lời khai ban đầu của Chiến phù hợp với hiện trường xảy ra vụ án, phù hợp với tang vật gây án là chiếc búa đinh, phù hợp với những nội dung trong bức thư mà y đã viết tại nhà nghỉ Ngọc Sơn thấy có đủ căn cứ kết luận Phạm Hữu Chiến đã sử dụng búa sắt (loại búa đinh) giết chết bà Nguyễn Thị Phòng.
Còn lá thư tuyệt mệnh của Chiến cơ quan điều tra thu giữ được, nhiều đoạn chữ viết vội, nguệch ngoạc, không đọc được. Trong thư có đoạn: "... Tên tôi là Phạm Hữu Chiến ở số nhà 702 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Ngày 15-10-2004 âm lịch, trước khi giết bà Nguyễn Thị Phòng, tôi đã đánh và đuổi vợ tôi ra khỏi nhà. Sau đó, tôi lấy búa đập vào đầu bà.
... Vì thần kinh quá căng thẳng nên t ôi đã dùng búa giết bà Nguyễn Thị Phòng, mong tòa hãy xử đúng pháp luật"...
Hung thủ Phạm Hữu Chiến
Phiên tòa bất thường
Sáng 21-12-2006, bị cáo Phạm Hữu Chiến bị giải đến TAND TP Hà Nội để nhận hình phạt mà y đã gây ra với mẹ mình. Phiên tòa được diễn ra tại một phòng nhỏ ở tầng 3, dãy nhà B. Không giống như những phiên tòa khác, do bị cáo không bình thường nên phiên tòa cũng có nhiều điểm đặc biệt, tất cả để việc xét xử được thuận lợi nhất. Vì bị cáo đau chân nên quá trình thẩm vấn và tranh luận, bị cáo được phép ngồi. Mặt khác, do tai nghễnh ngãng nên ngồi cạnh bị cáo là một thư ký của tòa, viết những câu hỏi ra giấy cho bị cáo xem để bị cáo đọc và trả lời HĐXX.
Hiện trường vụ án
Tấm ảnh nạn nhân trong khung kính cho thấy bà là một người nhiều tuổi, khuôn mặt phúc hậu. Thực tế, trước khi phải nhận một cái chết oan nghiệt, bà đã ngoài 80 tuổi. Bà không bị chết vì bệnh tật, tuổi già mà thật đau đớn, cái chết đó do chính con trai bà gây ra. Gia đình bị cáo và nạn nhân cùng những người bà con hàng xóm ngồi lặng lẽ ở hàng ghế đầu, thỉnh thoảng đưa khăn lên chấm mắt. Bệnh tật cùng những mâu thuẫn về nhà cửa không thể giải quyết trong nội bộ gia đình đã đẩy những con người trong ngôi nhà ấy vào bi kịch. Nạn nhân là người mẹ, người bà của đàn cháu. Còn bị cáo là con của nạn nhân, là chồng, cha của những đứa trẻ.
Tất cả những gì liên quan đến hành vi phạm tội như trước đây đã khai tại cơ quan điều tra, bị cáo đều chối. Y không thừa nhận bất cứ một hành vi nào hoặc đổ lỗi cho thời gian quá lâu, không nhớ hết. Bị cáo không nghe được nhưng lại nói rất to, rành rọt từng từ. Tuy nhiên, những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời khai ban đầu, lá thư tuyệt mệnh, biên bản khám nghiệm hiện trường, pháp y tử thi, lời khai nhân chứng... đã chống lại y.
Bà Nguyễn Ngọc Yến, SN 1955, vợ bị cáo già nhiều so với tuổi đã đứng lên nói trong nước mắt: Nhà tôi trước đây làm nghề lái ôtô. Năm 1965, hồi đó đang thời chiến, khi lái xe qua kho xăng dầu Đức Giang, Gia Lâm, gặp phải bom nổ, vì bị sức ép của bom nên sức khỏe bắt đầu suy yếu. Đến năm 1972, vì không đảm bảo sức khỏe nên cơ quan cho nghỉ việc. Năm 1996, ông ấy phát bệnh tâm thần, không thể làm chủ được bản thân. Gia đình đã đưa vào Bệnh viện Bạch Mai điều trị, bệnh có phần thuyên giảm nhưng đến năm 2000 thì tái phát với mức độ nghiêm trọng hơn. Suốt ngày ông ấy quát tháo, đánh đập vợ con một cách vô cớ. Thậm chí đang đêm vợ con cũng bị ông ấy dựng dậy tra khảo, đánh đập không biết vì chuyện gì.
Thời gian sau đó, gia đình lại đưa ông vào Bệnh viện Trâu Quỳ. Đó là tất cả những gì chúng tôi có thể làm. Đau lòng lắm. Trách giận người lành chứ ai trách một người bệnh tật, không biết gì.
Nói xong bà lặng lẽ ngồi xuống. Hai bên bà là hai người con, một trai, một gái. Tất cả đều khóc. Những giọt nước mắt xót thương cho bà nội, cho bố và cho thân mình.
Còn đại diện cho nạn nhân khi phát biểu lại cho rằng, thủ phạm của vụ án là người khác, tất cả đều đã được chuẩn bị theo một kế hoạch chi tiết, cụ thể. Còn bị cáo Phạm Hữu Chiến chỉ là người "thế mạng". Kẻ phạm tội trong vụ án phải được xét xử thật nghiêm minh làm gương cho kẻ khác. Tuy nhiên, quan điểm này không được HĐXX chấp nhận.
Trong phần luận tội, vị đại diện VKSND TP Hà Nội sau khi phân tích nội dung vụ án đã đi đến nhận định: Đây là vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, gây bất bình trong dư luận. Điều đáng nói bị cáo lại chính là con đẻ của bị hại và nguyên nhân dẫn đến vụ án đau lòng đó có xuất phát từ việc tranh chấp nhà cửa. Mặc dù bị cáo không nhận tội song toàn bộ những chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã chứng minh việc phạm tội của bị cáo là rõ ràng. Tội ác này thật khó dung tha. Tuy nhiên, khi lượng hình, đề nghị HĐXX cũng cân nhắc đến tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Đó là bị cáo bị bệnh tâm thần. Cụ thể, tại Biên bản Giám định pháp y tâm thần số 29 ngày 23-6-2004 của Tổ chức Giám định pháp y tâm thần Trung ương đã kết luận:
"Bị can Phạm Hữu Chiến bị rối loạn nhân cách và hành vi thực tổn do tổn thương não, theo IDC 10 có mã số FO7.8. Khả năng kiềm chế hành vi bị hạn chế".
Do vậy, dù bị cáo vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng được xem xét, giảm nhẹ để có điều kiện chữa bệnh. Từ những nhận định đó, đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Hữu Chiến từ 8-10 năm tù.
Khi được quyền tự bào chữa, sau khi được thư ký cho biết những nội dung chính phần tranh luận, bị cáo chỉ nói một câu: Tôi không có vấn đề gì. Được như thế cũng tốt thôi. Tôi sẽ cải tạo tốt để sớm được về với gia đình. Còn trước khi HĐXX vào nghị án, bị cáo cũng chỉ nói được bốn từ: Cho tôi giảm án!
20 năm tù về tội giết người, đó là mức án với bị cáo Phạm Hữu Chiến để trả giá cho tội ác y đã gây ra với mẹ đẻ của mình. Với bị cáo bình thường khác, chắc chắn mức án sẽ cao hơn. Bị cáo bị giải nhanh ra xe để về Trại tạm giam. Sau y là những tiếng khóc òa của vợ và các con. Một phiên tòa buồn bã và ảm đạm đã diễn ra như thế, trong một ngày lạnh giá cuối năm. Khi đã ngồi vào trong xe, những người thân của bị cáo vẫn vây quanh xe, căn dặn chồng, cha đủ điều trong nước mắt. Bị cáo có nghe thấy gì đâu. Được sống, nhưng tâm trạng gần như vô thức, không biết, không nghe thấy gì, xa lạ giữa những người thân của mình, có lẽ, đó là sự trừng phạt lớn nhất mà bị cáo phải gánh chịu - hình phạt còn kinh khủng hơn cả cái chết!
Nguyễn Tuấn
Theo Pháp luật xã hội