Sự kiện hot
7 năm trước

Sửa đổi các Luật Thuế : Kịp thời, đáp ứng tình hình thực tiễn nền kinh tế xã hội

Ths. Nguyễn Thị Thu Trung - Trường Đào tạo và Bồi dưỡng Nghiệp vụ kiểm toán cho biết, những nội dung sửa đổi các Luật Thuế nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu.

Ảnh minh họa

Phóng viên: Vừa qua, Bộ Tài chính công bố Luật sửa đổi, bổ sung các Luật Thuế, theo đánh giá của bà,  những nội dung sửa đổi, bổ sung các Luật thuế có tác động như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong bối cảnh hiện nay?

ThS. Nguyễn Thị Thu Trung - Trường Đào tạo và Bồi dưỡng Nghiệp vụ kiểm toán:  Tôi cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung các Luật thuế của Bộ Tài chính trong bối cảnh hiện nay của nước ta là kịp thời, đáp ứng tình hình thực tiễn nền kinh tế - xã hội. Những nội dung sửa đổi, bổ sung các Luật thuế sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của đất nước trong gia đoạn tới, được thể hiện ở các phương diện như sau:

Một là, nhằm góp phấn cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là đảm bảo nguồn thu nội địa, giúp nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu hơn khi các cam kết cắt giảm thuế quan trên diện rộng và mạnh mẽ hơn từ năm 2018, các khoản thu từ hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) theo lộ trình sẽ cắt giảm về 0%. Vì vậy, bắt buộc phải thực hiện cơ cấu lại nguồn thu cho NSNN. Để đảm bảo được tỷ lệ động viên hợp lý thì cùng với việc kiểm soát chặt chẽ, tiết giảm chi tiêu ngân sách thì đương nhiên cần phải cân đối lại cơ cấu các sắc thuế nội địa trong toàn bộ hệ thống. Bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Hai là, những đề xuất mới tại các Luật Thuế của Bộ Tài chính nhằm hướng đến bảo đảm được nhu cầu chi tiêu thường xuyên của ngân sách theo xu hướng tiết kiệm cũng như bảo đảm an sinh xã hội.

Ngân sách nhà nước được cân đối theo nguyên tắc tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên và góp phần tích lũy ngày càng cao để chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi chúng ta cắt nhiều về thuế XNK, giảm thuế suất thuế TNDN để trợ giúp doanh nghiệp thì tỷ lệ động viên về thuế có nguy cơ không đảm bảo được mức đã đề ra. Các Luật thuế sẽ sửa đổi, bổ sung trên tinh thần phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Phóng viên: Theo đánh giá của bà, những nội dung sửa đổi cụ thể nào được đánh giá là mang tính thực tiễn cao?

ThS. Nguyễn Thị Thu Trung - Trường Đào tạo và Bồi dưỡng Nghiệp vụ kiểm toán:  Theo tôi, những đề xuất của Bộ Tài chính tại Luật Thuế GTGT đã thể nhiều điểm mới như: sửa đổi theo hướng nhằm giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT; chịu thuế suất 5%; bổ sung quy định để xác định đúng cơ chế thu đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ mới phát sinh theo sự phát triển của kinh tế thị trường; nghiên cứu đến năm 2020 áp dụng cơ bản một mức thuế suất (không kể mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu); hoàn thiện phương pháp tính thuế, tiến tới cơ bản thực hiện phương pháp khấu trừ thuế; quy định về ngưỡng doanh thu để áp dụng hình thức kê khai thuế GTGT phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và thông lệ quốc tế.

Bộ Tài chính cũng đề xuất điều chỉnh, bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB để hướng dẫn điều tiết tiêu dùng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội; xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu, ô tô… để điều tiết tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; nghiên cứu, bổ sung quy định về giá tính thuế đối với một số trường hợp hợp tác, phân công giữa các nước trong chuỗi sản xuất toàn cầu, bảo đảm điều tiết công bằng giữa hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước và hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.

Xin cảm ơn bà!

Mai Hạnh

Từ khóa: