Sự kiện hot
13 năm trước

Sửa đổi luật Đất đai: Nóng chuyện thu hồi đất

Hầu hết các ý kiến tại hội thảo “Cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, định giá đất” do Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea) tổ chức ngày 13.7, đều tập trung vào vấn đề thu hồi đất.

Hầu hết các ý kiến tại hội thảo “Cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, định giá đất” do Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea) tổ chức ngày 13.7, đều tập trung vào vấn đề thu hồi đất.

Việc thu hồi đất hiện nay được thực hiện theo  2 cơ chế: Nhà nước thu hồi đất và doanh nghiệp (DN) tự thỏa thuận để chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM ông Đào Anh Kiệt cho rằng cần giữ 2 cơ chế đó. Đối với những dự án xã hội, phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia... nhà nước sẽ phải đứng ra thu hồi, còn đối với những dự án sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch thì DN tự thỏa thuận với người dân. “Phải có 2 cơ chế song song, vấn đề là phải quy định rõ để cả 2 cơ chế đều vận hành tốt”, ông Kiệt nói. Ông Kiệt cũng đề nghị Chính phủ bỏ quy định khung giá đất và để địa phương linh hoạt xây dựng khung giá đất tiệm cận với giá thị trường.

Luật sư Trương Thị Hòa cũng hoàn toàn đồng tình cơ chế thu hồi đất hiện nay, tuy nhiên bà cho rằng vấn đề là làm sao triển khai cho tốt 2 cơ chế đó trong mối liên quan đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và định giá đất. “Tái định cư cho người dân phải được quan tâm, nên cố gắng tái định cư tại chỗ. Một dự án phải đồng bộ làm sao cho họ gắn với chỗ ở, có thể sống được, khi đó công tác đền bù sẽ dễ dàng hơn”, bà Hòa đưa ra ý kiến. Về khung giá đất, bà Hòa cho rằng phải ổn định trong vòng 5 năm, nếu có sự biến động địa phương sẽ có sự điều chỉnh, làm sao để tránh khiếu kiện, lãng phí đất đai.


Luật Đất đai sửa đổi sẽ có quy định buộc nhà đầu tư phải hoàn thành dự án tái định cư trước khi khởi động dự án (trong ảnh là khu tái định cư Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM) - Ảnh: Đ.Sơn

Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho hay, hiện 70-80% khiếu kiện liên quan đến giá đất. Việc phân chia lợi nhuận từ đất đai giữa người dân, DN và nhà nước thời gian qua còn nhiều bất cập, nên trong dự thảo luật mới, nhà nước sẽ có chính sách điều tiết hợp lý. Hai cơ chế thu hồi đất - theo ông Hiển - đều có điểm mạnh yếu riêng. Luật sửa đổi lần này sẽ khắc phục hạn chế của từng cơ chế một hoặc sẽ tính toán xem có nên duy trì song song 2 cơ chế hay không. Khó nhất hiện nay của nhà đầu tư  là khi một dự án bồi thường hơn 90%, chỉ còn 1-2 hộ nữa không hợp tác dẫn đến dự án không thể triển khai. Chính vì vậy, dự thảo sẽ đề xuất cơ chế là nhà đầu tư thỏa thuận 80%, 20% còn lại Nhà nước sẽ đứng ra thu hồi.

“Trong tháng 7 sẽ trình Chính phủ dự thảo sửa đổi luật Đất đai, tháng 10 sẽ trình Quốc hội và dự kiến đến năm 2013 luật Đất đai mới sẽ có hiệu lực”, ông Hiển cho hay.

Có thể lập các tổ chức phát triển quỹ đất

Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính Phạm Đình Cường cho biết, trong luật Đất đai 2003 đã có chủ trương giao cho một tổ chức chuyên nghiệp thực hiện thu hồi đất. Dự thảo luật Đất đai sửa đổi lần này sẽ đề xuất phương pháp thực hiện mới hơn, có thể thông qua các tổ chức phát triển quỹ đất hoặc là có một DN như là công ty đền bù để tạo quỹ đất sạch đem ra đấu giá, khi đó nhà đầu tư sẽ tính toán được tiền sử dụng đất để ra quyết định đầu tư.

Đình Sơn
theo Thanh Niên

Từ khóa: