“Đất đai là nguồn lợi lớn nhưng cũng nên dễ dẫn đến tham nhũng. Vì vậy, chúng ta cần xem sửa đổi Luật Đất đai là cơ hội để phòng chống tham nhũng”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu ý kiến.
“Đất đai là nguồn lợi lớn nhưng cũng nên dễ dẫn đến tham nhũng. Vì vậy, chúng ta cần xem sửa đổi Luật Đất đai là cơ hội để phòng chống tham nhũng”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu ý kiến.
Chiều 19.11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Một trong những vấn đề các đại biểu quan tâm là tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực, xem đây như một giải pháp phòng chống nạn tham nhũng.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng: “Đất đai là nguồn lợi lớn nhưng cũng nên dễ dẫn đến tham nhũng. Vì vậy, chúng ta cần xem sửa đổi Luật Đất đai là cơ hội để phòng chống tham nhũng”.
Theo nữ đại biểu này, một trong những giải pháp để hạn chế tham nhũng thông qua dự thảo luật này là ngôn ngữ luật phải trong sáng, tránh việc hiểu mập mờ; các quy định phải được cụ thể ngay trong Luật và Luật phải tăng cường tính dân chủ…
Đại biểu nói: “Hạn chế tối đa việc giao cho Chính phủ hướng dẫn vì thực tế có nhiều tiêu cực xảy ra do quá nhiều văn bản dưới luật không thống nhất, mâu thuẫn; thậm chí có văn bản đã phục vụ lợi ích nhóm”.
Theo thống kê của đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) dự thảo có 192 điều thì có đến 70 điều Chính phủ quy định. Đại biểu đề nghị, dự thảo phải cụ thể hóa hơn nữa; trong đó phải quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu UBND các cấp.
“Dự thảo cần bổ sung rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp khi làm sai quy hoạch, trái thẩm quyền, sai quy trình thủ tục, để xảy ra quy hoạch treo. Thực tế, khiếu kiện đất đai chủ yếu do các lỗi này” - đại biểu Vở nói.
Các đại biểu cho rằng, nếu quy định về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đất lỏng lẻo sẽ dễ dẫn đến việc “tham nhũng một cách hợp pháp” của bộ máy công quyền. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nói: “Hiện nay, người ta nói nhiều đến lợi ích nhóm. Ở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất rất dễ xảy ra điều này”.
Theo đại biểu Cường và một số đại biểu khác, để khắc phục điều này, vấn đề lập quy hoạch, kế hoạch và điều chính quy hoạch, kế hoạch phải có sự tham gia của người dân và chuyên gia. Trong khi đó, dự thảo sửa đổi lần này lại bỏ việc lấy ý kiến của hội đồng nhân dân cấp xã (nơi người dân có thể có ý kiến). ĐB Cường đề nghị nên xem xét lại điều này hoặc tạo ra một cơ chế để người dân góp phần góp ý, giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị đưa ra các cơ chế để “bịt” những kẽ hở dễ xảy ra tham nhũng trong thu hồi đất. Đại biểu Vi Thị Hương (Điện Biên) cho rằng, dự thảo Luật quy định trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước có thế thu hồi đất ở các dự án phục vụ lợi ích công cộng (thu hồi theo bảng giá đất do Nhà nước công bố). Tuy nhiên, nhiều khi lợi ích công cộng lại khó xác định nên dễ xảy ra tiêu cực, khiếu kiện.
“Khi xây dựng một khu đô thị có thể là lợi ích công cộng nhưng cũng có thể là lợi ích của một nhóm người, của doanh nghiệp; vì vậy cần xác định nội hàm lợi ích công cộng ngay trong luật” - đại biểu Hương nói.
ĐB Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) đề nghị, dự thảo nên hướng đến quy định khung để quy trình thủ tục thu hồi đất được diễn ra một cách công khai, minh bạch.
Sỹ Lực
theo Dân Việt