Sự kiện hot
12 năm trước

Sửa luật thuế TNCN: Nhiều điểm thiếu thuyết phục

Dự thảo Tờ trình Chính phủ “Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)” đã hé lộ những căn cứ chủ yếu để Bộ Tài chính đưa ra mức giảm trừ gia cảnh mới. Tuy nhiên, qua thực tế phân tích vẫn còn nhiều điểm thiếu thuyết phục.

Dự thảo Tờ trình Chính phủ “Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)” đã hé lộ những căn cứ chủ yếu để Bộ Tài chính đưa ra mức giảm trừ gia cảnh mới. Tuy nhiên, qua thực tế phân tích vẫn còn nhiều điểm thiếu thuyết phục.

Căn cứ cho mức giảm trừ mới

Dự thảo Tờ trình của Bộ Tài chính chỉ rõ, đề xuất sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh được tính toán, cân nhắc qua tham khảo các thông tin sau:  

(I) Theo tốc độ tăng trưởng GDP, với tỷ lệ tăng trưởng GDP những năm qua 2009 đến 2011 và dự kiến bình quân 5 năm tới (2011 – 2015) vào khoảng 6,5%-7% thì mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế 4 triệu đồng/tháng tính theo tốc độ tăng trưởng GDP đến năm 2014 sẽ vào khoảng 5,85 triệu đồng/tháng.  

(II) So với biến động về chỉ số giá (CPI) trong giai đoạn từ năm 2009 – 2011 và dự kiến các năm sau CPI ở mức dưới 2 con số, thì mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế 4 triệu đồng/tháng tính theo trượt giá đến năm 2014 khoảng 6,5 triệu đồng/tháng.

Với những gì đã sửa đổi, liệu thuế thu nhập cá nhân đã phù hợp với điều kiện mới?. Ảnh: KT

(III) Thông tin tại Đề án Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2013-2020 do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo có đưa ra một số phương án về mức tiền lương tối thiểu, căn cứ vào khả năng cân đối của NSNN thì mức tiền lương tối thiểu cao nhất vào năm 2014 là khoảng 1.650.000 đồng/tháng.  

(IV) Kết quả điều tra xã hội học của Tổng cục Thống kê về thu nhập và mức sống dân cư năm 2010, cụ thể: Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 tính chung cả nước theo giá hiện hành đạt 1.387.000đồng/người/ tháng, trong đó, nhóm hộ giàu nhất đạt mức bình quân 3.411.000 đồng/tháng/người. Giả định tính toán với tốc độ tăng thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 20% thì đến năm 2014 mức thu nhập bình quân sẽ vào khoảng 2.876.000 đồng/ tháng/người, thu nhập bình quân của nhóm thu nhập cao nhất có thể đạt khoảng 7.073.000 đồng/tháng/người.

Ngoài ra, Tổ biên tập còn cho biết đã tham khảo kinh nghiệm cải cách thuế TNCN của một số nước trên thế giới. Theo đó “hầu như không có nước nào quy định mức giảm trừ gia cảnh dựa theo một chỉ tiêu, chỉ số cố định mà thường căn cứ vào nhiều yếu tố như yêu cầu động viên vào ngân sách, chế độ an sinh xã hội, khả năng, thu nhập và mức sống dân cư để xác định mức giảm trừ hoặc đánh thuế từ đồng thu nhập đầu tiên”.

Thiếu thuyết phục

Căn cứ vào những thông số trên, có thể thấy mức giảm trừ gia cảnh 6 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế, đã được ban soạn thảo lựa chọn ở mức tối thiểu, sát với tính toán theo tốc độ tăng GDP đến năm 2014. Mức giảm trừ này được đánh giá là sẽ “không gây khó khăn cho đời sống của người nộp thuế”.

Tuy nhiên, có những căn cứ cho thấy nhận định này khó thuyết phục. Ngay trong tờ trình, tại mục I.2 “Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật thuế”, cơ quan soạn thảo chỉ ra, với mức giảm trừ 4 triệu đồng/tháng: “Thực tế từ năm 2009 đến nay, do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng, suy thoái toàn cầu dẫn đến giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng cao (chỉ số CPI năm 2009: 6,52%; năm 2010: 11,75%; 2011: 18.13%) làm ảnh hưởng đến đời sống của người nộp thuế”.

Như vậy, có thể hiểu Ban soạn thảo đánh giá mức giảm trừ gia cảnh 4 triệu đồng/tháng đã không còn phù hợp. Thế nhưng, mức “không phù hợp” 4 triệu đồng/tháng này lại đang cao gấp 4,8 lần mức lương tối thiểu (830.000 đồng/tháng), trong khi đó mức giảm trừ 6 triệu đồng/tháng dự kiến áp dụng cho năm 2014 chỉ cao gấp 3,6 lần mức lương tối thiểu dự kiến. Nếu so sánh với mức lương tối thiểu năm 2009, thời điểm Luật thuế TNCN có hiệu lực thi hành thì mức giảm còn lớn hơn nữa. Bởi, năm 2009, mức giảm trừ gia cảnh 4 triệu đồng/tháng, cao gấp 6,15 lần mức lương tối thiểu là 650.000 đồng/tháng. Chưa kể, mức giảm trừ 6 triệu đồng/tháng nếu được thông qua sẽ không chỉ áp dụng cho riêng một năm 2014, mà có thể kéo dài trong các năm tiếp sau đó, tức là người nộp thuế sẽ ngày càng khó khăn hơn cùng với tăng trưởng và lạm phát. 

Ban soạn thảo cũng cho rằng, “mức giảm trừ 6 triệu đồng/tháng tương đương 1,7 lần mức GDP bình quân đầu người năm 2014 (cao nhất so với các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng và khá hơn nước ta)”. Các nước mà Ban soạn thảo đã tham khảo số liệu về tỷ lệ so sánh giữa mức giảm trừ gia cảnh với GDP bình quân đầu người của Malaysia là 0,312 lần mức GDP bình quân đầu người; Thái Lan (0,526); Indonesia (0,527) và Trung Quốc (1,23).

Tuy nhiên, sẽ thuyết phục hơn nếu Ban soạn thảo chỉ ra những con số cụ thể GDP bình quân đầu người của các nước này là bao nhiêu và hiện gấp bao nhiêu lần GDP bình quân đầu người của Việt Nam thì sẽ thuyết phục hơn. Chẳng hạn, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) năm 2008, trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 1.042 USD thì của Malaysia là 8.118 USD; Thái Lan là 4.108 USD; Indonesia là 2.238 USD; Trung Quốc là 3.403 USD…

Việc sửa đổi mức giảm trừ còn nhiều điểm chưa thoả đáng, thì có những điểm căn bản hơn cần sửa đổi lại chưa được Ban soạn thảo đề cập đến. Ngay thời điểm Luật Thuế TNCN có hiệu lực (tháng 1/2009), các chuyên gia kinh tế đã lên tiếng về những bất hợp lý ở mức thuế suất ở những nấc thang đầu quá cao, sẽ gây khó khăn cho những người chỉ có thu nhập từ lương. Ngoài ra, biểu thuế luỹ tiến từng phần quá dày, với 7 bậc sẽ gia tăng gánh nặng cho những người có thu nhập chịu thuế ở những nấc thang đầu, hơn là khuyến khích người dân nộp thuế…

Với những gì đã được “sửa”, liệu sắc thuế này đã phù hợp với điều kiện mới?

Theo GiadinhNet


Từ khóa: