Sử dụng tế bào tim chuột và polymer silicone, các nhà nghiên cứu đã tạo được một con sứa nhân tạo có thể bơi như sứa thường.
Sử dụng tế bào tim chuột và polymer silicone, các nhà nghiên cứu đã tạo được một con sứa nhân tạo có thể bơi như sứa thường.
Sứa nhân tạo hoạt động trong bồn chứa dung dịch dẫn điện - Ảnh: ĐH Harvard
Sứa nhân tạo có bề ngoài kỳ quặc này, được gọi là Medusoid, không chỉ được "sinh" ra bởi lòng hiếu kỳ, mà còn là mô hình chuẩn để nghiên cứu chức năng sinh lý tim mạch, theo Kevin Kit Parker, chuyên gia công nghệ sinh học thuộc Đại học Harvard (Mỹ).
Ý tưởng ở đây là nhằm quan sát sự co bóp của cơ tim và để xác định liệu có sự tương đồng cơ bản nào giữa tim và những cơ quan nội tạng khác, theo AFP dẫn lời chuyên gia Parker.
Được biết, sứa đẩy thân mình đi tới bằng hành động bơm lên xuống.
Để tạo ra sứa nhân tạo, chuyên gia Parker dùng tế bào cơ tim và một tấm màng silicone mỏng. Cùng với các nhà nghiên cứu đến từ Viện Công nghệ California, ông và nhóm của mình thiết kế và sắp xếp tế bào cùng silicone theo một mô hình bắt chước cấu trúc của sứa thật.
Sau đó, họ gắn sinh vật vào một cái bể chứa đầy dung dịch dẫn điện và kích điện toàn bồn.
Kết quả là sứa nhân tạo bắt đầu chuyển động bơm đẩy, không khác gì sứa thật, tất nhiên nó chẳng ăn uống và sản sinh được như sứa tự nhiên, theo báo cáo trên chuyên san Nature Biotechnology.
Tùy theo lĩnh vực mà các chuyên gia có sự quan tâm khác nhau đối với mô hình sứa này.
Riêng ông Parker muốn dùng Medusoid để phát triển thuốc dành cho tim mạch, cũng như làm bước đệm cho các thiết kế mới về tim nhân tạo.
Hạo Nhiên
Theo Thanhnien