Sự kiện hot
3 năm trước

Sức bật cho kinh tế nông thôn từ sản phẩm OCOP

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã được đông đảo người dân và doanh nghiệp quan tâm, hưởng ứng. Nhiều mặt hàng nông sản đã xây dựng được thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường, góp phần tạo “sức bật’’ cho nông nghiệp, nông thôn

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Chương trình OCOP quốc gia giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất khoảng 400-500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.

Chương trình cũng ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể OCOP là các doanh nghiệp; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương, tạo "sức bật" cho kinh tế nông thôn. 

Sức bật cho kinh tế nông thôn từ sản phẩm OCOP - Ảnh 1

Thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 về tiếp tục xây dựng nông thôn mới “toàn diện, nâng cao và bền vững,” theo đó một trong những nội dung quan trọng là “Đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm.”

Trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình tiếp tục là giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, triển khai hiệu quả và đồng bộ các nhiệm vụ ưu tiên như triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế nhằm phát huy bản sắc vùng miền, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân, thúc đẩy giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, các sản phẩm OCOP phải theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa; tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu...

Chương trình OCOP quốc gia giai đoạn 2021-2025 hướng đến thúc đẩy phát triển xanh, bền vững, vì vậy các địa phương xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, hướng tới kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong hồ sơ đăng ký tham gia chương trình phải có giải pháp bảo vệ môi trường (xử lý chất thải) khi triển khai sản xuất và các phương án bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển xanh, bền vững. Đồng thời đưa ra các cam kết bảo vệ môi trường, đánh giá tác động bảo vệ môi trường hoặc kế hoạch thu gom rác thải, hệ thống xử lý chất thải... khi tiến hành sản xuất. Đến nay, khi thực hiện chương trình, các địa phương đều bám sát và thực hiện theo tiêu chí đề ra.

Nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trong Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" là đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, đã có hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý như chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì (Hà Giang); chè Tân Cương (Thái Nguyên); càphê (Sơn La), lúa gạo (Sóc Trăng, An Giang)…; hình thành 393 chuỗi giá trị OCOP hoạt động hiệu quả với vai trò tích cực của hợp tác xã và doanh nghiệp... 

Trong giai đoạn mới, khi triển khai Chương trình OCOP quốc gia giai đoạn 2021-2025, các địa phương đều tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Theo đó, các địa phương đã chủ động đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy chuyển đổi, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, đây được xem là bệ phóng cho các sản phẩm OCOP trong 5 năm tới với mục tiêu góp phần nâng cao thu nhập của người dân, tránh bị thương lái ép giá, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững. 

Để sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử, đơn vị sản xuất phải có giấy chứng nhận, đăng ký sản phẩm; số tài khoản ngân hàng, địa chỉ, số điện thoại và các thông tin liên quan đến sản phẩm như hình ảnh, giá bán, cam kết về chất lượng với các sàn thương mại điện tử...

Đại diện nhiều địa phương cho rằng hiện nay, việc phân phối, tiêu thụ hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử được xem là một trong những giải pháp mới và hiệu quả trong đẩy mạnh tiêu thụ nông đặc sản của địa phương hay các sản phẩm OCOP của địa phương. Chẳng hạn như các sản phẩm OCOP Quảng Ninh như nước mắm Sá Sùng, muối tôm Sá Sùng của Newstar, sản phẩm trà hoa vàng của Quy Hoa… nhờ hiện diện trên các sàn thương mại điện tử nên đã được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, đặc biệt bước đầu có khách hàng nước quốc tế quan tâm, tìm hiểu...

Thực tế, nếu chỉ bán hàng theo kênh truyền thống thì lượng hàng tiêu thụ sẽ không được nhiều và không quảng bá được sản phẩm. Đặc biệt, thời gian qua, khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai bán sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử đã mang lại hiệu quả cao, giúp doanh nghiệp duy trì, phát triển. Ngoài ra, việc đẩy mạnh bán hàng trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo... cũng như trên các trang thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee, Tiki… mang lại triển vọng và là cơ hội để sản phẩm OCOP địa phương được biết đến rộng rãi trong nước cũng như quốc tế và hướng đến xuất khẩu.

Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử cùng với các kênh tiêu thụ khác nhau như hệ thống siêu thị, điểm bán hàng OCOP... đã thu hút được lượng khách hàng nhất định, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra, các sản phẩm OCOP cũng được đẩy mạnh tiêu thụ thông qua các chương trình tôn vinh hàng Việt như “Thương hiệu Việt của năm,” “Yêu Việt Nam, dùng hàng Việt Nam,” “Người Việt tự hào dùng hàng Việt”… khuyến khích người Việt tiêu dùng hàng Việt,  với các mã khuyến mại giảm giá hấp dẫn và các chương trình khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.

OCOP tiếp tục góp phần tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn. Để việc tiêu thụ sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử tiếp tục mang lại hiệu quả, thời gian tới, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn các hộ sản xuất, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp... những kỹ năng cần thiết để đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử; đồng thời nâng cao ý thức của chủ thể trong sản xuất nông sản an toàn, bảo đảm chất lượng đã cam kết với các sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, các cơ quan chức năng tiếp tục kết nối, tăng số lượng các sàn thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản Việt.

Bảo Anh (T/h)/ KTDU

Từ khóa: