Sự kiện hot
4 năm trước

Sức bật của kinh tế Việt Nam trước làn sóng COVID-19

Tăng trưởng kinh tế càng về cuối năm, càng lấy lại được “phong độ” với mức tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 ước đạt từ 2 - 3%, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so năm 2015, Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ phát huy nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hóa, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế.

Giải ngân vốn đầu tư công có mức tăng cao kỷ lục trong vòng 10 năm qua

Giải ngân vốn đầu tư công có mức tăng cao kỷ lục trong vòng 10 năm qua

Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Từ năm 2002 đến 2018, GDP đầu người tăng 2,7 lần, đạt trên 2.700 USD năm 2019, với hơn 45 triệu người thoát nghèo. Tỉ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6% (3,2 USD/ngày theo sức mua ngang giá). Đại bộ phận người nghèo còn lại ở Việt Nam là dân tộc thiểu số, chiếm 86%.

Năm 2019, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục cho thấy có nền tảng mạnh và khả năng chống chịu cao, nhờ nhu cầu trong nước và sản xuất định hướng xuất khẩu vẫn ở mức cao.

GDP thực tăng ước khoảng 7% trong năm 2019, tương tự tỉ lệ tăng trưởng năm 2018, là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực.

Do hội nhập kinh tế sâu rộng, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Cho đến thời điểm hiện tại, khó có thể nói tới sức bật của nền kinh tế trong lúc này, bởi những tác động của đại dịch COVID-19 vẫn rất nặng nề. Tuy nhiên, sự bền bỉ, sức dẻo dai là điều có thể nhìn thấy rất rõ qua các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng của năm 2020.

Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%; nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%. Đây là con số đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến nền kinh tế trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu (EU). Trong 11 tháng qua, con số xuất siêu của Việt Nam đạt trên 20,1 tỉ USD - mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Các mặt hàng tiềm năng như gạo, trái cây, gỗ, thủy sản của Việt Nam vẫn đang chiếm lĩnh các thị trường quan trọng, kể cả các thị trường đang bị COVID-19 ảnh hưởng chưa khắc phục được hoàn toàn.

Tòa nhà Landmark 81 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tòa nhà Landmark 81 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đã dần tăng lên: 10 tháng chỉ là 4,7%, còn bây giờ, con số là 5,3%. Tương tự, tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cũng nhích dần. 10 tháng, tốc độ tăng chỉ là 0,4%, còn 11 tháng là 1,5%.

Còn theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 11/2020 ước tính đạt 25,14 tỷ USD, giảm 7,8% so với tháng trước, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 254,93 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8%). Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 73,05 tỷ USD, tăng 1,6%, chiếm 28,65% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,88 tỷ USD, tăng 7,1%, chiếm 71,35%.

Trong 11 tháng, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%).

Cụ thể: Điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 46,9 tỷ USD, chiếm 18,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 40,2 tỷ USD, tăng 24,3%; hàng dệt may đạt 26,7 tỷ USD, giảm 10,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 23,9 tỷ USD, tăng 44,5%; giày dép đạt 14,9 tỷ USD, giảm 9,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,9 tỷ USD, tăng 14,1%.

Tính về nhóm hàng xuất khẩu, trong tháng 11/2020, ngoại trừ nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản có kim ngạch giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2019, các nhóm hàng khác đều đạt mức tăng trưởng khả quan.

Nhóm hàng nông, lâm thủy sản xuất khẩu ước đạt 2,22 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, nhu cầu thế giới phục hồi cũng kéo theo giá xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản đều tăng so với tháng trước cũng như cùng kỳ năm 2019.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng trong tháng 11/2020 với kim ngạch đạt 20,97 tỷ USD, tăng 8,2% so với tháng 11/2019. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2019 và đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng chung với kim ngạch ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 11 tháng đầu năm, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 69,9 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 43,1 tỷ USD, tăng 16%. Thị trường EU đạt 32,2 tỷ USD, giảm 2,4%. Thị trường ASEAN đạt 20,9 tỷ USD, giảm 10,6%. Hàn Quốc đạt 17,7 tỷ USD, giảm 2,7%. Nhật Bản đạt 17,3 tỷ USD, giảm 6,5%.

Cùng với tình hình tương đối khả quan của xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 234,78 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Hàng hóa tập trung vào các nhóm hàng cần nhập khẩu với kim ngạch ước đạt 207,39 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 88,44% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Tính chung 11 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu kỷ lục 20,16 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,8 tỷ USD).

Giải ngân đầu tư công

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác giải ngân đầu tư công năm 2019 đạt 406.800 tỷ đồng, đây là mức tăng cao kỷ lục trong vòng 10 năm qua. Giai đoạn 2011 - 2019, giải ngân đầu tư công cao nhất chỉ đạt 15%.

Để đạt được kết quả này, từ đầu năm tới nay, Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp giao ban để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ cũng lập đoàn công tác xuống từng địa phương tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công.

Tại phiên họp Chính phủ ngày 02/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo riêng về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến 30/11/2020 là 336.012,19 tỷ đồng đạt 71,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (470.600 tỷ đồng) (cùng kỳ năm 2019 đạt 53,96% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 58,16% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), trong đó vốn nước ngoài là 20.586,26 tỷ đồng (đạt 40,21% kế hoạch).

Đối với kế hoạch các năm trước kéo dài chuyển sang năm 2020 (91.827,06 tỷ đồng), lũy kế thanh toán đến 31/10/2020 đạt 60,94% kế hoạch; ước thanh toán 11 tháng đạt 67,11% kế hoạch.

Mặc dù giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong 10 năm qua, nhưng khối lượng vốn đầu tư công đến cuối năm vẫn lên tới 200.000 tỷ đồng. Trong đó, đặc biệt là nguồn vốn ODA. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư được cho là do nhiều nguyên nhân. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ.

Sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn thiếu chặt chẽ. Công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù, di dời các công trình tiện ích, chồng lấn về công tác thi công, đây là nút thắt lớn nhất trong giải ngân vốn đầu tư công…

Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế cho rằng, để tăng tốc giải ngân cần áp dụng chế tài mạnh, nêu rõ trách nhiệm và công khai danh tính của đơn vị chưa đạt yêu cầu. Từ đó tăng cường giám sát từ phía cộng đồng.

Thời gian tới để giải quyết vấn đề chậm giải ngân đầu tư công không những cần sự chỉ đạo tích cực hơn nữa từ Chính phủ mà còn cần sự nỗ lực tự thân của các bộ, ngành, địa phương. Sự minh bạch cũng cần được nhấn mạnh, duy trì thông qua công khai quy trình giải ngân đến từng đơn vị liên quan dự án. Đặc biệt, phải bảo đảm cho thực hiện thanh toán trong thời hạn 4 ngày kể từ khi có khối lượng được nghiệm thu.

Để vực dậy cả nền kinh tế đang lao đao do đại dịch Covid-19, cần sự can thiệp mạnh mẽ từ Chính phủ bằng các công cụ kinh tế vĩ mô và sự tự cân bằng, điều chỉnh của kinh tế thị trường.

Tạ Thành

Theo KTDU

Từ khóa: