Chuyến đi này sẽ giới thiệu với bạn về lịch sử và sức hấp dẫn của con đường hành hương Kumano Kodo Iseji nối 2 thánh địa lớn của Nhật Bản là Kumano Sanzan và đền thờ Ise Jingu.
Cổ đạo Kumano Kodo – con đường hành hương của người Nhật (Ảnh: Matcha-Japan)
Lịch sử và bối cảnh hình thành cổ đạo Kumano Kodo – con đường hành hương của người Nhật
Kumano Kodo là con đường cổ đưa những người hành hương từ các nơi trên khắp nước Nhật hướng về Kumano Sanzan (bao gồm: Đền thờ Kumano-Hayatama-taisha, Đền thờ Kumano-Nachi-taisha, Đền thờ Kumano-Hongu-taisha) nằm ở tỉnh Wakayama. Nhắc đến con đường hành hương, nếu ở Tây Ban Nha có đường hành hương đồng thời là di sản thế giới Santiago De Compostela nổi tiếng, thì ở Nhật Bản có cổ đạo Kumano Kodo.
Năm 2004, một số tuyến đường, tiêu biểu như Iseji, cùng các điểm tham quan gắn liền với những tuyến đường này được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới, và là con đường hành hương danh bất hư truyền được cả thế giới công nhận.
Vậy điều gì đã khiến biết bao con người đều hướng về Kumano?
Kumano là địa danh chỉ vùng đất phía nam bán đảo Kii thuộc tỉnh Wakayama và tỉnh Mie hiện tại. Đây được xem là nơi cầm giữ linh hồn của người chết, tên gọi Kumano cũng bắt nguồn từ chữ “Komoru” nghĩa là “cầm giữ” trong tiếng Nhật.
Kumano là địa danh chỉ vùng đất phía nam bán đảo Kii (Ảnh: Matcha-Japan)
Sau khi Phật giáo được truyền bá vào Nhật Bản, dựa trên tư tưởng của Thuyết Bản Địa Thùy Tích, người đời bắt đầu tin rằng, những vị thần linh được thờ ở Kumano Sanzan chính là hiện thân của đức Phật xuất hiện để cứu giúp những người Nhật Bản xa xứ. Tín ngưỡng xem trọng cả Thần và Phật là một đặc trưng tôn giáo của Nhật Bản, và Kumano là một trong những vùng đất hình thành nên tín ngưỡng tôn giáo ấy.
Kumano là một trong những vùng đất hình thành nên tín ngưỡng tôn giáo (Ảnh: Matcha-Japan)
Vào cuối thời đại Heian (794 - 1185), do tình hình xã hội trong nước bất ổn và ảnh hưởng bởi sự phát triển của thế giới lúc bấy giờ nên tín ngưỡng Tịnh Độ với quan niệm con người sẽ được tái sinh ở miền cực lạc cũng bắt đầu thịnh hành. Vì người ta vẫn luôn nghĩ Kumano là nơi cầm giữ linh hồn người chết đúng như nguồn gốc tên gọi của nó, nên không biết từ khi nào họ dần tin rằng đây là nơi các linh hồn sẽ đi qua để đến miền cực lạc. Từ đó, Thái Thượng Hoàng (Thiên Hoàng đã thoái vị) và hoàng gia, quý tộc thường tề tựu về thăm vùng đất Kumano.
Chẳng bao lâu sau, hành trình đến Kumano ngày càng mở rộng và phổ biến hơn trong dân chúng, những người hành hương vượt qua bao núi đèo nguy hiểm để đến Kumano Sanzan với cả tấm lòng mong muốn đến gần hơn với miền cực lạc. Số người hành hương đến đây ngày càng nhiều không đến xuể và cứ thế con đường Kumano Kodo được hình thành như ngày nay.
Đôi nét về con đường hành hương Kumano Kodo Iseji
Trong số những con đường được công nhận là di sản thế giới, đường Iseji nối đền thờ Ise Jingu của tỉnh Mie và Kumano Sanzan là con đường dài nhất.
Điểm xuất phát là đền thờ Ise Jingu
Con đường Iseji xuất phát từ điện Naiku của đền thờ Ise Jingu - một ngôi đền được tôn sùng bậc nhất ở Nhật. Đây là ngôi đền thờ thần mặt trời Amaterasu Omikami.
Con đường Iseji xuất phát từ điện Naiku của đền thờ Ise Jingu (Ảnh: Japanhoppers)
Việc viếng thăm đền thờ Ise Jingu phổ biến nhất trong dân chúng vào thời đại Edo (1603 - 1868), tương truyền rằng thời bấy giờ cứ 6 người thì có 1 người đến thăm ngôi đền này. Trong số những người hành hương trên con đường Iseji có những người trẻ tuổi đại diện cho một vùng, họ tìm đến đây để cầu xin cho những người bị tàn tật hoặc những người già không có sức khỏe đang sống cùng khu vực với họ.
Đôi nét về đoạn đường đèo
Suốt chặng đường Iseji dài khoảng 170 km có rất nhiều đoạn đường đèo biến đổi phức tạp. Ngoài ra, con đường dài Hama Kaido trải dọc theo bờ biển là điểm vô cùng hấp dẫn duy chỉ có ở đường Iseji mà không có ở con đường Kumano Kodo khác.
Hama Kaido trải dọc theo bờ biển (Ảnh: Japanhoppers)
Con đường lát đá là biểu tượng của cổ đạo Kumano Kodo, được xây dựng từ khoảng 400 năm trước, người ta cho rằng con đường này được tạo nên nhằm tránh ùn tắc do mưa nhiều làm lở đường. Con đường tuyệt đẹp này được hoàn thành phần nhiều nhờ vào đá nham thạch hình thành từ dung nham núi lửa phun trào cách đây khoảng 15 triệu năm trước.
Con đường lát đá là biểu tượng của cổ đạo Kumano Kodo (Ảnh: Japanhoppers)
Không chỉ thế, những cây bách Nhật vươn lên giữa rừng với độ rộng vòng năm hẹp và chất gỗ chắc chắn cũng là một thương hiệu được đánh giá cao trong cả nước. Ngành lâp nghiệp với truyền thống lâu đời vẫn tiếp tục phát triển dọc hai bên đường góp phần tạo nên môi trường tự nhiên độc đáo của vùng này.
Ở các đèo có đặt tượng Địa Tạng Bồ Tát giống như những biển chỉ đường. Đi bộ trên đường đèo ở thời đường sá chưa được trạng bị đầy đủ là rất nguy hiểm, có thể gặp tai nạn bất cứ lúc nào. Và những bức tượng Bồ Tát không biết tồn tại đó tự bao giờ như lặng lẽ khích lệ và tiếp thêm sức lực cho những kẻ hành hương cô độc.
Đường Hama-Kaido chạy dọc theo bờ biển
Sau khi vượt qua ngọn đèo cuối cùng Matsumoto-Toge, bạn chỉ cần đi qua con đường Hama-Kaido trải dọc theo vùng biển mênh mông là sẽ đến đền thờ Kumano Hayatama-taisha.
Con đường Hama-Kaido trải dọc theo vùng biển mênh mông (Ảnh: Japanhoppers)
Ở Hama Kaido có các điểm tham quan như: Onigajo - được cho là nơi có con quỷ ẩn mình trong hang động được hình thành nên bởi sự phong hóa của sóng biển và gió.
Ở Hama Kaido có nhiều điểm tham quan. (Ảnh: Japanhoppers)
Tín ngưỡng Kumano quan niệm rằng linh hồn của người đã khuất cũng như các thần linh sẽ trú ngụ trong thiên nhiên như trong thác nước hay vách đá... Đền thờ Hana-no-Iwaya-jinja chính là thánh địa của tín ngưỡng tự nhiên đó nên nhất định đừng bỏ lỡ.
Đích đến là đền thờ Kumano Hayatama-taisha
Từ Hama-Kaido băng qua sông Kumano-gawa, cuối cùng cũng đến được đích là đền thờ Kumano Hayatama-taisha.
Đền thờ Kumano Hayatama-taisha. (Ảnh: Japanhoppers)
Tại đây, bạn có thể nhận được bùa giải hạn gọi là Kumano Go-o-fu. Lá bùa của đền thờ Kumano Hayatama-taisha dùng để cầu sức khỏe và xua đuổi điều xấu. Trên lá bùa có vẽ chữ cách điệu sử dụng hình ảnh quạ 3 chân (Yatagarasu) - được xem là hiện thân của thần linh ở Kumano Sanzan.
Và thế là chặng đường dài mang tên Iseji kết thúc tại đây. Những người hành hương đã đạt được mục tiêu của cuộc hành trình sẽ nghỉ ngơi sau chặng đường mệt nhoài. Và đây sẽ lại là điểm xuất phát cho một hành trình mới của họ.
Hành trình càng khó khăn càng giúp con người cảm nhận rõ ràng hơn về thành quả đạt được và càng thêm tự tin vào bản thân để lại bắt đầu cuộc hành trình mới. Hình ảnh đó của những người hành hương dường như khiến cho chính những con người sống ở thời hiện đại như chúng ta cũng ngộ ra điều gì đó phải không?!
Bùa giải hạn gọi là Kumano Go-o-fu. Lá bùa của đền thờ Kumano Hayatama-taisha dùng để cầu sức khỏe và xua đuổi điều xấu (Ảnh: Japanhoppers)
Trên đây là phần giới thiệu về lịch sử của con đường Kumano Kodo và con đường từ đền thờ Ise Jingu đến đền thờ Kumano Hayatama-taisha.
Trong chuyên đề tiếp theo chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn hành trình tiêu biểu của đèo Umakoshi-Toge và đèo Matsumoto-Toge. Nếu bạn muốn thử đi bộ trên con đường Kumano Kodo thì hãy đón xem!
Phương Lâm
Theo ĐSPL, Vietnammoi