Là một trong hai xã khu vực biên giới của huyện Sa Thầy (Kon Tum) thuộc diện “khó khăn”, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền cùng quân và dân xã Rờ Kơi luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc nơi đây.
Rờ Kơi là xã biên giới có vị trí nằm ở phía bắc của huyện Sa Thầy, cách trung tâm huyện 18 km, giáp ranh với hai huyện trong tỉnh Kon Tum, đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia dài 11,5 km.
Tổng diện tích đất tự nhiên xã Rờ Kơi lên tới 29.869 ha, trong đó diện tích rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray vào khoảng 21.497 ha, chiếm 72% diện tích của địa phương. Đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Ha Lăng chiếm trên 90% được phân bố ở 6 thôn; Rờ Kơi có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng biên giới của tỉnh Kon Tum.
Trong chuyến đi thực tế, thực hiện Chuyên đề “Tuyên truyền phát triển kinh tế khu vực vùng biên giới”, chúng tôi có dịp đến thăm và làm việc với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Rờ Kơi – một trong những Đồn khó khăn nhất trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Trên đường di chuyển vào Đồn Rờ Kơi, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những cung đường đèo hiểm trở của núi rừng Tây Nguyên khi ánh hoàng hôn đang khuất dần sau những đỉnh núi. Khi xe chúng tôi chạy tới Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đắk Rơ Mao thì được một cán bộ biên phòng đón và dẫn vào Đơn vị.
Lúc này, chuyến hành trình vào Đồn Rờ Kơi mới thực sự bắt đầu; qua sự hướng dẫn của cán bộ biên phòng, xe chúng tôi bắt đầu di chuyển chạy xuyên qua Vườn Quốc gia Chư Mom Ray – nằm ở khu vực ngã ba Đông Dương Việt Nam, thuộc địa phận hai huyện của tỉnh Kon Tum là Sa Thầy và Ngọc Hồi; nơi đây được biết đến là khu vườn quốc gia duy nhất của Việt Nam giáp với Vườn Quốc Gia Virachey của Campuchia và Khu bảo tồn Đông Nam Ghong của Lào.
Băng qua những đoạn đường mòn nhỏ hẹp với cánh rừng già, xe chúng tôi tiếp tục vượt qua những sườn dốc khúc khuỷu. Có những lúc, xe phải dừng lại bởi cây gỗ, viên đá lớn chắn ngang đường cản bánh xe tạo nên một cảm xúc khó tả trong mỗi chúng tôi và phần nào cảm nhận được sự vất vả, khó khăn của từng cán bộ, chiến sĩ biên phòng Rờ Kơi.
Sau khoảng hơn 1 tiếng, vượt qua đoạn đường rừng dài khoảng 12 km, chúng tôi đã có mặt tại Đồn Biên phòng Rờ Kơi lúc trời nhá nhem tối. Đồn có vị trí nằm trong khu vực rừng giáp với nước bạn Campuchia nên không có điện lưới mà chỉ sử dụng điện năng lượng mặt trời để phục vụ cho công việc, chiếu sáng và sinh hoạt hàng ngày.
Cùng với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Rờ Kơi luôn tích cực phối hợp với chính quyền và người dân địa phương cùng Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray tuần tra, kiểm soát, bảo vệ tài nguyên rừng; triển khai nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội; điển hình là mô hình hỗ trợ con giống, cây giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho các hộ gia đình nghèo trên địa bàn.
Trao đổi với Phóng viên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của xã Rờ Kơi, ông Rơ Châm Huệ - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Rờ Kơi vốn là một trong nhiều xã đặc biệt khó khăn của huyện Sa Thầy; hơn nữa, còn thuộc xã khu vực biên giới nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương luôn nhận được sự kết hợp, đồng hành của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Rờ Kơi...”.
“Người dân trên địa bàn xã Rờ Kơi hoạt động kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp nhưng thiếu tính bền vững, manh mún nhỏ lẻ; mặc dù, đất đai rộng nhưng người dân chưa phát huy được lợi thế. Những năm qua, được sự quan tâm của huyện với chính sách thay đổi cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ cây mì (cây sắn) kém hiệu quả và cây cao su không có giá cao sang trồng thêm cây sầu riêng, cây mắc ca... hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương”, ông Rơ Châm Huệ cho biết thêm.
Dù là xã biên giới còn có nhiều khó khăn nhưng các cấp học trên địa bàn xã Rờ Kơi luôn được huyện Sa Thầy, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cùng Đảng ủy, HĐND, UBND xã và người dân trên địa bàn xã quan tâm. Bởi lẽ, trường học – nơi nuôi dưỡng tâm hồn, ươm mầm tài năng cho các em nhỏ; thế hệ tương lai của đất nước được toàn xã hội quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để học tập; sau này lớn lên, các em sẽ góp phần xây dựng quê hương đất nước.
Chia sẻ với Phóng viên, cô giáo Đinh Thị Kim Tùng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Rờ Kơi cho hay: “Trường mầm non Rờ Kơi đang trong lộ trình xây dựng trường mầm non đạt Chuẩn quốc gia Mức độ 1 giai đoạn 2020 – 2025; hiện nay, trường có tất cả 5 điểm trường, điểm cách xa trung tâm nhất khoảng 8 km. Năm học 2023 – 2024, nhà trường biên chế 16 nhóm lớp với 415 cháu, có 1 nhóm trẻ và 15 lớp mẫu giáo”.
“Với sự quan tâm, chỉ đạo của huyện Sa Thầy, Phòng GD&ĐT huyện và Đảng ủy, HĐND, UBND xã Rờ Kơi cùng các bậc phụ huynh, Trường Mầm non Rờ Kơi luôn nỗ lực trong công tác huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp. Đồng thời, thường xuyên nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ giáo viên và tăng cường công tác bổ sung đồ dùng trang thiết bị dạy học, tạo môi trường học tập an toàn cho trẻ...”, cô giáo Đinh Thị Kim Tùng nói.
Bên cạnh, những nỗ lực phát triển kinh tế của xã Rờ Kơi, chính quyền địa phương luôn phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc đối với các thế hệ cha ông đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Sa Thầy cũng như xã Rờ Kơi đều là địa bàn chiến lược trọng yếu, nơi đây có dãy Charlie từng được Mỹ - Ngụy xây dựng thành tuyến phòng thủ phía Tây sông Pô Kô. Trong đó, Điểm cao 1015 còn gọi là đồi Sạc Ly (Charlie) nằm trên địa bàn xã Rờ Kơi là một mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ dày đặc phía Tây sông Pô Kô do Tiểu đoàn Dù 11, Lữ Dù 2 Quân lực Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ.
Trận đánh tại Điểm cao 1015 bắt đầu từ ngày 12/4/1972 đến ngày 15/4/1972, Trung đoàn Bộ binh 64 thuộc Sư đoàn 320A của ta do Trung tá Khuất Duy Tiến - Trung đoàn trưởng chỉ huy cùng với quân và dân địa phương tiến công tiêu diệt toàn bộ Tiểu đoàn Dù 11 của địch, bắn rơi 20 máy bay các loại, thu 160 súng và nhiều phương tiện thông tin, quân trang, quân dụng. Quân và dân ta làm chủ Điểm cao 1015, chọc thủng tuyến phòng ngự quan trọng của địch và để các lực lượng khác của chiến dịch tiến vào giải phóng Đăk Tô, Tân Cảnh ngày 24/4/1972.
Ngày nay, cùng với Điểm cao 1049 nằm trên địa bàn xã Hơ Moong thuộc huyện Sa Thầy hay còn gọi là căn cứ Delta nằm trên dãy núi Ngọc Ring Rua và Ngọc Bờ Biêng ở phía Tây của sông Pô Kô thì Điểm cao 1015 đã được Ban Liên lạc Đại đoàn đồng bằng và cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 xây dựng nhà bia tưởng niệm tại cả 2 điểm cao.
Khu tượng niệm của 2 Điểm cao 1015 và 1049 là những công trình tâm linh, kiến trúc độc đáo, mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Hàng năm, nhiều tổ chức, đoàn thể, cá nhân, đặc biệt các cựu chiến binh trong cả nước đã đến dâng hương, tưởng niệm các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, đang yên nghỉ ở nơi đây; Tại 2 điểm cao còn lại nhiều dấu tích của "Mùa hè đỏ lửa 1972" trên mảnh đất Tây Nguyên đầy ác liệt với đạn pháo, bom naban, chất độc hóa học...
Anh Vũ - Vũ Văn
Theo KT&ĐU