Tuần qua, NHNN Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tổ chức đến hai hội thảo về hoạt động tài chính vi mô (TCVM). Ngoài đại diện ngành Ngân hàng, hội thảo có sự tham dự của đại diện nhiều bộ, ngành như Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, đại diện chính quyền một số địa phương…
|
Ảnh minh họa |
Sau nhiều năm, các chương trình, dự án TCVM đã khẳng định sự cần thiết và vai trò của TCVM trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo. Không phủ nhận vai trò của TCVM cũng như hệ thống các TCTD trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhưng thực tế cũng cho thấy những gì chúng ta đã, đang làm là chưa đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu người dân.
Cần phải mở rộng hơn nữa, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng cho người dân, đặc biệt là nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, những người yếu thế trong xã hội… Do đó cần sớm xây dựng và triển khai tài chính toàn diện (hay còn gọi là tài chính bao trùm) để mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính và bảo hiểm một cách thuận tiện phù hợp với chi phí hợp lý.
Liên Hợp quốc xác định tài chính toàn diện là giải pháp quan trọng để đạt được 7 trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Các nước ASEAN cũng coi tài chính toàn diện là một trong ba trụ cột cho tầm nhìn ASEAN 2025. Phát biểu tại Diễn đàn thường niên về Tài chính toàn diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017 Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã đưa ra một số gợi ý:
Trong nhiều khía cạnh của tài chính toàn diện, cần xác định được những nội dung ưu tiên đối với mỗi quốc gia là gì, đặc biệt là những quốc gia nông nghiệp đang phát triển để từ đó định hình, xây dựng chiến lược tài chính toàn diện quốc gia phù hợp.
Thứ hai, cần xác định giải pháp tổng thể để người dân, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn, được tiếp cận dễ dàng và hiệu quả hơn các dịch vụ tài chính.
Thứ ba, cần xác định việc phát triển chuỗi giá trị trực tuyến và các giải pháp nông nghiệp thông minh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu nên ở mức độ nào là phù hợp và các điều kiện đi kèm là gì. Theo Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng, do các nước nông nghiệp đang phát triển như Việt Nam hiện đang đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và từng bước hoàn thiện từ khâu sản xuất – tiêu thụ theo một chu trình khép kín nhằm tạo thêm giá trị gia tăng và tính bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp trước những rủi ro thiên tai, tình trạng dư thừa hoặc sản phẩm kém chất lượng rất dễ xảy ra đối với ngành sản xuất nông nghiệp.
Thứ tư, chúng ta cần tiến hành những giải pháp gì và các thay đổi chính sách như thế nào để nâng cao kiến thức về tài chính cho cộng đồng với mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính; và làm thế nào để tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ cho sự phát triển tài chính vi mô và bảo hiểm vi mô…
Thứ năm, trong điều kiện phát triển mới thì yếu tố cơ bản nào có thể giúp phát triển hệ thống thanh toán và ứng dụng công nghệ hiện đại, qua đó thúc đẩy hiệu quả tài chính toàn diện cũng như đảm bảo an toàn thông tin…
Trở lại vai trò của các tổ chức TCVM, các chuyên gia nhận định: Hoạt động của TCVM có vị trí và vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện. TCVM góp phần hạn chế tín dụng đen, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hụi họ…
Hiện tín dụng đen đã trở thành vấn nạn. Câu chuyện về những người chỉ vay vài triệu đồng mà số tiền phải trả nhân lên đến vài trăm triệu không còn hiếm. Đây không phải là trách nhiệm của riêng bộ, ngành nào, song nếu cùng chung tay, góp sức phát triển tài chính toàn diện chúng ta sẽ dần hạn chế và dẹp bỏ vấn nạn tín dụng đen; đồng thời mang đến nhiều cơ hội hơn cho những người nghèo, người yếu thế trong xã hội và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Hà An
Theo Thời báo Ngân hàng