Sự kiện hot
7 năm trước

Tái cơ cấu DNNN: Lượng nhiều nhưng chất ít

Dù 96,5% số doanh nghiệp được cổ phần hoá, tuy vậy kết quả thực lại đáng thất vọng, chỉ 8% số vốn nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân so với thực tế cần thoái hơn 100.000 tỷ đồng.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, bức tranh cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chưa được phản ánh đầy đủ và chân thực. Nhìn về mặt số lượng thì có thể coi mục tiêu tái cơ cấu DNNN đã đạt (giai đoạn 2011-2015 mục tiêu phải CPH được hơn 530 DN, nhưng con số thực 508 DN).

Không nên đánh đồng số lượng và chất lượng

Báo cáo về hoạt động CPH của các DNNN, đại diện Cục quản lý doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đã CPH thành công hơn 508 DN, năm 2016, có 58 DN được phê duyệt CPH với gần 35.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần vốn điều lệ.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020 sẽ có thêm 137 DNNN sẽ phải CPH. Đáng chú ý trong số những DN phải CPH giai đoạn này có rất nhiều DN lớn như: Sabeco, Habeco, Vinamilk, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2)...

Tính riêng trong năm 2017, dự kiến sẽ có 44 DNNN cổ phần. Tuy nhiên, đến hết tháng 8 đã có hơn 33 DN được phê duyệt phương án CPH với giá trị thực tế khoảng 80.600 tỷ đồng, nhưng giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 20.881 tỷ đồng.


Tuy nhiên, phát biểu tại Hội thảo “Cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài”, đại diện Uỷ ban Kinh tế cho rằng, không nên đánh đồng số lượng và chất lượng. Con số 508 doanh nghiệp (DN) đã CPH được thể hiện trong báo cáo của Bộ Tài chính không phản ánh đầy đủ và chân thực bức tranh CPH nhìn từ góc độ tái cơ cấu nền kinh tế với mục tiêu chính là chuyển nguồn lực quốc gia từ khu vực sử dụng kém hiệu quả (khu vực DNNN) sang khu vực sử dụng hiệu quả (khu vực tư nhân).

Trên thực tế có tới 96,5% số DNNN được CPH nhưng chỉ có 8% số vốn nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân. Đây là nghịch lý đáng lo ngại của quá trình CPH.

Nêu quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho hay, CPH DNNN phải tuân thủ theo nguyên tắc kinh tế thị trường, chứ không thể đi theo “chủ nghĩa thành tích”. Nhưng thời gian qua, CPH lại đi theo chiều hướng “nghịch”. Do đó, mới có việc tổng kết giai đoạn thành tích thì có thật mà kết quả lại “ảo”.


GS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước còn cao

Không chỉ thất bại về chất lượng CPH DNNN giai đoạn 2011-2015, mà mục tiêu đặt ra là thu hút số lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần DNNN cũng chưa đạt được.

Lý giải nguyên nhân, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, do tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước đang ở mức cao, khiến các nhà đầu tư nước ngoài dù có mua cổ phần cũng không có quyền được quyết về “số phận” doanh nghiệp.

Do đó, nhiều ý kiến đề xuất phải giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống mức sàn. Ông Phạm Đức Trung – Trưởng Ban cải cách và phát triển doanh nghiệp (Viện Quản lý kinh tế Trung ương) cho hay: “có DN kế hoạch Nhà nước chỉ giữ 65%, nhưng sau khi IPO vẫn giữ 81%, hay kế hoạch bán cho đầu tư chiến lược 17% nhưng thực tế chỉ bán được 10%...”.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, trong khoảng thời gian hơn 10 năm CPH, số vốn giảm của các DNNN không bằng số vốn đầu tư thêm trong khi hiệu quả làm ăn của DNNN lại giảm so với giai đoạn trước.

"Tôi giật mình vì vốn nhà nước rút khỏi DNNN lại được đầu tư trở lại cho DNNN, không đưa vào thị trường để lực lượng khác sử dụng. Sau một thời gian tái cơ cấu, CPH vài trăm DN nhưng chỉ bán vốn được 8%, còn lại nhà nước vẫn nắm trên 90% thì không giải đáp được bài toán sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước. Như thế là thu hồi vốn ở DN này chuyển sang DN khác, đánh bùn sang ao, không thay đổi được gì", vị chuyên gia này nhận xét.

Trên thực tế, hầu hết các nhà đầu tư là muốn đầu tư làm cổ đông chiến lược với các DN CPH, là mong mỏi gắn bó lâu dài để cùng phát triển công ty chứ không chỉ mua cổ phần để thu phần lợi nhuận giá cổ phiếu.

Vì thế, thời gian qua một số DNNN khi thoái vốn đã ế cổ phiếu như trường hợp của Vinamilk. Trong phiên chào bán cổ phần đầu tiên, chỉ có 60% cổ phần được mua, trong đó chỉ có 2 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua 78.378.300 số cổ phần nói trên là F&N Dairy Investments và F&Nbev Manufaturing – Đây cũng là hai tổ chức duy nhất đăng ký tham gia phiên chào bán cổ phần của Vinamilk.


Cổ phần hóa Vinamilk – dễ mà khó

Lý giải nguyên nhân các chuyên gia cho rằng, ngoài mức giá khởi điểm cao (144.000 đồng/CP), vì việc quy định các nhà đầu tư ngoại chỉ được nắm giữ tối đa 49% cổ phần cũng là rào cản khiến họ không mặn mà với việc mua DNNN.

Đại diện cho cộng cồng DN nước ngoài, ông Tony Foster – Giám đốc điều hành Công ty luật Freshfields (Anh) kiến nghị, Chính phủ cần xem xét sửa đổi các quy định pháp luật để cho phép nhà đầu tư ngoại nắm giữ trên 49% cổ phần trong các DN CPH hay thoái vốn Nhà nước. Như vậy, khi Nhà nước cho phép bán cổ phần chi phối, sẽ thu hút được được sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại, do đó cổ phiếu cũng sẽ bán được giá cao hơn.

Hà Anh

Từ khóa: