Dự kiến trong tháng 5, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư chào bán cổ phần theo lô để xử lý vướng mắc, kiến nghị về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đây là biện pháp tạo sức hút đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.
Điều kiện tham gia
Theo Dụ thảo Thông tư, điều kiện của nhà đầu tư tham gia đấu giá theo lô là phải hỗ trợ kỹ thuật, mở rộng thị trường lĩnh vực sản xuất kinh doanh của DNNN thực hiện cổ phần hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Số cổ phần mua theo lô sẽ không được chuyển nhượng trong vòng 5 năm đầu. Quy định này nhằm tránh tình trạng nhà đầu tư chỉ mua, bán kiếm lời, không tập trung đầu tư phát triển doanh nghiệp.
Quy mô khi mua cổ phần theo lô là toàn bộ số cổ phần cần bán hoặc trên 50% số lượng cổ phần của DNNN cần bán để tổ chức, cá nhân có thể tham gia điều hành công ty (thực tế hiện nay tỷ lệ chào bán cổ phần ít, khiến nhà đầu tư không mặn mà với các kế hoạch cổ phần hóa DNNN). Ngoài ra, việc chào bán cổ phần theo lô sẽ thực hiện theo hình thức đấu giá, không có chỉ định để tránh tiêu cực trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng dự thảo Thông tư quy định bán toàn bộ 100% cổ phần theo lô thì người mua không được quyền bán, sang nhượng cổ phần trong thời gian 5 năm đầu là không hợp lý vì họ có toàn quyền quyết định khi đã là chủ của doanh nghiệp.
Để xử lý điểm này, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phân loại DNNN, loại nào Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần thì khi hoàn thành chào bán theo lô, nhà đầu tư có thể bán hoặc sang nhượng ngay cổ phần. Đối với lĩnh vực mà Nhà nước vẫn cần nắm giữ cổ phần thì chỉ cần có thêm điều kiện nhà đầu tư cam kết có ngành nghề phù hợp và đảm bảo ngành nghề đó phát triển hơn nữa.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu quy định mức bán theo lô tối đa và tối thiểu theo các hướng phân loại DNNN để không xảy ra tình trạng các nhà đầu tư cạnh tranh thiếu lành mạnh và nhà đầu tư tập trung vào thay đổi quản trị của doanh nghiệp.
Đẩy nhanh tiến độ thoái vốn
Trên thực tế, việc bán cổ phần vốn Nhà nước tại DN theo lô là cơ chế riêng mà Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện trong nhiều năm qua. Việc ban hành Thông tư sẽ trao cơ chế này cho các Bộ, địa phương để đẩy nhanh việc thoái vốn, cổ phần hóa tại hơn 200 DN trong năm 2015. Nói cách khác, việc chào bán cổ phần của DNNN theo lô sắp tới sẽ không còn quyền hạn “đặc thù” của SCIC nữa mà đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp là các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ đạt được quyền này nhằm thu hút được sự quan tâm của những tổ chức, cá nhân thực sự có nhu cầu tham gia đầu tư, quản lý các DNNN.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ GTVT và các doanh nghiệp trực thuộc như Cienco 5, 6, Vinamotor, cảng Quảng Ninh và một số doanh nghiệp, cảng biển khác rất muốn bán cổ phần theo lô. Nếu không bán cổ phần theo lô thì không tạo ra sức hút cổ phần hóa với nhiều DNNN.
Tổng Giám đốc SCIC Lại Văn Đạo cho biết, trong trường hợp Nhà nước muốn bán hết một lần toàn bộ số vốn cần thoái cho một nhà đầu tư (từ các nhà đầu tư tham gia đặt cọc, đấu giá vốn để tìm người trả giá cao nhất) thì áp dụng cơ chế bán cả lô. Khi đó, nhà đầu tư thắng đấu giá sẽ sở hữu toàn bộ số vốn của Nhà nước được bán ra.
Bộ GTVT và các doanh nghiệp trực thuộc, các cảng biển rất muốn bán cổ phần theo lô
Từ thực tiễn, ông Đạo nêu 2 trường hợp xảy ra nếu không thoái vốn theo lô. Một là khi Nhà nước bán đấu giá 51% cổ phần Nhà nước (tại công ty mà NN nắm quyền chi phối) thì có vài ba nhà đầu tư trúng, nhưng tổng số bán chỉ được 30% chẳng hạn (tức là không bán hết được 51%). Thành ra Nhà nước đang từ chỗ chi phối hoạt động của DN thành người không chi phối (còn 21% cổ phần). Sau này, việc bán lại số cổ phần trên sẽ rất khó thực hiện bởi người mua mới chỉ muốn mua được cổ phần nhiều hơn nhằm giữ quyền chi phối DN.
Hai là một nhà đầu tư sở hữu 1 tỷ lệ nhất định cổ phần ở DN, khoảng 31%. Khi Nhà nước bán cả lô 51% thì nhà đầu tư đó chỉ cần mua thêm 20% (trong số 51%) nữa thôi là dừng lại để nắm giữ 51% cổ phần tại DN. Lúc này, Nhà nước còn hơn 30% cổ phần thì hoàn toàn không có tác dụng tích cực trong trường hợp đẩy nhanh thoái vốn.
“Chính vì vậy, việc các Bộ, địa phương đặt vấn đề thoái vốn trọn lô là rất chính xác để đẩy nhanh tiến trình thoái vốn, cổ phần hóa DNNN. Khi bán cả lô thì cũng dễ bán và giá bán cũng cao hơn”, ông Đạo khẳng định.
Thời hạn được bán lại
Hiện tại SCIC được thực hiện cơ chế thoái vốn theo lô cũng có gặp những vướng mắc mang tính kỹ thuật. Tuy nhiên, ông Đạo cho rằng điều này không đáng ngại và hoàn toàn có thể xử lý được.
Tổng Giám đốc SCIC nhấn mạnh nguyên tắc: “Thoái vốn theo lô phải được thực hiện công khai, minh bạch, không được bỏ qua bất kỳ trình tự nào”. Theo đó, Nhà nước phải thuê công ty định giá vốn Nhà nước ở lúc khởi điểm đấu giá. Thực hiện định giá cho 1 giá trị khoản vốn bằng nhiều phương pháp, gồm cả giá trị thương hiệu, chiết khấu dòng tiền,... chứ không chỉ có phương pháp tính toán giá trị sổ sách như dự thảo Thông tư. Sau khi định giá xong sẽ báo cáo cơ quan Nhà nước tiếp tục xem xét để quyết định giá tốt nhất.
Ông Lại Văn Đạo cũng góp ý, trong việc thoái vốn trọn lô, không nên nhầm lẫn giữa việc người mua cả lô với nhà đầu tư chiến lược. Để xác định nhà đầu tư chiến lược thì Nghị định số 59/2011/NĐ-CP đã quy định rồi, còn nhà đầu tư mua trọn lô là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào trên thị trường.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cũng đồng tình với ông Đạo về quan niệm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư mua trọn lô.
Ông Vũ Bằng cũng nêu phương án “mạnh dạn” hơn khi bán cổ phần trọn lô để triển khai tốt hơn việc thoái vốn Nhà nước tại DN. Theo đó, trường hợp cần thiết có thể thoái vốn theo phương pháp “dựng sổ”- tức là Nhà nước thỏa thuận với các nhà đầu tư lớn quan tâm tới cổ phần cần thoái để tham gia đấu giá vốn, hoặc Nhà nước chọn một nhà đầu tư duy nhất để thoái vốn theo lô.
Ông Bằng cho rằng quy định nhà đầu tư sau khi mua trọn lô thì sau 5 năm mới được bán, chuyển nhượng cổ phần là “hơi cứng”. “Bán một nhà máy, cảng biển nào đó thì cần thời gian cao hơn nhưng với những DN khác thì không cần thiết 5 năm, chỉ cần 2, 3 năm là được”, ông Bằng nêu quan điểm.
Trần Đức
theo Công lý